Cách đây vài giờ, vào tối ngày 16/8, facebook có tên B.B đã đưa tin về trường hợp một bé trai tử vong do hóc hạt nhãn tại bệnh viện A, tỉnh Thái Nguyên. Ngay lập tức, bài viết này đã nhận được tới gần 20 nghìn lượt chia sẻ chỉ trong một thời gian ngắn và dấy lên sự quan tâm cảnh báo trong cộng đồng mạng.
 
Hóc hạt nhãn
Trường hợp tử vong của bé trai ở Thái Nguyên được cư dân mạng cảnh báo.
 
Trường hợp của bé trai này không phải là hiếm gặp khi trẻ bị tử vong do các dị vật hạt gây ra. Mới gần đây, cũng trong năm 2016, vào ngày 8/1, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) đã tiếp nhận trường hợp một bé trai bị hóc hạt chôm chôm khi ăn. Tuy nhiên, không may mắn rằng bé đã ngưng tim, ngưng thở từ trước khi được đưa vào bệnh viện.
 
Trước đó, bệnh viện đa khoa huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, ngày 4/8/2015 cũng đã tiếp nhận bé Nguyễn Trần Tường Vy (3 tuổi ) nhập viện trong tình trạng cơ thể tím tái, ngưng thở. Do tình trạng ngưng thở quá lâu nên khi vừa chuyển đến bệnh viện thì bé đã tử vong. Nguyên nhân tử vong của bé cũng là do hóc hạt chôm chôm.
 
Một trường hợp thương tâm khác xảy ra vào tháng 8/2014 tại thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai là trường hợp của bé Vũ Thành Hưng, 3 tuổi. Theo thông tin thì vào trưa 7/8/2014, bé Hưng vừa ngậm một quả nhãn đã bóc vỏ trong miệng, vừa chơi đùa với người thân. Do bất cẩn, quả nhãn đã trôi tuột xuống họng và lấp kín thực quản, gây tình trạng ngạt thở, tím tái. Bé đã được đưa lên bệnh viện huyện và tỉnh ngay lúc đó nhưng sau 13 giờ, bé đã tử vong do chết não.
 
Không to như hạt chôm chôm hay hạt nhãn nhưng một bé trai 2 tuổi cũng đã tử vong do hóc hạt đậu phộng. Đó là trường hợp của bé N.Q.D. (ngụ tại quận Gò Vấp). Nhập viện trong tình trạng tím tái, ngưng tim, ngưng thở, người nhà bệnh nhi cho biết trước đó, bé được cho ăn đậu phộng (lạc) rang. Trong lúc ăn cháu vẫn hồn nhiên nô đùa thì bất ngờ ho lên một tiếng, tay ôm lấy cổ, mắt trợn ngược, toàn thân đột ngột tím tái. Ngay lập tức cháu được gia đình chuyển đến bệnh viện Gò Vấp sau khi sơ cứu bệnh viện này tiếp tục chuyển bé D. lên Nhi Đồng 2. Tại đây, bé được hỗ trợ hô hấp và hồi sức tích cực, tuy nhiên do bị ngưng thở quá lâu nên bé đã bị chết não.
 
Còn trong năm 2006, cũng chỉ vì một hạt nhãn mà bé trai kháu khỉnh chưa đầy 1 tuổi Hoàng Bá Thạch ngụ tại Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã phải lìa bỏ cõi đời. Được biết vào khoảng 17 giờ chiều ngày 6/8/2006, trên đường đi đến Trạm xá xã Diễn Yên để khám và lấy thuốc cho cháu Thạch, do con đòi ăn nhãn, chị Hà đã mua 2.000 đồng tiền nhãn rời cho con. Nhưng đi được khoảng 100m thì một người đi đường phát hiện ra bé Thạch bị sùi bọt mép. Bé được đưa quay trở lại trạm xá xã rồi lên trung tâm Y tế huyện Diễn Châu để cấp cứu nhưng chưa đầy một phút thì bé Thạch qua đời.
 
 Các bé 5 - 6 tuổi cũng có thể bị mắc dị vật đường thở (Ảnh minh họa).
 
Nhiều bậc phụ huynh chủ quan cứ ngỡ trẻ nhỏ tuổi mới bị hóc, bị nghẹn, nhưng họ không biết rằng trẻ 5 - 6 tuổi cũng có thể trở thành nạn nhân của các dị vật này. Đơn cử như vào tháng 5/2013, một cháu bé 5 tuổi tên T.C ở Quãng Ngãi đã phải nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái, khò khè, mặt mũi đỏ bừng. Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, các bác sĩ đã tiến hành nội soi và gắp ra một dị vật nằm ở gốc phế quản trái của bé, đó là một hạt dưa có đường kính 4mm x 3mm. Được biết trước đó, bé có ăn dưa hấu cùng cả nhà, sau khi ăn bé không có biểu hiện gì lạ. Nhưng đến sáng hôm sau, bé tím tái người, khò khè, khó thở. Qua các kết quả xét nghiệm ban đầu, các bác sĩ tại đây quyết định nội soi và phát hiện ra ngay dị vật.
 
Mẹ có thể cứu sống bé ngay lập tức khi bé bị hóc
 
Theo các bác sĩ, việc sơ cứu trẻ hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ cứu được bé trong gang tấc. Nhưng nếu không biết cách thì chỉ sau 5-6 phút, bé có thể sẽ bị ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong do dị vật chèn đường thở.
 
Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu bị hóc, sặc dị vật cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh theo những thao tác như sau:
 
- Biện pháp vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực. 
 
 Biện pháp vỗ lưng
 
-  Biện pháp ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.
 
 Biện pháp ấn ngực
 
Nếu dị vật không bắn ra cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt lưu ý cha mẹ tuyệt đối không được dùng tay móc dị vật. Hành động này có thể sẽ khiến dị vật đi vào sâu hơn, khiến trẻ trở nên nguy kịch hơn.

 Video hướng dẫn chi tiết cách sơ cứu khi trẻ bị mắc các dị vật. (Nguồn: THHN)
 
Những điều cần lưu ý khi cho con ăn hoa quả có hạt
 
Hóc dị vật đường thở là một trong những tai nạn cực kỳ nguy hiểm nhưng có một sự thật là rất nhiều các bậc phụ huynh còn lơ là, không chú ý tới tai nạn này. Do đó, để tránh nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra, cha mẹ hãy luôn nhớ kỹ những điều sau:
 
-    Thận trọng khi chế biến, lựa chọn thực phẩm cho trẻ ăn. Đối với những loại thực phẩm dễ có nguy cơ khiến trẻ bị hóc thì tuyệt đối không để trẻ tự ý ăn mà cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ.
 
-    Một số thực phẩm mà trẻ dễ bị hóc bao gồm: Nho, nho khô, nhãn; Các loại hạt (hạt điều, lạc rang, quả óc chó, hạt dẻ, hạt dưa, hạt hướng dương...); Các loại thực phẩm như xúc xích, kẹo cứng, bỏng ngô, cá, lươn...
 
-    Nên cắt đồ ăn thật nhỏ trước khi cho con ăn, điều này hạn chế sự nguy hiểm đối với trẻ.
 
-    Tuyệt đối không được cho trẻ chạy, đùa nghịch hay nằm xuống trong khi ăn.
 
 Nguồn: Tổng hợp