Từng có câu chuyện về cuộc đối thoại của hai cha con khi vào quán ăn ở Trung Quốc gây chú ý. Người cha trông có vẻ là một công nhân cùng đứa con vào một cửa hàng ăn. Đứa trẻ nhìn chằm chằm vào thực đơn, hồi lâu không gọi món. Người bố chọn cho mình xong, sau đó hỏi con ăn gì. Đứa bé trả lời mình muốn gọi một suất bún bò.
Sau khi đứa con gọi món xong, ông bố lại nói: "Bún bò con gọi đắt quá. Bữa ăn của con làm bố vất vả mất nửa ngày đấy!".
Đứa trẻ nhận ra rằng món ăn của mình đắt tiền, và nhanh chóng muốn đổi món. Nhưng người cha lại nói với con: "Bố bảo bún bò này đắt không phải nói con không được ăn mà bảo con chăm chỉ học hành, bố mẹ nuôi con không dễ đâu... ". Sau đó, người cha nói về chuyện kiếm tiền thêm nhiều lần và liên tục nhấn mạnh vấn đề khó khăn trong việc nuôi con. Lúc đầu đứa trẻ rất vui vì được ăn món bún bò mà mình thích, nhưng nghe xong lời bố nói thì lại lén cúi đầu xuống.
Sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, một số người nói rằng người cha này thực sự vì lợi ích của con và muốn cho con mình biết rằng tiền bạc là khó kiếm, nhưng hãy nghĩ xem, cách giáo dục con cái trong những dịp như vậy, liệu có thực sự tạo cho chúng tinh thần "chiến đấu"?
Nếu cha mẹ cứ nói với con cái họ đã tiêu bao nhiêu và đã trả bao nhiêu trước mặt con cái thì điều này thực sự không tốt cho trẻ, cũng không có ích gì cho việc giáo dục. Hành vi này của cha mẹ sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy rất tội lỗi.
Đứa trẻ rất hạnh phúc khi gọi một miếng thịt bò mà nó thường không ăn, nhưng khi bố nói rằng sẽ mất nửa ngày tiền công, niềm hạnh phúc của đứa trẻ rõ ràng là không còn nữa. Đứa trẻ biết rằng bữa ăn này sẽ tốn của bố rất nhiều tiền và nó sẽ cảm thấy có lỗi. Ngay từ đầu khi không dám gọi đồ ăn, có thể thấy rằng đứa trẻ thường sống trong cảm giác tội lỗi đến mức không dám tiêu tiền của cha mẹ.
Cha mẹ thích khóc lóc về sự nghèo khó trước mặt con cái: Con có lòng tự trọng thấp, tương lai khó triển vọng
Cha mẹ nghèo luôn đấu tranh trên đường sinh tồn. Quan niệm mà họ truyền lại cho con cái từ khi còn nhỏ là: Gia đình mình rất nghèo, con phải học tập chăm chỉ và làm việc để kiếm tiền trong tương lai. Trẻ em từ các gia đình nghèo đã phát triển ham muốn tiền bạc dưới sự ảnh hưởng của cha mẹ.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, những đứa trẻ này sẽ vô hình trung trở nên kém cỏi và nhạy cảm, chúng sẽ cảm thấy mình thua kém người khác. Nhiều em nhà nghèo mang gánh nặng "báo ơn", vừa ra trường lại lao vào tìm việc làm để kiếm tiền, bất kể có phù hợp hay không, không hề nghĩ đến chuyện lâu dài. Phần lớn số tiền vất vả kiếm được đều gửi về cho bố mẹ, chỉ để lại một phần nhỏ cho bản thân, cuối cùng vẫn chẳng có gì. Càng có ít tiền, trẻ càng ít dám thay đổi công việc, những cơ hội mới đã bị mất đi.
Đồng thời, việc trẻ rất khó để được đáp ứng nhu cầu vật chất sẽ xuất hiện tâm lý bất an, chỉ muốn có nhiều tiền nhưng lại ngại chi tiêu, đối xử không tốt với bản thân. Hơn nữa trong mối quan hệ với bạn bè và đồng nghiệp sau này, chúng sẽ luôn tỏ ra keo kiệt và không được mọi người nể trọng vì quá quan tâm tới tiền bạc. Những đứa trẻ như vậy lớn lên, rất có thể sẽ trở thành những người ham muốn tiền bạc quá mức. Thậm chí sẽ xuất hiện cảm giác thiếu thốn tự ti và sợ tiền.
Chúng sẽ cảm thấy tội lỗi khi tiêu tiền và có xu hướng tích trữ tiền bằng mọi giá để có cảm giác an toàn.
Peng Kaiping, giáo sư Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cũng từng nói "Nói với con cái gia đình mình nghèo, đồng nghĩa với việc đang gieo rắc cảm giác thiếu thốn". Cảm giác này khó có thể được loại bỏ chỉ bằng sự sung túc về vật chất. Nghèo đói không phải là thứ gây hại lớn nhất cho trẻ em. Nhưng cảm xúc tự trách, tội lỗi bắt nguồn từ cách thể hiện sai lầm của cha mẹ có thể hủy hoại tâm hồn trẻ thơ.
Bởi vậy, việc cha mẹ thường xuyên "than nghèo kể khổ" sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của con cái, không chỉ mối quan hệ của chúng với tiền bạc mà còn cả mối quan hệ với thế giới sau này.
Nếu cha mẹ có khả năng kinh tế và sẵn sàng với những yêu cầu của trẻ, nên vui vẻ làm hài lòng trẻ thay vì nói câu "Cái này đắt quá, chúng ta không đủ tiền mua" hay "Gia đình chúng ta rất nghèo".
Nếu không có khả năng, hãy nói thật với trẻ rằng không phải bố mẹ không muốn mua mà tạm thời chưa đủ khả năng. Nên cho trẻ hiểu, dù nhu cầu của chúng chưa được đáp ứng, đó không phải lỗi của trẻ và con vẫn có thể có bằng sự nỗ lực trong tương lai.
Trong cuốn sách "Kỷ luật tích cực" đề cập đến việc khi trẻ 6 tuổi, cha mẹ phải có ý thức để con tự quản lý tiền bạc của mình. Ví dụ, mỗi tuần cho trẻ một khoản tiền tiêu vặt để con mua văn phòng phẩm, đồ ăn nhẹ, đồ chơi. Nếu trẻ không dùng hết số tiền này, có thể bỏ vào lợn đất tiết kiệm. Còn nếu như tiêu hết sớm, phải biết cách chờ đợi cho những đợt sau. Phải cho trẻ thấy không phải mọi thứ chúng muốn đều đạt được ngay lập tức.
Nếu một đứa trẻ có thể hình thành quan niệm đúng đắn về tiền bạc, trẻ sẽ giàu có về mặt tinh thần và độc lập, không bị tiền bạc dẫn dắt và dễ rơi vào khủng hoảng trong tương lai.