HỌC ĂN 

Tôi xin kể lại một câu chuyện nhỏ về tầm quan trọng của giáo dục trên bàn ăn. Con gái tôi rất thích ăn phần thịt ở bụng cá bởi nó vừa mềm lại không có xương. Mỗi lần có món cá, tôi đều gắp miếng thịt đó cho con.

Tuy nhiên, trong một lần bà ngoại cháu đau răng, tôi đã gắp miếng thịt cá đó cho bà. Lúc ấy con gái tôi đã tỏ ra khó chịu, khuôn mặt hầm hầm giận dữ vì tôi lấy phần thức ăn lẽ ra thuộc về nó cho người khác. Dù tôi có gắp cho con bao nhiêu đồ ăn ngon cũng không bằng một lần làm nó phật lòng.

Có lẽ rất nhiều gia đình cũng giống như tôi, dành quyền ưu tiên cho con cái: Mâm cơm vừa chuẩn bị xong, đồ ăn ngon nhất sẽ lấy cho con ăn trước, phần thịt cá ngon nhất cũng để dành cho con mà không ai được ăn… Đó là cách chúng ta biểu hiện tình yêu thương con trẻ, mong con khỏe mạnh và cảm nhận được tình yêu và những gì chúng ta đã dành cho chúng.

Tuy nhiên, cách thể hiện tình yêu như vậy có thực sự đúng đắn? Con bạn có thực sự cảm kích những gì mà bạn dành cho chúng? Thông thường là không, bởi trong suy nghĩ của chúng đó là "điều đương nhiên". Cách giáo dục đó sẽ làm chúng không biết cảm ơn và từ đó việc hiếu kính cha mẹ trở nên xa vời. Vô tình, chúng ta nhào nặn nên một đứa trẻ "vô ơn" bắt đầu từ trên ăn của gia đình mình. 

Có thể, trong mắt người lớn thì đó không còn là chuyện nhỏ nữa, mà chính là khiếm khuyết về văn hóa và ý thức của một con người.

Đôi khi, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình chỉ đáp ứng đủ "dinh dưỡng" mà quên rằng "giáo dưỡng" cũng là bài học đầu đời cho con. Lễ nghi trên bàn ăn chỉ là một khía cạnh nhỏ, nhưng đó chính là bước đầu tiên để giáo dục con cái thành người.

Một đứa trẻ có được giáo dục tốt hay không, chỉ cần qua một bữa cơm là có thể phán đoán. Một người bạn có trở thành tri kỷ hay không, chỉ cần qua vài mâm cơm là có thể hiểu rõ. Cặp vợ chồng có hạnh phúc hay không, chỉ cần nhìn vào gian bếp là có thể đoán được tới bảy, tám phần.

Bởi vậy, ăn cơm dù chỉ là chuyện nhỏ, nhưng trong đó bao gồm cả sự giáo dưỡng, cũng là việc mà chúng ta cần học. Chẳng vậy, các cụ của chúng ta đã nhắn nhủ: "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", hoặc "học ăn, học nói, học gói, học mở", trong đó, "học ăn" được đưa lên hàng đầu

   - Ảnh 1.

CHỊU KHỔ, CÁNH CỬA ĐẦU TIÊN CỦA TỰ LẬP

Vì quá yêu con nên không nỡ để con làm việc nhà, cũng vì quá yêu con mà không muốn để con phải chịu dù chỉ một chút khổ. Để rồi cuối cùng, chúng ta đã đào tạo ra "những đứa trẻ 30 tuổi" sống dựa dẫm vào cha mẹ.

Edward Hallowell, nhà tâm lý học & tác giả quyển “The Childhood of Adult Happiness” từng nói: “Những đứa trẻ được chiều chuộng quá mức khi lớn lên thường có xu hướng trở thành người dễ chán nản, hoài nghi và không tìm thấy niềm vui”. Điều này cũng nhắc nhở các bậc làm cha làm mẹ cần nhắc nhở và dạy con mình cần phải tự lập trong hành động và chịu trách nhiệm cảm xúc của mình.

Trong quá trình học những kỹ năng mới, trẻ sẽ phải thử đi thử lại nhiều để thành công. Nếu con đang tập đi và té ngã nhiều lần, thay vì chạy lại bế con thì bạn nên động viên con tự đứng dậy, bước tiếp về phía mình và chắc chắn rằng cha mẹ luôn bên cạnh con. Khi con đã tự đứng lên, bước đi về phía cha mẹ thành công thì bé sẽ cảm thấy thành công hài lòng với bản thân. Theo nhiều nghiên cứu về hạnh phúc, kiểu thành công này sẽ tạo cảm giác hạnh phúc và khiến cho trẻ có thêm động lực tự để tìm sự hài lòng trong thành công từ sự nhẫn nại, kiên trì.

Ngoài những niềm vui, hạnh phúc thì trẻ cần phải được trải qua những cảm xúc tiêu cực như buồn bã, thất vọng. Nếu bạn cố bảo vệ con tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực này thì vô tình bạn đã hạn chế khả năng tự vượt qua, tự tạo sức mạnh tinh thần để có thể đối diện với những thử thách trong cuộc đời khi trưởng thành, và thậm chí là dù bạn có cố bảo vệ thì con cái bạn cũng chắc chắc phải chịu đựng những cảm xúc này thôi.

Đừng quá nuông chiều con cái, khi trẻ khóc hay không vui vì không được mua món đồ ưa thích, hoặc làm điều mình thích, cha mẹ không nên làm theo ý trẻ mà nên giải thích cho con hiểu là dù con thích nhưng cha mẹ có lý do không thể đồng ý được và con cần phải chấp nhận điều này. Đây không chỉ là vấn đề về kỷ luật, trẻ cần học là cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý và phải tự vượt qua những điều không mong muốn này.

Hãy nhớ: Nếu cha mẹ không để con chịu khổ, thì thế giới tương lai sẽ làm chúng càng khổ hơn.

   - Ảnh 2.

CHỊU THIỆT, CHÍNH LÀ BAO DUNG VỚI SAI LẦM CỦA NGƯỜI KHÁC 

Mọi người thường nói "chịu thiệt là phúc". Chịu thiệt không phải là nhu nhược, hai việc đó hoàn toàn khác nhau. "Chịu thiệt" mà chúng ta muốn con cái học, kỳ thực, chính là bao dung đối với sai lầm của người khác, là biết buông bỏ lợi ích trước mắt để sống cởi mở và rộng lượng hơn.

Có đôi khi, việc nhỏ không thể nhẫn nhịn sẽ làm hỏng việc lớn, không chịu được cái thiệt nhỏ sẽ phải chịu cái thiệt lớn.

Con chị bạn tôi năm nay học lớp 10. Vì cậu bé khá cao và thị lực cũng tương đối tốt nên cô giáo chủ nhiệm sắp xếp cho cậu bé ngồi cuối lớp. Chị bạn tôi không chấp nhận điều đó nên đã tới trường gặp cô giáo chủ nhiệm để đưa ra ý kiến về việc này. Chị cho rằng con mình ngồi bàn cuối sẽ không nhìn lên bảng được, cũng không nghe được lời cô giảng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thành tích học tập của cháu. Những lời nói của chị ít nhiều cũng ảnh hưởng tới cậu bé, khiến cậu cho rằng cô giáo đối xử bất công với mình.

Cuối cùng, vì chị tỏ ra quá gay gắt, bất đắc dĩ cô giáo chủ nhiệm phải chuyển cậu bé lên bàn trên. Tuy nhiên, thành tích của cậu bé trong kỳ học đó lại kém hơn trước rất nhiều.

Tranh giành để con được ngồi lên bàn đầu, không phải "chịu thiệt nhỏ", nhưng đã vô tình để lại ấn tượng xấu trong lòng giáo viên chủ nhiệm, cũng ảnh hưởng tới tâm lý của con cái. Vậy, tranh giành như vậy có đáng hay không?

Để con chịu khổ một cách thích hợp, để con có thể tự gánh chịu phần vất vả thuộc về bản mình không những giúp con bồi dưỡng khả năng độc lập, mà còn dạy con biết cảm thông với nỗi vất vả của mẹ cha. Để con học cách chịu thiệt không những có thể mở rộng tấm lòng của con, mà đôi khi còn giúp con bồi đắp thêm ý chí và nghị lực sau này.

(Aboluowang)