Những đứa trẻ vốn chưa có khả năng phân biệt đúng sai, chúng chỉ có thể nói và hành động giống như cha mẹ mình. Nếu muốn con trở thành một người chân thành, thẳng thắn, trung thực, cha mẹ phải từ bỏ thói quen xấu. Vì lời nói và việc làm của cha mẹ đang định hình tính cách của con mình.

Muốn con lễ phép thì cha mẹ phải cẩn trọng trong lời nói và việc làm trong giao tiếp hàng ngày, làm gương tốt cho con cái. Nếu cha mẹ thường xuyên phàn nàn và có những lời lẽ tục tĩu trong giao tiếp, con cái sẽ trở thành bản sao y như cha mẹ mình.

Khi giáo dục con cái, cha mẹ hoàn toàn có thể đưa ra những lời phê bình hoặc răn đe phù hợp, thế nhưng có 3 điểm mấu chốt tuyệt đối đừng mắc phải.

1. Đừng chỉ trích con ở nơi đông người

Có một câu chuyện kể lại rằng cô giáo phát hiện học sinh có số tiền lớn trong người nên đã gọi điện cho phụ huynh. Người mẹ chưa hỏi con cái về nguồn gốc số tiền, cho rằng con mình ăn trộm nên lập tức tới lớp của bé, quát mắng và đánh bé trước mặt các bạn trong lớp.

Về sau, sự thật được hé lộ, số tiền đó là do bé đi bán ve chai tích lũy mà có được. Dù chuyện đã qua nhưng sự việc ngày ấy mãi là nỗi buồn đối với một đứa trẻ. Cậu bé luôn mang cảm giác tự ti, xấu hổ với bạn bè của mình. Cậu cũng không còn dành tình cảm và yêu thương cho mẹ của mình nữa. 

Mắng con ngay trước mặt người khác chính là một hành động phủ nhận con một cách tiêu cực nhất, vì nó khiến đứa trẻ cảm thấy xấu hổ. Nhiều bố mẹ nghĩ rằng cách giáo huấn này sẽ hiệu quả vì khiến con sợ hãi, lần sau không dám lặp lại nữa. Thế nhưng đôi khi nó lại gây ra tác dụng ngược.

Những em bé bị mắng dễ tủi thân, ấm ức, xen lẫn cả sự xấu hổ, tự ti ẩn trong những giọt nước mắt của con vì bị bố mẹ dạy dỗ ngay trước mặt đông người khi làm sai điều gì đó. Nếu ở đó có bạn bè thân thiết, con dễ cảm thấy bị xúc phạm, coi đó là một sự xấu hổ và sỉ nhục.

Bên cạnh đó, những lời mắng mỏ liên tục có thể khiến con hình thành suy nghĩ bạn không yêu chúng. Dù bạn đã cố gắng bù đắp sau những hành vi nghiêm khắc đó nhưng con bạn vẫn luôn cảm thấy tồi tệ. Trẻ con ghi nhớ rất lâu, và con có thể sẽ nhắc đi nhắc lại về chuyện đã bị bố mẹ mắng như thế nào.

Thay vì quát mắng con, hãy dạy con rằng việc mắc lỗi là điều không tránh khỏi, quan trọng là phải rút kinh nghiệm và trở thành một người tốt hơn.

Cha mẹ có thể dạy dỗ khi con làm sai, nhưng có 3 điểm mấu chốt tuyệt đối đừng mắc phải - Ảnh 1.

2. Đừng trách phạt khi đang cáu giận

Việc kìm chế cảm xúc khi dạy con không phải là điều dễ dàng, đặc biệt với những phụ huynh nóng tính. Khi con làm sai điều gì đó hoặc không nghe lớn, người lớn thường khó kiểm soát cảm xúc, nổi cơn thịnh nộ, quát mắng, thậm chí là đánh con.

Trẻ hay bị đánh đập thường có tự trọng thấp, bị trầm cảm và có nhiều hành động tiêu cực trong tương lai. Cha mẹ nên biết, đòn roi chỉ thể hiện sự bất lực của phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái và gây ảnh hưởng đến tương lai của con mình. 

Những hành động xảy ra khi đang nóng giận thường không đem lại kết quả tốt, cho dù đối phương là ai. Không chỉ việc giáo dục con, mọi tình huống trong cuộc sống cũng cần sự bình tĩnh, đây cũng là thời điểm để cha mẹ rèn luyện tính kiên nhẫn. 

3. Đừng nhạo báng, xúc phạm hay miệt thị con

Nhiều phụ huynh cho rằng cha mẹ được dạy bảo con cái bằng bất cứ hình thức nào. Họ cho rằng trẻ nhỏ không biết gì, cần phải nghe theo người lớn mới là tốt. Khi đứa trẻ không chịu làm theo, cha mẹ tỏ ra khó chịu và dùng những lời lẽ xúc phạm con.

"Làm có mỗi chuyện đấy không xong", "Sao dốt thế, có thế mà không làm được", "Không hiểu sao bố mẹ như này lại đẻ ra thằng con hậu đậu vậy"... Những câu nói như vậy thường không khiếп trẻ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn mà ngược lại còn mang đến cho con những tác động tiêu cực về mặṭ tâm lý. Dần dần, trẻ sẽ chấp nhận việc bản thân không giỏi bất cứ thứ gì và mặc định là do bản thân kém cỏi.

Trẻ sẽ tự dán nhãn rằng mình không hề giỏi, con không chỉ có xu hướng rụt rè hơn trong mọi việc ở nhà mà khi ra ngoài xã hội, trẻ cũng luôn mang tâm lý sợ hãi, không dám thể hiện bản thân.