Nhiều phụ huynh do bận rộn công việc nên thường phó mặc con cái cho ông bà hoặc người giúp việc chăm sóc. Không ít người trở về nhà vào đêm muộn, chẳng kịp trò chuyện hay chơi đùa cùng các con. Đây là điều thiệt thòi của những đứa trẻ và có thể khiến cha mẹ phải hối hận vì bỏ lỡ khoảnh khắc quý báu bên con.
1. Khung giờ 17h - 18h
Từ 17h-18h là khoảng thời gian cha mẹ cùng trẻ trở về nhà sau một ngày dài học tập và làm việc căng thẳng. Nếu như vào sáng sớm, trẻ gần như không thể giúp đỡ cha mẹ do ngủ dậy phải chuẩn bị sách vở để kịp giờ đi học thì buổi chiều chính là thời điểm thích hợp. Lúc này, trẻ có thể phụ cha mẹ nhặt rau, quét nhà, gấp quần áo,…
Trong quá trình trẻ tham gia làm việc nhà, cha mẹ có thể trò chuyện với trẻ những câu chuyện vụn vặt trong ngày như: Tâm trạng hôm nay ra sao? Có môn học nào khó hiểu không? Kế hoạch trong tuần tới là gì,… Cha mẹ hãy trao đổi bằng thái độ nhẹ nhàng, niềm nở để trẻ sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện, từ đó đưa ra lời khuyên phù hợp.
Sau đó, cha mẹ nên tạo bầu không khí vui vẻ, đầm ấm trong bữa ăn tối bởi đây là khoảng thời gian cả gia đình sum vầy bên nhau. Đừng nên chỉ trích, quát mắng trẻ những lỗi sai trong bữa ăn bởi điều này khiến trẻ mệt mỏi, tủi thân. Ngoài ra còn dẫn đến tình trạng trẻ chán ăn, bỏ bữa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Trong bữa ăn tối, cha mẹ có thể kể những mẩu chuyện vui trong ngày hay lên kế hoạch giải trí vào cuối tuần. Hãy tạo niềm hứng khởi để trẻ có những phút giây hạnh phúc bên gia đình.
2. Khung giờ 18h - 19h
Sau khi ăn là quãng thời gian cả gia đình cùng nhau dọn dẹp bữa tối. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ làm những việc đơn giản, vừa sức như: Dọn bàn ăn, xếp lại ghế ngồi, cất thức ăn thừa,… Cách này giúp trẻ vừa trở nên tự lập, vừa đỡ đần cha mẹ được một số việc nhà.
Sau đó, cả gia đình cùng nhau ngồi quây quần trò chuyện, xem ti vi trước khi trẻ bắt đầu ngồi vào bàn học. Hoặc cha mẹ có thể cùng con đi dạo xung quanh nhà giúp tinh thần thư thái và khả năng tiêu hóa thức ăn diễn ra tốt hơn. Thời điểm này chỉ nên vận động nhẹ nhàng, tránh những hoạt động vận động cường độ cao.
3. Khung giờ 19h - 20h
Đây là thời gian trẻ ngồi vào bàn học để làm bài tập về nhà, chuẩn bị bài mới cho ngày hôm sau. Nhiều đứa trẻ không hào hứng, có thái độ chán nản, uể oải khi học bài. Tuy nhiên, cha mẹ nên khơi dậy niềm hứng khởi, giúp con hình thành thói quen học tập tốt. Ban đầu có thể trẻ chưa quen, cha mẹ cần kiên trì thay đổi nhiều phương pháp bằng một thái độ tích cực.
Trong quá trình giám sát con học bài, cha mẹ không nên ngồi cạnh theo dõi mà chỉ kiểm tra lại kết quả. Khi con học, cha mẹ có thể đọc sách, giải quyết công việc tồn đọng hay tham gia những khóa học online hữu ích. Cùng con đắm chìm vào không khí học tập sẽ giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc tiếp thu tri thức. Trẻ sẽ noi gương cha mẹ và nỗ lực nhiều hơn để đạt điểm số cao.
4. Khung giờ 20h - 21h
Đây là khoảng thời gian trẻ học bài xong, vệ sinh cá nhân và chuẩn bị đi ngủ. Cha mẹ nên có những hoạt động phù hợp giúp con giảm căng thẳng và tăng cường sự gắn kết trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Có nhiều hoạt động mà cha mẹ và con cái có thể làm cùng nhau trước khi đi ngủ như: Đọc sách, chơi giải đố, làm đồ thủ công,… Những việc này đều mang lại lợi ích lớn lao, giúp trẻ mở rộng tầm hiểu biết.
Sau một ngày dài, buổi tối là khoảng thời gian cha mẹ nên cùng trẻ thực hiện những hoạt động ý nghĩa. Trẻ sẽ cảm thấy vô cùng ấm áp, hạnh phúc bởi được quan tâm, yêu thương. Tuy nhiên, trong quá trình lập kế hoạch cho 4 khung thời gian "vàng" trên, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Mỗi đứa trẻ có đồng hồ sinh học, sở thích, giai đoạn học tập khác nhau nên việc sắp xếp thời gian cần phù hợp với tình hình thực tế.
- Cha mẹ có thể thay đổi linh hoạt các phương pháp hỗ trợ con trong học tập cũng như trong cuộc sống để trẻ cảm thấy hứng thú.
- Lên kế hoạch học tập, làm việc càng sớm càng tốt. Điều này không làm ảnh hưởng đến quyền tự do của trẻ mà còn giúp trẻ hình thành thói quen tốt, tránh sự trì hoãn.
- Khi ở bên con, cha mẹ cần tập trung tối đa, tránh làm việc riêng. Trẻ rất nhạy cảm, trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ không yêu thương, quan tâm trẻ.