Đứng trước cửa thang máy chờ để đưa con đi học, cùng với mẹ con bé Linh là vài người hàng xóm đợi thang cùng. Mẹ bé Linh sau khi vui vẻ chào hỏi mấy người hàng xóm đã nhắc con chào mọi người. Thế nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng từ cô bé 4 tuổi. 

Mẹ bé Linh đành cười ngượng và có ý trách mắng con không lễ phép. Dù vậy mẹ càng nói thì bé Linh lại càng tỏ ý phản kháng.

Trong thực tế, sẽ rất nhiều bố mẹ gặp cảnh con không chịu chào người lớn dù đã được nhắc nhở. Phản ứng của cha mẹ lúc đó thường là cảm thấy xấu hổ vì nói con không nghe lời, con không lễ phép. Họ thấy mình đã dạy con chưa tốt và bắt đầu quay sang đổ lỗi cho đứa trẻ.

Tuy nhiên theo các chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ chào hay không chào hỏi mọi người, đó là điều bình thường.

Cha mẹ đừng vội trách mắng khi con không chịu chào hỏi người lớn: Theo các chuyên gia, đó là điều bình thường - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia tâm lý, một đứa trẻ chào hay không chào hỏi mọi người, đó là điều bình thường (Ảnh minh họa)

Các nhà tâm lý cho rằng những đứa trẻ biết chủ động nói lời chào hỏi sẽ dễ gây thiện cảm với mọi người hơn và sẽ dễ thích nghi với xã hội sớm hơn. Cũng nhờ thế, khả năng thành công sẽ đến sớm hơn với những trẻ em này.

Tuy nhiên, một số trẻ, có tính cách nhút nhát, ngại ngùng khi đối diện với người lạ nên thường tỏ ra né tránh, không chào hỏi dù được nhắc nhở. Với những bé như vậy, cha mẹ không nên trách mắng con hay tỏ ra thất vọng, bởi cha mẹ càng phản ứng tiêu cực, con sẽ càng tự ti. Đừng vội vàng gắn cho con cái mác không lễ phép trong tình huống này!

Thay vào đó, cha mẹ nên giảng giải cho con từ từ về việc tại sao nên chào hỏi mọi người, nhất là người lớn tuổi khi gặp mặt, tại sao nên cởi mở và cách để tạo thiện cảm với người xung quanh ra sao…

Sự sợ hãi và nhút nhát trước người lạ là khả năng tự bảo vệ của trẻ. Bạn nên nhớ, trước khi trẻ 5 tháng tuổi, bất cứ ai cũng có thể bế. Nhưng từ 5 tháng tuổi trở đi, ngoại trừ mẹ và những người thân, ai bế bé cũng đều khóc. 

Chúng ta đều biết đó là lúc trẻ biết lạ và khóc là phản ứng để tỏ rõ sự lo lắng. Nỗi lo lắng này sẽ dần mất đi sau khi bé tròn tuổi nhưng không biến mất hoàn toàn cho tới khi lên 3 hoặc 4. Đây là cột mốc quan trọng trong sự phát triển tâm lý cho thấy trẻ dần bắt đầu có ý thức "tôi". Chúng bắt đầu học cách phân biệt người quen, người lạ và bắt đầu hiểu sự tự bảo vệ.

Tất nhiên, cha mẹ nào cũng muốn con có phép tắc, lịch sự, biết chào hỏi khi gặp người lớn, nhưng trẻ con vẫn chưa hiểu đó là một nghi thức xã hội cần có. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên dạy trẻ những quy tắc giao tiếp giữa các cá nhân và từ từ hướng dẫn trẻ.

Trẻ không chịu chào hỏi người lớn, cha mẹ đừng vội trách mắng con - Ảnh 2.

Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên dạy trẻ những quy tắc giao tiếp. (Ảnh minh họa)

Không được gán mác cho trẻ

Đừng tự ý gán mác "bất lịch sự" cho con và đừng nói với con rằng "không chào hỏi là thô lỗ", "mọi người sẽ không thích con nếu con không chào", "mẹ sẽ không cho con kẹo nếu con không biết chào khi gặp người lớn"…

Đôi khi cha mẹ thấy, việc gán mác con không có gì là sai, không ảnh hưởng gì tới tâm lý của trẻ. Nhưng những lời đe dọa hay gán mác nói trên lại khiến trẻ càng trở nên chống đối và nếu có phải làm theo ý bố mẹ, chúng cũng chỉ làm một cách miễn cưỡng.

Dạy con phép lịch sự là quá trình bố mẹ dạy cách tương tác giữa các cá nhân chứ không phải là dùng biện pháp ép buộc hay đe dọa. Cha mẹ dạy con với thái độ bình tĩnh và nhẹ nhàng, trẻ sẽ thấm và thuận theo hơn là đe dọa hay trách mắng.

Nói với con tầm quan trọng của lời chào

Với những bé ở độ tuổi mầm non cha mẹ nên giảng giải một cách đơn giản cho con về tầm quan trọng của lời chào. Hãy nói cho con biết, chào hỏi là một hành vi tốt, nên làm và là một hành động giúp tăng cường kết nối mọi người với nhau.

Hãy để trẻ hiểu cảm xúc mà lời nói và hành động chúng ta mang lại cho người khác. Khi con chào hỏi mọi người, con sẽ khiến cho mọi người vui vẻ và giúp cho con cùng người đó có cảm tình và thân thiện với nhau hơn.

Trẻ không chịu chào hỏi người lớn, cha mẹ đừng vội trách mắng con - Ảnh 3.

Hãy nói cho con biết, chào hỏi là một hành vi tốt. (Ảnh minh họa)

Thiết lập mối quan hệ của trẻ với người khác

Đối với trẻ, nhất là những bé nhút nhát và hướng nội, khi nhìn thấy người lạ, phản ứng của chúng sẽ có phần đề phòng. Nếu cha mẹ yêu cầu con chào hỏi, trong đầu trẻ sẽ có câu hỏi: "Đây là ai, tại sao mình phải chào họ?".

Để tránh trường hợp đó xảy ra, cha mẹ nên giới thiệu cho trẻ trước như: "Đây là một người bạn của bố mẹ, đây là cô/chú A, B, C ở cùng tầng chung cư nhà mình, con có thể nói lời chào khi gặp cô/chú được không?".

Khi được biết rõ người lạ là ai, bé sẽ không còn cảm giác lạ lẫm, bớt ngại ngùng và sẵn sàng nói lời chào.

Trẻ không chịu chào hỏi người lớn, cha mẹ đừng vội trách mắng con - Ảnh 4.

Bố mẹ phải là tấm gương tốt

Muốn giáo dục con tốt, cha mẹ phải là tấm gương tốt. Ví dụ như, nếu bố mẹ nhìn thấy người hàng xóm, người quen biết nhưng lờ đi không chào hỏi thì cũng không làm cách nào dạy con phải biết chào hỏi người lớn.

Hơn nữa, muốn dạy con cách chào hỏi lễ phép, đầu tiên bạn cần có thái độ khoan dung và kiên nhẫn. Nếu ngay lúc đó trẻ thực sự không muốn, hãy tôn trọng trẻ và giải thích dần cho trẻ hiểu sau đó.

Ngoài ra, ở cương vị là một người lớn, khi gặp trẻ hãy chào trẻ trước, cho trẻ thấy rõ sự thiện cảm và nồng ấm từ phía mình. Và từ đó, trẻ sẽ vui vẻ chào hỏi mọi người và tạo thành thói quen tốt sau này.

Theo Sohu

Trẻ không chịu chào hỏi người lớn, cha mẹ đừng vội trách mắng con mà hãy áp dụng theo những cách sau - Ảnh 5.