Chiều 18/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị đánh giá và bàn các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị thành phố thiết lập quy định về tình trạng khẩn cấp khi không khí chạm ngưỡng nguy hại (AQI >300) và đề nghị UBND Hà Nội ban hành thông báo về tình hình chất lượng không khí tới Sở Giáo dục Đào tạo để các trường Mầm non, Tiểu học cho các em học sinh nghỉ học.
Thời gian gần đây, Hà Nội liên tiếp nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của Air Visual. Nhiều trạm quan trắc phủ màu tím với chỉ số AQI vượt trên 200, tương đương mức rất xấu. Một số điểm thậm chí chạm mốc nâu.
Ngày 10/12, trạm quan trắc tại Đại sứ quán Pháp ở Hoàn Kiếm báo chỉ số AQI ở mức 336. Ngày 13/12, trang Air Visual xếp Hà Nội đứng đầu trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI ở mức nâu 316.
Ngày 14/12, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí miền Bắc của Tổng cục Môi trường, tại Hà Nội, ô nhiễm không khí lần lượt ở ngưỡng tím, là rất xấu, rất có hại cho sức khỏe.
Trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng này, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có động thái bảo vệ sức khỏe học sinh.
Từ tháng 10, trường Tiểu học Lê Quý Đôn (khu đô thị Mỹ Đình 1, Từ Liêm) đã thông báo tạm dừng các hoạt động dã ngoại, thể chất ngoài trời để đảm bảo sức khỏe học sinh. Với các môn thể dục và các môn năng khiếu, thay vì hoạt động ngoài trời học sinh sẽ học ở các phòng chức năng.
Ông Tạ Như Việt, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, trước tình trạng ô nhiễm không khí Hà Nội nặng nhất vào buổi sáng, trường đã tiến hành đổi thời khóa biểu một số tiết thể dục ở buổi sáng, giữa giờ sang buổi chiều khi không khí bớt ô nhiễm.
Ngoài ra, trong lớp học sẽ bật điều hòa, đóng kín cửa sổ để hạn chế tối đa ô nhiễm không khí.
Trường Tiểu học Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) và trường Phổ thông liên cấp Việt – Úc Hà Nội (khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) trước đó cũng có động thái tương tự.
Tiểu học Lômônôxốp và Phổ thông liên cấp Việt - Úc cũng có động thái bảo vệ học sinh.
Mới đây trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy) cũng gửi tin nhắn khuyến cáo phụ huynh mặc áo ấm cho con em khi ra đường, đồng thời đeo khẩu trang tránh khói bụi. Trong thời gian tới, trường không tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể ngoài trời. Học sinh chơi và vận động tại lớp.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo ngại cho sức khỏe con em và cùng kiến nghị nhà trường mua máy lọc không khí.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) là thước đo đơn giản hóa mức độ ô nhiễm không khí hiện tại hoặc dự báo mức độ ô nhiễm không khí trong tương lai. Rủi ro sức khỏe cộng đồng tăng lên khi AQI tăng.
Ô nhiễm phân tử (còn gọi là hạt lơ lửng): Thường đánh giá qua chỉ số bụi mịn PM 2.5 và PM 10. Các hạt bụi này đi vào đường hô hấp khi con người hít thở.
PM (Particulate Matter) là có nghĩa là chất dạng hạt (rắn hoặc lỏng).
PM 2.5 chỉ các hạt có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet (μm). Số PM 10 là chỉ những hạt có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 μm (nhưng lớn hơn kích thước PM 2.5).
Các loại hạt bụi PM2.5 và PM10 được hình thành từ các chất như cacbon, sun-phua, nito và các hợp chất kim loại khác. Ở các thành phố lớn, hạt bụi mịn PM 2.5 có thể sinh ra từ hoạt động công nghiệp như đốt nhiên liệu hóa thạch, hoặc bụi từ các công trình xây dựng, bụi đường phố, đốt rác thải, đám cháy, khói máy công nghiệp, phá rừng, hút thuốc, và đặc biệt là từ khí thải của các phương tiện giao thông.
Chất lượng không khí được chia thành các mức như sau:
- Từ 0-100, chất lượng không khí tốt và chấp nhận được.
- Từ 101-200 là kém, người dân cần hạn chế ra đường.
- Từ 201-300 là thang màu tím, thuộc nhóm rất ô nhiễm.
- Trên 300 là thang màu nâu, ở ngưỡng nguy hại, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà.
Theo các chuyên gia, không khí Hà Nội hiện tại có nồng độ bụi mịn PM 2.5 rất cao, có thể gây nhiều bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn…