Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của những lời vô tình buột miệng, đặc biệt là những lời nói của cha mẹ với con trẻ. Đôi khi, câu cửa miệng của bố mẹ lại vô tình trở thành bàn tay xát muối vào trái tim con và gây cho trẻ những thương tổn nhất định.
I
"Nếu phải lựa chọn giữa bị cha mẹ đánh đòn hay bị mắng, bạn sẽ chọn điều gì"
Trên Zhihu, một người dùng đã để lại lời nhắn nhận được nhiều sự đồng thuận: "Nếu phải lựa chọn giữa bị đánh và bị mắng, tôi nhất định sẽ chọn bị đánh. Vì sau khi bị đánh, vết sẹo hằn rõ thì ít ra cũng có người nhìn thấy. Còn lời chửi mắng sẽ khiến người ta phát điên lên, tự gặm nhấm, không ai nhìn thấy, không ai quan tâm. So với bị sỉ nhục, vết thương trên người dễ dàng chữa lành hơn nhiều".
Không thể hiểu tại sao có nhiều bậc cha mẹ, lời nói ra khỏi miệng lại cay nghiệt đến thế. Vừa mở miệng ra, họ luôn chỉ trích trước khi khẳng định, dùng lời mỉa mai thay cho lời khen ngợi, dùng lời chê bai thay cho lời động viên, miệng như có dao gây tổn thương người khác.
Một người khác kể: "Khi tôi được nhận vào đại học, cha tôi nói: Con học được gì ở trường đại học hạng ba này? Khi tôi vượt qua CET-4 và CET-6 (kỳ thi ngoại ngữ tiếng Anh của Trung Quốc dành cho sinh viên đại học và sau đại học), bố tôi nói: Đừng có tự cao".
Bậc cha mẹ ngày ngày mắng con, trách con không chăm chỉ, không năng động, không ngoan, không thông minh như con người ta, nếu con làm được điều đáng khen, liệu họ có khen con không? Hoàn toàn không thể nói một từ đơn giản và tốt đẹp! Họ thậm chí sẽ tiếp tục mỉa mai với danh nghĩa thúc đẩy con cái: "chỉ có thế thôi, có vấn đề gì đâu".
II
Bạn có biết, nếu điều gì đó bạn nói quá nhiều, nó sẽ trở thành sự thật?
Một đứa trẻ bị dán nhãn, dù ngoài mặt có thể phản đối, nhưng trong lòng chúng đã dần chấp nhận thực tế rằng bản thân rất tồi tệ, và những gì cha mẹ nói là sự thật. Trong tương lai, trẻ sẽ chỉ là một người tìm cách làm hài lòng người khác, không tự tin, cảm thấy mình không tốt hoặc thậm chí không bao giờ xứng đáng với những điều tốt đẹp!
Một người nói: "Mẹ mình rất khó tính. Mấy câu "mày là con người nhưng đầu óc mày không bằng con chó, tao biết trước mày như vậy thì tao đã giết chết mày khi còn nhỏ" thành bình thường như cơm bữa, và lúc nào mình cũng hứng những trận đòn roi tím tái tay chân.
Từ nhỏ mình luôn im lặng, mình không bao giờ tâm sự hay than phiền hoặc kể với mẹ bất cứ chuyện gì. Sau này mẹ luôn hỏi tại sao con gái lớn trong nhà lại không thể thân thiết với mẹ, mình nghĩ là vì những chuyện lúc nhỏ khiến mình ám ảnh".
Nhiều người hỏi: "Tại sao con cái và cha mẹ bây giờ không có gì để nói?". Đằng sau chuyện không còn gì để nói là rất nhiều vết sẹo như thế đấy.
Có thể bạn đã từng nghe qua câu chuyện về hai chậu cây được đem ra làm thí nghiệm. Một chậu luôn bị dọa nạt, mắng chửi, chê bai, một chậu luôn nhận được lời khen ngợi, thể hiện tình yêu thương. Sau 30 ngày, chậu cây bị dọa nạt trở nên héo úa, còn chậu cây được yêu thương phát triển xanh tươi dù với điều kiện chăm sóc hoàn toàn giống nhau.
Trong cuộc sống cũng vậy. Bố mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng những lời nói tưởng chừng chỉ là thói quen hoặc vô tình đôi khi có thể là cơn ác mộng thật sự, là gông cùm trói buộc cuộc đời những đứa trẻ…
III
Cha mẹ không chú ý lời ăn tiếng nói thì không thể nuôi dạy con cái hạnh phúc
Một cư dân mạng cho biết: "Bố mẹ đánh đập tôi từ khi còn nhỏ. Lớn lên, tính cách tôi trở nên rất hướng nội, không dám bày tỏ suy nghĩ của mình. Vòng tròn bạn bè ít và tôi luôn làm hài lòng người khác khi giao tiếp. Nếu làm không tốt, sẽ tự thấy bản thân mình có lỗi trong một thời gian dài, cho dù đó là lỗi của người khác".
Câu trả lời này nhận được rất nhiều lượt thích, không biết bao nhiêu cư dân mạng đã ấn like kèm theo nụ cười gượng gạo vì thấy mình trong đó.
Những bậc cha mẹ tin vào việc "đánh con để con ngoan hơn" chưa bao giờ hiểu được tác động của những trận đòn của họ đối với con cái họ trong suốt cuộc đời. Có rất nhiều đứa trẻ, sau khi chịu đòn roi thời thơ ấu, để tự bảo vệ mình, chúng dần dần có một bức tường ngăn cách với cha mẹ. Theo năm tháng, khi lớn lên, chúng sẽ hoàn toàn cắt đứt liên lạc.
Một số phụ huynh, họ không hiểu được giá trị của mỗi kỹ năng. Không biết vẽ thực ra là một cách thể hiện bản thân; Không biết cách chơi game đúng cách thực sự là một bài tập tốt cho não bộ; Không biết rằng yêu thương thú cưng có thể cải thiện khả năng quan sát của trẻ, bồi đắp lòng nhân ái...
Yêu trẻ con chỉ là cái cớ để kiểm soát chúng—"Con phải làm theo lời bố mẹ bảo!". Hành vi chưa tốt của trẻ càng khẳng định lời buộc tội của cha mẹ là "có tầm nhìn xa" và rất mực đúng đắn. Cuối cùng, đứa trẻ không có năng lực cũng không phải là một đứa trẻ không có năng lực mà bị chính sự phán xét của cha mẹ giết chết năng lực đó.
Nhiều bậc cha mẹ yêu thương con cái của họ sâu sắc. Họ chỉ nghĩ rằng những trận đòn, những lời phê bình, những lời cảnh cáo, những lời trách mắng... đều là những lời động viên, nhắc nhở, khuyên nhủ... Nhưng trẻ em không thể phân biệt được sự yêu thương "tréo ngoe" đó của người lớn. Thậm chí, nhiều đứa trẻ nghĩ đó là cách để thể hiện tình yêu.
Về lâu dài, điều khủng khiếp trong sự thất bại trong giáo dục của cha mẹ không phải là những lời công kích nhất thời, mà là quan điểm lệch lạc về đúng sai và thế giới mà họ đã tạo ra cho con cái.
Chuyên gia giáo dục nổi tiếng Li Zixun (Trung Quốc) cho biết: Để giáo dục con cái, điều quan trọng nhất là nói những lời đi vào lòng trẻ, để trẻ bị thuyết phục. Dù là thứ vô hình, không thể cầm nắm hay nhìn thấy, nhưng ngôn ngữ lại tiềm ẩn một sức mạnh khủng khiếp gây hậu quả hệ trọng mãi mãi về sau...
Nguồn: Sohu