Xu hướng trẻ nghiện game ngày càng gia tăng. Nhiều cha mẹ nghĩ rằng chơi game giúp con thông minh mà không biết nghiện game gây ra hậu quả hoàn toàn ngược lại.

Chơi game giúp con thông minh không?

Chị Nguyễn Thị Hoài Anh – Hoàng Mai, Hà Nội kể rằng con trai chị là bé Chu Tuấn Anh (11 tuổi) có thể chơi nhiều loại game. Bản thân chị Hoài Anh nhận thấy con thông minh vì trò nào cháu cũng vượt qua, phá thành. Đôi khi, cháu còn "giải cứu" cho mẹ các bàn game đang chơi.

Chị Hoài Anh vẫn tin con vì kết quả học tập ổn định. Chỉ đến khi mất tiền trong túi xách, chị kiểm tra camera phát hiện chính con trai đã lấy tiền. Chị hỏi nhưng cậu bé không nhận.

Sau đó, khi không được chơi game thì cậu bé bắt đầu phá bĩnh như âm thầm cắt dây điện nồi cơm, bẻ gãy sen vòi trong nhà vệ sinh... Cậu bé tìm cách chống đối mẹ.

Thậm chí, bố của Tuấn Anh tức giận nên doạ đuổi con ra khỏi nhà. Câu doạ của bố vừa dứt, cậu bé liền sẵn sàng bỏ ra khỏi nhà.

Thấy con có những biểu hiện khác thường, vợ chồng chị Hoài Anh mới tá hoả tìm cách cứu con khỏi nghiện game.

Cha mẹ nào cũng "sốc" nếu biết số phận trẻ nghiện game do chính mình tạo ra - Ảnh 1.

Trẻ nghiện game gây nhiều hậu quả (Ảnh minh họa)

TS Vũ Thu Hương – chuyên gia giáo dục độc lập tại Hà Nội không phủ nhận chơi game sẽ có một số lợi ích như tăng khả năng tư duy. Tuy nhiên, có rất nhiều hệ lụy của việc nghiện game và sử dụng mạng xã hội khi các con chưa đủ khả năng nhận thức tốt xấu.

3 tác hại của nghiện game

Theo TS Vũ Thu Hương, khi nghiện game, điều đầu tiên mà các con sẽ gặp phải là thiếu tiền. Tiền để mua các vũ khí của trò chơi, tiền để đến quán nét chơi nếu bố mẹ ngắt mạng, cấm máy... Khi thiếu tiền, các con sẽ làm những trò liều lĩnh, nguy hiểm mà đơn giản nhất là ăn cắp tiền.

Điều thứ hai là sự ảnh hưởng bạo lực hoặc dục tính, bởi có nhiều game về bạo lực và nhiều game về sex. Các con chơi nhiều sẽ bị ám ảnh và sẽ có các hành vi thiếu kiểm soát. Đây có thể là nguyên nhân đau lòng trong vụ việc cậu bé lớp 11 ở Nghệ An ra tay với em trai hàng xóm 5 tuổi.

Khi những vấn đề bạo lực chỉ mới tiềm ẩn trong tâm trí của những đứa trẻ, cha mẹ sẽ không biết mà kiểm soát. Đến khi các vụ việc đau lòng xảy ra thì mọi chuyện đã quá muộn.

Điều thứ ba, đó là các thử thách nguy hiểm trên mạng. Ngày 12/8/2017, Ankan Dey, cậu bé 14 tuổi người Ấn Độ tự sát bằng cách dùng túi nylon bọc quanh đầu và buộc chặt bằng dây quấn quanh cổ trong nhà tắm.

Bạn bè của Ankan khai báo với cảnh sát rằng cậu đã tham gia thử thách Cá voi xanh - trò chơi trên mạng xã hội. Đây là trò chơi yêu cầu người tham gia thực hiện các hành động mạo hiểm, tự làm tổn thương bản thân trong 50 ngày trước khi tự sát để giành chiến thắng cuối cùng.

Có nhiều bạn tuổi teen tự tử vì trò chơi này. Những trò chơi có vẻ như hết sức đơn giản khi bắt đầu lại có thể là bi kịch khi chơi đến bước cuối cùng. Đôi khi, cha mẹ biết thì mọi chuyện đã muộn.

TS Vũ Thu Hương cho rằng giới trẻ hiện nay đam mê game có phần bởi cuộc sống quá nhàm chán. Một số trẻ chỉ có đi học rồi về nhà lên mạng hoặc học bài. Ngày nay, một bộ phận không nhỏ các phụ huynh coi việc làm việc nhà là công việc của người lớn. Họ không giao việc cho con khiến con càng cảm thấy cuộc sống nhàm chán nên đi tìm niềm vui trên mạng. Trẻ cũng ít tham gia các hoạt động đoàn đội, khu phố.

Nhiều cha mẹ coi việc cho con sử dụng điện thoại, máy tính bảng như 1 hình thức thể hiện tình yêu và sự quan tâm của mình đến con. Trong khi đó, việc con sử dụng các thiết bị điện tử quá sớm dẫn đến nhiều hệ lụy.

Cha mẹ quan niệm con cần lên mạng để mở mang kiến thức. Sách giấy là kho tàng vô tận mà nội dung dù ít hay nhiều cũng được kiểm chứng, trong khi các thông tin trên mạng thượng vàng hạ cám, thường không được kiểm chứng đã nhiều lần dẫn đến các nhận định sai lầm. Có bậc phụ huynh coi chơi game như 1 hình thức thưởng cho các thành tích học tập.... Đây là các sai lầm của phụ huynh.

Cách nuôi con của cha mẹ ảnh hưởng tới số phận của con cái nên các bậc phụ huynh phải thay đổi ngay những suy nghĩ sai lầm về game với trẻ nhỏ.