Cha mẹ nên làm gì khi phát hiện con bắt nạt bạn? - Ảnh 1.

Không dễ chấp nhận sự thật khi phát hiện con mình là kẻ bắt nạt. (Ảnh: ITN).

Gina, mẹ của một cậu bé 12 tuổi tại New York, nhận được cuộc điện thoại đáng lo ngại từ trường học. Một học sinh đã phàn nàn rằng con trai cô đang bắt nạt mình.

Sau khi xem xét vấn đề, nhân viên nhà trường kết luận con trai của Gina đã hành hạ một số bạn cùng lớp bằng cách chửi rủa, bạo lực thể xác và thậm chí cả quấy rối tình dục. Gina nhớ lại: “Chúng tôi rất xấu hổ. Nhưng không chỉ vậy, chúng tôi còn rất đau lòng.”

Không cha mẹ nào muốn nghe rằng con mình là kẻ bắt nạt. Thật đau đớn khi nghĩ đến việc con mình gây tổn hại cho những đứa trẻ khác. Nhưng bắt nạt cũng là một vấn đề tâm lý nghiêm trọng đối với kẻ chủ động.

Kỹ năng kết bạn của trẻ là một chỉ số quan trọng về sức khỏe tinh thần tổng thể của chúng. Nếu con bạn được cho là đang tham gia vào các hành vi bắt nạt - dù bằng hành động hay lời nói - đó có thể là dấu hiệu của tình trạng đau khổ nghiêm trọng.

Chúng có thể đang lo lắng hoặc trầm cảm và gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc, hành vi của mình.

Nguyên nhân gây ra hành vi bắt nạt

Điều quan trọng cần ghi nhớ là trẻ em không bắt nạt chỉ vì chúng là “những đứa trẻ hư”. Jamie Howard, giám đốc Chương trình Căng thẳng và Khả năng phục hồi tại Viện Tâm trí Trẻ em (Hoa Kỳ), cho biết: “Trẻ em tham gia vào tất cả các loại hành vi không phản ánh con người của chúng.

Chúng vẫn đang ở độ tuổi tìm hiểu mọi thứ. Chúng có thể là những đứa trẻ ngoan nhưng đã mắc một số lỗi lầm".

Có nhiều lý do tại sao một đứa trẻ ngoan lại có thể không tử tế với những đứa trẻ khác. Chẳng hạn, trẻ bị bắt nạt ở nhà hoặc ở trường và đang cố gắng lấy lại cảm giác quyền lực bằng cách hành động hung hăng với người khác.

Cũng có thể chúng đang tìm kiếm sự chú ý từ giáo viên, phụ huynh hoặc bạn cùng lớp. Đôi khi, chúng có xu hướng coi hành vi của những đứa trẻ khác là thù địch, ngay cả khi thực tế không phải vậy.

Bằng cách nói chuyện với con bạn về vấn đề này, hiểu những gì đang diễn ra từ quan điểm của chúng và hướng dẫn chúng thực hiện cư xử phù hợp, bạn có thể hạn chế hành vi bắt nạt và giải quyết tận gốc các vấn đề.

Dưới đây là một số lời khuyên để đảm bảo rằng con bạn nuôi dưỡng mối quan hệ tôn trọng với bạn bè đồng trang lứa.

Giao tiếp

Gina chia sẻ: “Chúng tôi đã hỏi con rất nhiều về lý do tại sao con lại làm những điều đó. Con trai của chúng tôi có lòng tự trọng cực kỳ thấp. Thế nên hành vi bắt nạt đã cho thằng bé cảm giác về quyền lực và quyền kiểm soát một cái gì đó.

Thằng bé nói với chúng tôi rằng thật tuyệt khi được biết đến là “đứa trẻ tệ nhất trường”, còn hơn là không được chú ý chút nào".

Những đứa trẻ khác có thể không nói rõ được tại sao chúng lại hành động như vậy. Điều này đặc biệt đúng với trẻ nhỏ và những trẻ đang phải vật lộn với chứng lo âu, chấn thương hoặc một vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu lý do tại sao con bắt nạt bạn, hãy cân nhắc tham khảo ý kiến của nhà tâm lý học trẻ em hoặc bác sĩ tâm thần, người có nhiều kinh nghiệm đánh giá hành vi của trẻ.

Đối phó với hành vi bắt nạt

Cha mẹ nên làm gì khi phát hiện con bắt nạt bạn? - Ảnh 2.

Khi bạn đã điều tra được gốc rễ của vấn đề, bạn có thể điều chỉnh phản ứng của mình cho phù hợp với những thách thức cụ thể mà con gặp phải trong các tương tác xã hội.

Thảo luận về các tình huống có thể khiến con khó xử lý và hướng dẫn con thực hiện các phản ứng thích hợp.

Ví dụ, nếu con bạn cố tình loại một bạn cùng lớp khỏi các hoạt động xã hội, hãy nói với con: “Khi ai đó rủ con chơi cùng, con nên đồng ý. Bố/mẹ muốn thấy con cư xử tôn trọng và lịch sự với tất cả các bạn”.

Tiến sĩ Howard nói: “Hãy đưa ra nhiều giải pháp khác nhau cho các vấn đề khác nhau có thể xảy ra và đưa ra những ví dụ rõ ràng về cách bạn mong đợi con mình phản ứng. Trẻ em phản ứng tốt hơn khi được bảo phải làm gì thay vì không nên làm gì".

Khuyến khích con bạn nhìn nhận quan điểm của người đang bị bắt nạt có thể là một cách hữu ích khác để đối phó.

Thiết lập lại trật tự

Khi con bạn đã bình tĩnh lại, hãy giải thích rằng con đã mắc sai lầm cần phải sửa chữa. Con bạn có thể chọn cách xin lỗi trực tiếp, bằng thư, qua tin nhắn... nhưng việc sửa chữa còn có nhiều hình thức khác

Ví dụ, bạn có thể khuyến khích con tự làm bánh để đem tặng cho cả lớp hoặc chơi một trò chơi với một người bạn mà trước đó con đã từng bắt nạt. Đó là một sự điều chỉnh cần thiết, và đó là cách cha mẹ thiết lập lại quyền kiểm soát.

Theo childmind.org