Chúng ta đều biết trẻ sơ sinh rất là mỏng manh và yếu ớt. Các bé hoàn toàn không thể tự bảo vệ mình hay cứu mình thoát ra khỏi những tình huống nguy hiểm. Trong khi đó, hầu hết các tai nạn thương tâm xảy ra ở trẻ sơ sinh đều liên quan đến những vật dụng tưởng chừng là vô hại đối với trẻ, chẳng hạn như: gối, chăn, tấm đệm cũi, thú nhồi bông,…
Chính vì vậy, các chuyên gia đã liệt kê ra 5 món đồ dùng cho bé có thể gây nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh mà các cha mẹ cần hạn chế mua tối đa.
1. Gối, chăn
Chúng ta thường cảm thấy không mấy dễ chịu khi phải nằm ngủ trên một mặt phẳng mà không có gối. Dựa vào điều này, các cha mẹ cho rằng con mình cũng sẽ khó chịu nếu như ngủ không có gối. Tuy nhiên, theo hướng dẫn về giấc ngủ an toàn của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, em bé nên được ngủ trên một bề mặt phẳng, xung quanh không có chăn hoặc gối cho đến khi được 1 tuổi, mà tốt nhất là khi trẻ được 18 tháng trở lên.
Trong một năm đầu tiên của cuộc đời, thứ duy nhất có trong nôi hoặc cũi của trẻ chính là một tấm trải giường vừa vặn, đơn giản.
Nếu gối có thể làm trẻ sơ sinh ngạt thở do vô tình vùi mặt xuống gối mềm trong khi ngủ thì chăn lại làm cho các bé quá nóng, có thể dẫn đến tình trạng đột tử trong khi ngủ ở trẻ sơ sinh. Nếu cha mẹ lo lắng con mình bị lạnh thì hãy cho con mặc quần áo ngủ với quần dài và áo dài tay có độ dày phù hợp với điều kiện thời tiết.
2. Tấm chắn cũi
Tấm chắn cũi là những miếng bông lót xung quanh mép cũi, thường đi kèm theo cũi khi cha mẹ mua. Các nhà sản xuất giải thích công dụng của tấm chắn cũi là để giữ cho em bé lỡ có va chạm vào thành cũi thì cũng sẽ không bị đau. Song, theo các chuyên gia, tấm chắn cũi lại có thể khiến con bạn bị ngạt thở hay bị đột tử trong lúc ngủ ở trẻ sơ sinh. Vì tấm chắn cũi làm giảm lưu lượng không khí ra vào trong cũi, gây ra hiện tượng quá nóng.
Thậm chí, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) đã từng khuyến cáo rằng nguy cơ tử vong do tấm chắn cũi cao hơn nhiều so với bất kỳ bất kỳ lợi ích mà nó được đưa ra. Do đó, các cha mẹ không nên sử dụng tấm chắn cũi.
3. Đồ chơi nhồi bông có lông dài
Ngoài việc lưu ý không sử dụng gối, chăn, tấm chắn cũi trong nôi cũi của con, các cha mẹ cũng không nên để các con thú nhồi bông ở trong cũi, đặc biệt là thú nhồi bông có lông dài.
Vì thứ nhất, thú nhồi bông cũng giống như gối chăn, có khả năng gây ngạt thở nếu chẳng may trẻ úp mặt vào chúng. Thứ hai, mắt và mũi của thú nhồi bông thường được gắn vào thân bằng chỉ. Các nút này rất dễ bị xé ra, và có khả năng con bạn sẽ cho mắt/mũi của đồ chơi vào miệng. Chưa kể, bộ lông của món đồ chơi bằng bông này thường được nhuộm nên nó cũng có thể gây độc hại nếu trẻ ngậm chúng.
Đặc biệt, những con thú nhồi bông có lông dài như sư tử… sẽ dễ bị rụng lông. Những sợi lông này sẽ bám vào mắt, mũi, miệng của bé, từ đó gây khó chịu cho con. Để đảm bảo an toàn hơn, tốt nhất bạn nên chọn đồ chơi chuyên dụng có kích thước nhỏ, được thiết kế dành riêng cho trẻ sơ sinh.
4. Máy tạo độ ẩm không khí
Máy tạo độ ẩm tuy là một vật dụng hữu ích cho phòng của trẻ em vì không khí ẩm có tác động tích cực đến hô hấp và làn da của trẻ. Nhưng nếu bạn sử dụng không đúng cách, thiết bị này có thể gây ra tình trạng ẩm ướt và nấm mốc.
Để ngăn điều này, các bác sĩ nhi khoa khuyên bạn nên kết hợp máy tạo độ ẩm với một thiết bị đo độ ẩm, được gọi là ẩm kế, nhằm theo dõi độ ẩm trong phòng của con. Độ ẩm tối ưu nhất tốt cho sức khỏe của trẻ em là từ 30 - 50%.
5. Nến thơm và chất làm mát không khí
Tất cả những sản phẩm có hương thơm như nến thơm, chất làm mát không khí đều có chứa hóa chất. Nếu tệ hơn, hóa chất này có thể gây kích ứng đường hô hấp mà đôi khi người lớn cũng bị ảnh hưởng, huống gì là trẻ em.
Do đó, bạn nên tránh sử dụng những sản phẩm có mùi thơm trong nhà, nhất là trong phòng ngủ của trẻ sơ sinh. Lý do là vì phổi của con vẫn đang phát triển và việc tiếp xúc với các hóa chất sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào.
Nếu cảm thấy phòng ngột ngạt, tù túng, bạn nên bế con ra khỏi phòng, mở toang cửa sổ và cửa phòng để không khí được lưu thông cho thoáng đãng.