Cũng như việc dạy con tập nói hay tập đếm, việc phát triển EQ cho trẻ vô cùng quan trọng. Daniel Goleman, tiến sĩ tâm lý học tại ĐH Harvard cho biết: “20% tương lai của một đứa trẻ phụ thuộc vào chỉ số IQ, còn 80% phụ thuộc vào EQ". Chỉ số cảm xúc (Emotional Quotient) gọi tắt là EQ, dùng để chỉ phẩm chất của một người về mặt cảm xúc, ý chí và sự tự chủ.

Nếu như IQ được bổ sung ở sách vở và trường lớp thì EQ của trẻ được rèn luyện thông qua cuộc sống. Cha mẹ chính là những người bạn đồng hành cùng con mình trên chặng đường phát triển. Trước 6 tuổi là giai đoạn trẻ phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Nếu cha mẹ thường nói với con 3 câu này, trí tuệ cảm xúc của trẻ ngày càng gia tăng.

Hãy nói cho bố/mẹ biết tại sao con khóc?

Khóc chính là cách để mỗi người giải tỏa cảm xúc đơn giản nhất. Khi nước mắt rơi cũng có nghĩa là trẻ đang cảm thấy buồn rầu, ấm ức và có điều khó nói. Vì thế, khi trẻ đang khóc, cha mẹ không nên nói: “Nếu còn khóc nữa, con sẽ bị đánh đòn”, “Ôi dào, có tí chuyện cũng khóc”... Bởi những câu nói này không những không giúp con vực dậy tinh thần mà còn đem đến tác dụng ngược.

Cha mẹ thường xuyên nói với con 3 câu này thì xin chúc mừng: Con bạn sẽ là người có EQ cao- Ảnh 1.

Những câu nói tương tự như “Nếu còn khóc nữa, con sẽ bị đánh đòn” sẽ có tác dụng ngược với trẻ

Những đứa trẻ không khóc khi gặp chuyện thuộc tuýp người bên ngoài mạnh mẽ nhưng chất chứa nỗi ấm ức bên trong và hoàn toàn có thể bộc phát ra bất cứ khi nào. Và rõ ràng, khó có thể nói rằng một người không thể kiểm soát cảm xúc của mình một cách hợp lý lại có EQ cao.

Chính vì vậy khi con khóc, thay vì bắt trẻ nín, bố mẹ nên để con là chính mình và hãy nhẹ nhàng nói với trẻ: “Nói cho mẹ biết tại sao con khóc?”. Một câu nói nhẹ nhàng không chỉ khiến trẻ ngừng khóc mà còn lay động suy nghĩ, giúp cải thiện biểu cảm trẻ. Điều quan trọng là phương pháp này dạy trẻ cách đối mặt và xử lý các vấn đề một cách ôn hoà, bình tĩnh. Đồng thời đây cũng là phương pháp mở ra cánh cửa giao tiếp giữa con cái và cha mẹ sau này.

Sau khi được giúp đỡ, con hãy nói cảm ơn

Nhiều bậc cha mẹ dạy con nói "cảm ơn" nhưng chỉ để thể hiện phép lịch sự. Trên thực tế, dạy trẻ nói "cảm ơn" là giáo dục về sự tôn trọng và lòng biết ơn.

Cha mẹ dạy con nói lời "cảm ơn" với công nhân vệ sinh đang dọn dẹp thùng rác, với người nhường ghế trên xe buýt, nói "cảm ơn" khi bạn cho con mượn đồ chơi, nói "cảm ơn" khi cha mẹ nấu cho một bữa ăn ngon. Câu nói này không chỉ làm ấm lòng người đã giúp đỡ trẻ mà còn giúp trẻ hiểu được: Mọi người đều đáng được tôn trọng, Một người phải biết cảm ơn sau khi nhận được sự giúp đỡ.

Một đứa trẻ thường xuyên nói "cảm ơn" không chỉ lễ phép mà còn là người biết biết ơn và tôn trọng người khác, đây chắc chắn là một trong những biểu hiện của EQ cao.

Cha mẹ thường xuyên nói với con 3 câu này thì xin chúc mừng: Con bạn sẽ là người có EQ cao- Ảnh 2.

Người EQ cao sẽ quan tâm đến cảm xúc của người khác

Bố mẹ vui/tức giận/buồn về những gì con đã làm

Người có EQ cao luôn biết quan tâm đến cảm xúc của người khác. Trong lúc tương tác với con cái, nếu cha mẹ có thể bộc lộ cảm xúc bên trong của mình một cách hợp lý. Bạn cũng sẽ khiến trẻ chú ý nhiều hơn đến cảm xúc của người khác, thay vì tập trung vào sự thoải mái của bản thân trong mọi việc chúng làm.

Ví dụ, nếu trẻ ồn ào vào ban đêm và không chịu ngủ, cha mẹ có thể nói với trẻ: "Ngày mai bố mẹ phải đi làm, con làm ồn quá khiến bố mẹ không thể nghỉ ngơi, bố mẹ rất tức giận". Trẻ làm hỏng đồ trang điểm của mẹ, mẹ có thể nói với trẻ: "Con đã đụng vào đồ của mẹ mà không được sự đồng ý của mẹ và làm vỡ đồ trang điểm yêu thích của mẹ, điều đó làm mẹ rất buồn"...

Cha mẹ bộc lộ nội tâm với con chính là rèn luyện khả năng đồng cảm của con, để con học cách nhìn nhận vấn đề từ góc độ của người khác. Đứa trẻ được nuôi dưỡng như vậy nhất định sẽ trở thành người có EQ cao, biết quan tâm đến cảm xúc của người khác.