Cha mẹ nào cũng luôn muốn con mình được tiếp xúc, học hỏi những điều tân tiến nhất, từ ăn uống, học tập cho đến vui chơi. Nhưng đôi khi có một điều quan trọng mà nhiều bậc làm cha làm mẹ thường quên rằng, gia đình mới chính là giảng đường đầu đời của con trước khi con chính thức bước chân vào lớp học.
Trong tâm trí của con cái, những hành vi, cử chỉ của bố mẹ luôn khiến chúng khắc cốt ghi tâm. Đặc biệt môi trường của gia đình như thế nào sẽ ảnh hưởng tới tích cách của trẻ khi trưởng thành, cho nên muốn rèn được con mình từ nhỏ thì trước hết bố mẹ phải là một tấm gương tốt.
Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam mới đây đã chia sẻ lên trang cá nhân ba mẩu truyện ngắn, từ đó đúc kết kinh nghiệm dạy con. Theo quan niệm của chị, muốn dạy con ngoan thì đầu tiên người lớn phải có một suy nghĩ, lối sống đẹp trước. Cụ thể nội dung mà chị chia sẻ như sau:
"1. Hôm trước đi máy bay mình ngồi cạnh bà mẹ và đứa con nhỏ chừng 7,8 tuổi. Khi máy bay đang phát thông tin về an toàn bay thì bà mẹ xúi con: Cúi xuống cái chỗ người ta đang hướng dẫn ấy lấy cái phao về cho em tập bơi.
Rồi hai mẹ con lần lần cúi xuống chỗ để phao.
Mình không đứng được đành lên tiếng: Em đừng cho con lấy, phạm luật đấy mà rồi nhỡ khi cần kíp, người ta không có áo phao dùng thì sao?
Bà mẹ liếc xéo sang mình nhưng vẫn không quên thì thầm với con: Để hết người trên máy bay rồi mình lấy.
2. Chị bạn mình là hiệu trưởng một trường có tiếng ở Hà Nội. Chị kể trường có luật là bạn nào đến trường mà không đội mũ bảo hiểm sẽ bị các bạn trực hôm đó ghi tên và có hình thức kỉ luật. Và vì thế nên có rất nhiều bố mẹ khi đến cổng trường, thoáng nhìn thấy bạn trực thì đưa cái mũ mình đội lên đầu chụp lên cho con. Đi hết tầm mắt thì lấy lại.
3. Mình quen một chú lái xe taxi. Hôm nọ gặp chú hào hứng kể: Em vừa thoát phạt của công an. Em chở con em đi chơi vượt đèn đỏ bị tuýt còi. Em cấu cho con khóc thật to. Sau đó xuống xe em nói em chở con em đi viện, nó đang khóc quá nên phóng vội vàng. Thế con em có biết không? Mình hỏi. Em ấy trả lời: Lúc em cấu thì nó không biết nhưng sau em lên xe kể lại nó mới biết...
Những câu chuyện như trên mình gặp rất nhiều. Càng chỗ công cộng càng hay gặp.
Trong các phương pháp giáo dục, mình thường hay nói quan trọng nhất là "ngôn giáo" và "thân giáo" có nghĩa là lời cha mẹ nói với con và việc cha mẹ làm gương cho con.
Liệu cha mẹ "làm gương" gì với những hành động như vậy?
Mấy hôm nay xem clip về việc chửi bới ở sân bay và chồng đánh vợ, ngoài sự phẫn nộ về cách hành xử của "người lớn", chắc ai cũng thấy ớn lạnh khi nhìn những đứa bé bị/phải chứng kiến bố mẹ mình như vậy. Em bé trong cái clip bố đánh mẹ còn dửng dưng như thể việc đó em đã chứng kiến nhiều lần. Thật sự rất đau lòng.
Nhưng người lớn "bình thường" chúng ta cũng thường hay để con bị/phải chứng kiến những việc nho nhỏ mà chúng ta nghĩ chẳng đáng kể gì.
Mình chẳng hạn.
Hôm đi máy bay với Nam, đến giờ vào check in thì Nam đi vệ sinh. Mình và bố Nam vào xếp hàng. Đến khi Nam quay lại thì cái hàng phía sau đã dài ngoằng. Mình ngoắc tay Nam vẫy vào chỗ mình đang đứng. Vì đơn giản nghĩ là cùng một nhà thì đứng với nhau. Nhưng Nam đưa tay ra hiệu là em phải vào xếp hàng phía sau cùng chứ. Lúc đó mình ngại lắm.
Mỗi lần Nam đi xa, khi xếp hành lý bao giờ cũng cân đúng 23kg. Có lần bố Nam bảo, thôi cho thêm mấy thứ nữa, quá một chút chắc cũng không sao đâu. Nhưng Nam cương quyết bảo bố, khi người ta quy định 23kg là người ta đã tính trọng lượng tối đa một người bốc vác có thể nâng được mà không bị ảnh hưởng đến xương khớp. Nên mình làm đúng để bảo vệ người lao động bố ạ. Lại ngại.
Người lớn thỉnh thoảng cứ "láu cá", cứ "khôn vặt" vì chúng ta cho rằng mình có nhiều trải nghiệm hơn, rằng mình biết cách luồn lách hơn mà không hiểu đó lại là bài học chẳng hay ho gì cho con cái. Nhân quả không đợi đến đời sau mà có ngay ở đời này thậm chí là ngay những khoảnh khắc mình đang sống.
Nên từ những chuyện vu vơ lại thêm có những lúc tự nhắc mình".