Gia đình nghèo với niềm hy vọng đổi đời
Câu chuyện về người cha nghèo gắng sức cho con trai học đại học nhưng không thu về kết quả mong muốn đang gây chú ý trở lại trên mạng xã hội đất nước tỷ dân. Cụ thể, nhiều năm trước chàng trai Hàn Thắng Lợi ở vùng nông thôn Thiểm Tây, Trung Quốc nhận được giấy mời nhập học vào chuyên ngành Kỹ thuật Truyền thông của Học viện Dầu khí Tây An.
Khoảnh khắc nhìn thấy giấy nhập học, người cha Hàn Bội Âm vô cùng vui mừng và đã đem khoe khắp xóm làng. Nhưng vui vẻ chẳng được bao lâu, chi phí nhập học của con trai khiến Hàn Bội Âm trở lại thực tế. Học phí hàng năm là hơn 7.000 NDT (khoảng 24 triệu đồng). Đây là một con số quá lớn với một gia đình làm nông nghèo như nhà họ Hàn.
Chàng trai Hàn Thắng Lợi và người cha Hàn Bội Âm
Nhưng người cha Hàn Bội Âm không hề bỏ cuộc. "Cho dù phải bán nồi đi chăng nữa, tôi cũng sẽ để con tôi học hết đại học", ông Hàn cương quyết. Ông bán đi những con bò già, số thóc tích trữ và mọi vật dụng có giá trị khác, vay mượn khắp nơi để đủ tiền cho con đi học đại học. Bằng cách này, Hàn Thắng Lợi đã vào được đại học với sự mong chờ đổi đời của cha.
Để có tiền cho con tiếp tục học và trả nợ, Hàn Bội Âm đã quyết định cùng con trai đến Tây An, khó khăn lắm mới tìm được công việc làm gạch nung lương tháng 600 NDT (khoảng 2 triệu đồng). Ông Hàn phải tính toán chi li từng đồng, con trai Hàn Thắng Lợi thì không dám ăn quá 6 NDT/ngày (20.000 đồng).
Hiện thực "phũ phàng"
Dù tiết kiệm như vậy nhưng đôi khi chi phí sinh hoạt vẫn không đủ với 2 cha con. Bạn bè Hàn Thắng Lợi giới thiệu cho anh công việc làm thêm, vừa có thêm thu nhập lại tích luỹ kinh nghiệm thực tế. Thế nhưng ông Hàn Bội Âm thẳng thừng bác bỏ và cho rằng việc làm thêm sẽ ảnh hưởng đến việc học.
"Đừng lên mạng và tập trung vào việc học đi", người cha Hàn nhắc lại nhiều lần, "Chỉ cần con trai học hành chăm chỉ, học tốt kiến thức sách vở và vượt qua mọi kỳ thi ở trường thì nhất định nó sẽ thành công".
Nghe lời cha, Hàn Thắng Lợi chỉ biết ngày ngày đọc sách thu mình trong KTX, muốn báo đáp cha bằng điểm số tốt nhất nhưng bản thân anh luôn cảm thấy bất an trong lòng. Anh chưa từng tham gia các hoạt động ngoại khóa hay mở rộng mối quan hệ xung quanh.
Vật vã vay mượn, tằn tiện 4 năm, cuối cùng Hàn Thắng Lợi đã thành công tốt nghiệp. Người cha vẫn luôn nghĩ chỉ cần con trai tốt nghiệp, tìm được việc làm là có thể trả hết số nợ và sau đó cả gia đình có thể đến Bắc Kinh chơi. Nhưng thực tế, việc xin việc của Hàn Thắng Lợi không hề dễ dàng.
Việc chỉ có bằng đại học mà không có kinh nghiệm làm việc thực tế, thiếu kỹ năng mềm nên Hàn Thắng Lợi chẳng được công ty nào nhận. Anh đến hội chợ tìm việc và hy vọng ai đó sẽ tiến lên mở lời mời tuyển dụng, nhưng chẳng ai quan tâm anh cả. Chàng trai ra về khi chưa hề nói bất cứ một lời nào.
Những ngày tiếp theo, Hàn Thắng Lợi đi nhiều hội chợ việc làm khác nhưng kết quả cũng tương tự. Anh liên tục gặp trở ngại vì khả năng giao tiếp kém nên không có đơn vị tuyển dụng nhìn trúng anh. Sau nhiều thất bại, Thắng Lợi ngày càng thất vọng và sa sút. Cuối cùng, anh quyết định không tìm việc làm liên quan đến chuyên ngành nữa. "Bây giờ chỉ cần kiếm ra tiền thì việc gì tôi cũng làm, nhân viên bán hàng, phục vụ, bảo vệ…", Hàn Thắng Lợi nói.
Khi được hỏi liệu có sợ bố không thể chấp nhận điều này không, Hàn Thắng Lợi chỉ cúi đầu thỏa hiệp: "Không thể tiếp nhận thì phải chấp nhận. Đây là hiện thực", anh lên tiếng.
Sau khi hạ thấp tiêu chuẩn, anh đã tìm được công việc nối dây cáp lương cũng chỉ có 600 NDT (khoảng 2 triệu đồng). Khi Thắng Lợi báo tin cho cha, sắc mặt ông Hàn rất tệ. Ông không hiểu tại sao con trai mình đọc nhiều sách như vậy nhưng vẫn không thay đổi được vận mệnh. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục, Thắng Lợi làm bảo vệ còn ông Hàn Bội Âm phải lại quay trở lại công trường ở Tây An vì những khoản nợ vẫn chưa trả xong.
Câu chuyện vượt khó của 2 cha con họ Hàn chưa thể có cái kết trọn vẹn bắt nguồn từ việc Hàn Bội Âm quá bao bọc, không cho con tiếp xúc với Internet hay công việc thực tế bên ngoài mà chỉ muốn con chú tâm vào học. Trên thực tế, những việc này đều giúp ích cho việc thu nhận kiến thức và cải thiện khả năng giao tiếp của Hàn Thắng Lợi.
Chính vì 4 năm chỉ học kiến thức sách vở, bó mình chỉ trong trường lớp học nên Hàn Thắng Lợi rụt rè, ngại giao tiếp, không chủ động tìm việc tại các hội chợ việc làm và mất đi những cơ hội việc làm tốt hơn.
Theo Toutiao