Nếu bạn đã từng sử dụng thuốc xịt và chất tẩy rửa để làm sạch bếp hay phòng tắm  và ngay sau đó bạn bắt đầu bị ho hoặc thở khò khè thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy các hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa bạn đang sử dụng đã ảnh hưởng ít nhiều tới phổi của bạn.

Một nghiên cứu mới có tên Bảo vệ sức khỏe của phổi vì một cuộc sống lành mạnh được thực hiện ở Na Uy đã chỉ rõ rằng lau chùi, quét dọn ở nhà hay nơi làm việc thực sự có thể làm phổi của bạn bị tổn thương.

Và hậu quả là bạn có thể có nguy cơ cao bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD).

Tại sao chăm chỉ quét dọn nhà cửa, văn phòng lại có hại với sức khỏe nhỉ?

Trong một nghiên cứu gồm 5.000 phụ nữ trên 20 tuổi, đã có những bằng chứng cho thấy rằng chất tẩy rửa sẽ làm giảm 17% chức năng của phổi của những người phụ nữ này so với những phụ nữ ở tuổi trung niên.

Những phụ nữ thường xuyên lau dọn nhà cửa thực sự đang gặp nguy hiểm khi có những kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng họ đã bị sụt giảm hơn 14% chức năng phổi trong hơn 20 năm do tiếp xúc với các chất hóa học như ammonia, gây kích ứng đường hô hấp, và các chất khác có thể gây ra phản ứng dị ứng ở đường hô hấp.

Oistein Svanes, đến từ Đại học Bergen ở Na Uy, là người đầu tiên đã tiến hành nghiên cứu theo dõi những hậu quả lâu dài của các chất tẩy rửa này.
 
 
 Oistein Svanes nói: “Việc lau dọn nhà là một công việc thường xuyên của các chị em phụ nữ. Chính vì vậy mà chúng tôi cần phải bắt đầu tiến hành các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của các chị em hơn về những hóa chất này".

Tiến sĩ Gareth Walters cho biết thêm: "Đây thực sự là mối lo ngại đáng quan tâm vì nó là những bằng chứng đầu tiên cho thấy rằng về lâu dài thì phổi sẽ bị tổn hại do tiếp xúc với chất tẩy rửa. Một số chất tẩy rửa gia dụng có mặt trên thị trường hiện có những chất hóa học giống trong chất tẩy rửa công nghiệp.Tôi chắc rằng có một lý do thương mại ở đây - bạn sẽ bán được nhiều sản phẩm tẩy rửa nếu sản phẩm đó có thể tiêu diệt được tất cả các vi khuẩn được biết đến hơn là bán sản phẩm chỉ giết được có 70% vi trùng”.
 
Phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới phổi do hay tiếp xúc với các chất tẩy rửa.

Tiến sĩ Walters cũng nói rằng  bạn có thể có ít nguy cơ phát triển bệnh COPD do việc lau dọn trừ khi bạn tiếp xúc với một lượng lớn các hóa chất này hàng ngày.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của ông đã nhìn thấy một sự gia tăng lớn trong 5 năm qua về những trường hợp của bệnh hen suyễn liên quan tới việc tiếp xúc với một loạt các sản phẩm làm sạch.

Vậy làm thế nào để biết được sức khỏe của bạn đang bị ảnh hưởng bởi những chất tẩy rửa này? 

Nếu bạn có các triệu chứng bao gồm ho, tức ngực, khó thở, thở khò khè khi tiếp xúc với các chất tẩy rửa thì bạn cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.

Giải pháp cho bạn:

Tiến sĩ Walters nói: "Tôi muốn khuyên mọi người nên chú ý nhìn vào nhãn sản phẩm và biết chính xác những chất hóa học có chứa trong sản phẩm có in trên bao bì trước khi mua sản phẩm. Mọi người nên làm theo hướng dẫn cách sử dụng của sản phẩm trước khi dùng ví dụ như: lượng chính xác để pha loãng chúng và sử dụng là bao nhiêu. Tránh sử dụng nước ấm để pha loãng các chất này vì hơi nước này sẽ bốc hơi lên và bạn sẽ hít phải không khí độc hại. Giải pháp cuối cùng đó là nên sử dụng các chất tẩy có thể đổ trực tiếp được lên vải hoặc các bề mặt cần làm sạch hơn là sử dụng các chất tẩy rửa chỉ có thể dùng bình phun để phun".

Dưới đây là một số hóa chất nguy hiểm có thể gây ra bệnh hen suyễn vì vậy mà bạn cần phải biết để tránh:

-  Methylisothiazolinone (MI / MIT) được tìm thấy trong chất tẩy rửa dùng ở  nhà bếp và nước lau sàn nhà ở dạng thuốc xịt.
- Benzalkonium chloride thường được sử dụng như một chất khử trùng trong chất tẩy rửa gia dụng dùng cho sàn nhà.
- Chlorine, thành phần trong thuốc tẩy.
- Một số mùi hương có trong chất làm sạch ví dụ như hương chanh...
- Isothiazolinones - được sử dụng trong một số chất lỏng dùng để giặt ủi quần áo.

Cách để giảm sự tiếp xúc với các chất hóa học này:

- Kiểm tra các thành phần chất nguy hiểm có trong sản phẩm trước khi sử dụng.
- Thực hiện theo hướng dẫn trên nhãn về cách sử dụng an toàn của hóa chất.
-  Không sử dụng các loại thuốc tẩy hay làm sạch vết bẩn ở dạng xịt vì chất độc hại dễ bay vào trong không khí và chúng ta sẽ dễ hít phải những khí này.
- Mở cửa ra vào, cửa sổ trong và sau khi chúng ta làm sạch hay lau dọn những khu vực cần vệ sinh để đảm bảo có sự thông gió tốt.

(Nguồn: Mirror)