Tìm kiếm thông tin – xu hướng tiêu dùng mới
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Số liệu cũng cho thấy tỷ lệ người dùng sử dụng Internet hàng ngày tại Việt Nam lên tới 94%. Sự bùng nổ về công nghệ số và Internet hiện nay đã tạo điều kiện cho người dùng tìm hiểu các sản phẩm trước khi đi đến quyết định mua hàng. Để có thể so sánh các sản phẩm giữa nhiều sự lựa chọn từ nhiều thương hiệu, khách hàng có xu hướng nghiên cứu, tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin, hành động này đã ảnh hưởng đến quyết định mua hàng.
Hiện nguồn thông tin từ các đánh giá cá nhân là yếu tố có ảnh hưởng đầu tiên và nhiều nhất đến hành vi mua hàng của khách, vượt qua cả những yếu tố quan trọng khác như thương hiệu, giá, ý kiến từ gia đình và bạn bè. Một nghiên cứu từ Power Review năm 2021 cho thấy có tới 99% người tiêu dùng sẽ đọc đánh giá trước khi mua sắm online, trong đó có 61% luôn luôn đọc review, và hơn 1/3 đọc review thường xuyên.
Thế nhưng, việc tìm hiểu về thông tin hoặc trải nghiệm sử dụng của người đi trước sẽ luôn mang đến những thông tin hữu ích và đúng?
Con dao hai lưỡi bởi "rừng" thông tin khổng lồ
Không thể phủ nhận nhờ Internet, sự lan truyền với tốc độ chóng mặt của thông tin giúp các tín đồ làm đẹp dễ dàng tìm hiểu hầu hết những gì mà mình muốn. Từ đó, họ có thể nắm rõ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, tìm kiếm được thành phần và công thức phù hợp nhất cho bản thân mình, đồng thời đòi hỏi sự phát triển bền vững và minh bạch từ các thương hiệu. Các tín đồ làm đẹp cũng ngày càng sành sỏi về kiến thức chăm sóc da, "đọc vị" trôi chảy các sản phẩm mình cầm trên tay và thiết kế một chu trình dưỡng da cá nhân hóa mang lại hiệu quả cao.
Nhu cầu làm đẹp và tìm kiếm thông tin là chính đáng, thế nhưng bên cạnh các thông tin hữu ích, việc sa lầy giữa "rừng" thông tin khổng lồ khiến người dùng không khỏi hoang mang. Hoài Thương (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: "Do áp lực công việc và chế độ sinh hoạt thiếu khoa học nên dạo gần đây da mình nổi mụn khá nhiều, mình lên trên mạng tìm hiểu thông tin về các sản phẩm trị mụn nhưng thú thật có quá nhiều nguồn thông tin và đánh giá khác nhau khiến mình không biết phải lựa chọn thế nào".
Không chỉ khiến người tiêu dùng hoang mang giữa vô vàn thông tin mà việc lựa chọn tin vào những thông tin không chính thống hoàn toàn có thể khiến làn da gặp vấn đề, thậm chí để lại di chứng lâu dài. Từng là nạn nhân của thông tin trên mạng xã hội, Như Phúc (22 tuổi, TP.Đà Lạt) chia sẻ câu chuyện bản thân: "Mình từng phải xuống TP.HCM cầu cứu bác sĩ da liễu với gương mặt rớm máu, sưng phù vì lột da sinh học collagen sau khi xem một video đánh giá sản phẩm trên mạng xã hội. Lần đầu thoa thì thấy da ửng đỏ, đến tối cùng ngày, thoa lần hai da càng đỏ hơn kèm nóng rát, châm chích nhiều. Thấy da có dấu hiệu bong tróc nên mình đã dùng tay gỡ mài khiến da bị chảy máu. Nhờ thăm khám kịp thời nên làn da mình đã được chữa trị nhưng kể từ đó làn da dường như nhạy cảm hơn rất nhiều, dễ nổi mụn và mẩn cảm hơn".
Vậy mới thấy, không phải thông tin nào trên Internet cũng đúng và luôn mang lại hiệu quả với tất cả mọi người. Do đó, trước khi quyết định mua sản phẩm hoặc áp dụng phương thức chăm sóc da nào, bạn cần phải hiểu rõ làn da của mình cần gì, thiếu gì. Làn da không đơn giản như chúng ta nghĩ và làn da của mỗi người lại càng không giống nhau nên chúng ta không thể áp dụng cùng một phương pháp dưỡng da, cùng một loại sản phẩm, cùng một khoảng thời gian cho mọi làn da trước khi tìm hiểu kỹ.