Thực hiện Công văn số 5686/UBND-NC ngày 31/07/2014 của UBND thành phố Hà Nội về việc chấn chỉnh công tác quản lý biên chế, tiền lương cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã. Ngày 31 tháng 12 năm 2014 UBND huyện Sóc Sơn ra thông báo tới tất cả các trường ......chỉ đạo thanh lý hợp đồng lao động đã ký với 185 giáo viên, nhưng sau đó lại tiếp tục ký hợp đồng lao động đối với các giáo viên trên đến hết năm học 2014 – 2015 (thời hạn hợp đồng từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/06/2015).

 Trước đó, Năm 2012, UBND huyện Sóc Sơn đã quyết định hợp đồng lao động với các giáo viên Mầm non, tại các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn. UBND huyện giao cho Hiệu trưởng các trường Mầm non tự ký hợp đồng lao động ngoài biên chế đối với 185 giáo viên các trường mầm non công lập trong huyện.

 Trong năm 2013 -2014, UBND huyện Sóc Sơn có tổ chức một số kỳ thi tuyển viên chức làm giáo viên Mầm non trong địa bàn huyện, nhưng chưa đáp ứng được tình trạng thiếu hụt giáo viên tại các trường Mầm non ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Vì vậy UBND huyện, Hiệu trưởng các trường Mầm non vẫn tiếp tục gia hạn cho các giáo viên này giảng dậy.

 Tháng 06/2015, Phòng Nội vụ huyện Sóc Sơn gửi thông báo tới các trường Mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn với nội dung thông báo: UBND huyện quy định kéo dài thời gian hợp đồng đối với giáo viên (185 trường hợp bị cắt hợp đồng trong huyện - pv) đến hết tháng 06/2015. Đề nghị kế toán các trường tạm thời không cho các giáo viên hợp đồng vào bảng lương quý 03 năm 2015 .    

 Theo Luật sư Nguyễn Anh Dũng - Công ty Luật TNHH Dân Việt (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Việc thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với tập thể 185 giáo viên (Giáo viên giảng dạy hợp đồng -pv), không những vi phạm các quy định của luật Lao động, luật Viên chức các quy định có liên quan đến định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục Mầm non công lập mà còn thể hiện sự “ngược  đãi ” đối với đội ngũ giáo viên trí thức của địa phương.” 


luatsu
Luật sư Nguyễn Anh Dũng.

Luật sư Dũng khẳng định: “Những giáo viên đã có nhiều năm công tác, giảng dậy, tâm huyết với nghề và đóng góp công sức rất lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện Sóc Sơn nói riêng và những thế hệ Mầm non tương lai của đất nước nói chung. Việc UBND huyện Sóc Sơn, Hiệu trưởng các trường Mầm non ký kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động đối với 185 Giáo viên là không đúng với quy định của pháp luật.”

 Việc UBND huyện giao cho hiệu trưởng các trường Mầm Non ký hợp đồng lao động ngoài biên chế đối với các giáo viên mầm non là không đúng với quy định của pháp luật. Vì theo quy định hàng năm, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức trình cấp có thẩm quyền, phê duyệt hoặc quyết định theo thẩm quyền để tổ chức thực hiện tuyển dụng viên chức.

Đồng thời, chỉ tiêu biên chế tuyển dụng phải căn cứ vào Thông tư liên tịch số: 71/2007/TTLT- BGDĐT-BNV, hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và nhu cầu thực tế giáo viên, việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển viên chức phải thực hiện theo đúng thủ tục trình tự luật định. 

 Luật sư Dũng cho biết: “Tại Điều 23, Luật viên chức năm 2010 quy định: “Việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển”. Tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định Thẩm quyền tuyển dụng viên chức như sau:“ Đối với đơn vị sự nghiệp công lập giao quyền tự chủ quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 Luật viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức thực hiện việc tuyển dụng viên chức; quyết định tuyển dụng viên chức qua thi tuyển hoặc xét tuyển”.

giaovien
Các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng.

Vì vậy, việc UBND huyện Sóc Sơn giao cho Hiệu trưởng các trường ký hợp đồng lao động ngoài biên chế đối với một số giáo viên các trường mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn không thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển sau ngày 01/01/2012 là không đúng với quy định của pháp luật tuyển dụng, xét tuyển viên chức.

 Việc ký hợp đồng ngoài biên chế đối với một số giáo viên trong thời gian dài vừa qua có phải chỉ để “chữa cháy” đối với hiện tượng thiếu hụt giáo viên mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn hay không?

 Luật sư Dũng chỉ ra: “Về việc giao kết hợp đồng lao động đối với Giáo viên Mầm non ngoài biên chế. Tại Điều 17, Bộ luật lao động quy định Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động như sau: Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực; Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội”.

 Luật sư  Dũng tiếp tục: “Theo nội dung quy định trên, một trong những nguyên tắc cơ bản khi ký kết hợp đồng lao động là các bên do tự nguyện thỏa thuận, không bên nào được ép buộc bên nào. Thực tế cho thấy, toàn bộ quá trình giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng và chấm dứt hợp đồng các giáo viên đều phải  thực hiện theo sự chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn.

 Trong khi đó, hợp đồng lao động mà các giáo viên tham gia ký kết là thỏa thuận giữa một bên là giáo viên với một bên là trường Mầm non chứ không phải là UBND huyện.”

 Luật sư Dũng đặt ngược lại câu hỏi là: “Ở đây, trường mầm non hay UBND huyện Sóc Sơn mới là chủ thể của hợp đồng lao động? Việc ký kết, thực hiện hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động giữa nhà trường và giáo viên liệu có được bình đẳng, tự do ý chí  hay không?”

 Vị luật sư còn nhấn mạnh: “Khi được UBND huyện ra quyết định hợp đồng với các giáo viên và giao cho các trường Mầm non thực hiện việc ký kết hơp đồng đối với các giáo viên ngoài biên chế. Ngay sau khi ký kết Hợp đồng lao động, hầu hết các trường đều giữ lại hợp đồng lao động mà không giao lại một bản Hợp đồng cho các Giáo viên là trái quy định của pháp luật”

 Tại Điều 16, Bộ luật lao động quy định Hình thức của hợp đồng lao động như sau: Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này; Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói”.

 Từ ngày 01/09/2012  đến 31/12/2014, rất nhiều trường hợp giáo viên ký kết hợp đồng lao động với nhà trường, loại hợp đồng không xác định thời hạn hoặc hợp đồng xác định thời hạn 1 năm.

 Tuy nhiên, có những hợp đồng lao động chưa hết thời hạn đã bị UBND huyện, Hiệu trưởng các trường buộc giáo viên thanh lý hợp đồng lao động trước thời hạn và lại tiếp tục bắt giáo viên ký hợp đồng lao động mới có thời hạn 6 tháng.

 Vị Luật sư này giải thích: Tại Khoản 3, Điều 22, Bộ luật lao động quy định Nội dung của Hợp đồng: “Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng, để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên. Trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác”.

 Theo luật sư Dũng, việc Hiệu trưởng các trường mầm non ký hợp đồng lao động có thời hạn 06 tháng cho một công việc có tính chất thường xuyên như Giáo viên Mầm non là trái với quy định của luật lao động, làm ảnh hưởng tới quá trình công tác và đời sống của các Giáo viên.

 Cũng trong quyết định hợp đồng với các giáo viên của UBND huyện Sóc Sơn có quy định: “Phải tham gia kỳ thi tuyển gần nhất tại đơn vị có chỉ tiêu tuyển dụng theo đúng chuyên nghành được đào tạo và đương nhiên chấm dứt hợp đồng nếu không trúng tuyển hoặc không tham dự thi tuyển”.

Căn cứ vào quá trình sai phạm trên của phía UBND huyện Sóc Sơn cùng với 28 trường Mầm non công lập trong địa bàn, rất mong các cơ quan liên ngành cần vào cuộc sớm để xác minh, làm rõ và xử lý dứt điểm những sai phạm nêu trên của UBND huyện Sóc Sơn và Hiệu trưởng các trường Mầm non trên địa bàn huyện Sóc Sơn.