Mùa du lịch đang bước vào giai đoạn cao điểm, nhu cầu đi lại của người dân cũng vì thế mà tăng cao.
Tuy nhiên, ở giai đoạn giá xăng dầu đang ở "đỉnh" như hiện nay, giá vé các chặng bay nội địa khiến không ít hành khách bất ngờ.
Ngày 7/7, khảo sát của phóng viên Gia đình & Xã hội (Báo Sức khỏe & Đời sống) cho thấy, giá vé đường bay nội địa đều dao động từ 4 đến gần 10 triệu đồng/vé khứ hồi.
Cụ thể, với chuyến bay từ Hà Nội đi Côn Đảo khởi hành lúc 22h30 phút hôm nay (7/7) hãng Vietnam Airline, giá cho ghế phổ thông là 3.449.000 đồng/vé và 9.443.000 đồng/vé ghế thương gia (bay chặng).
Với chuyến bay một chặng, ghế thương gia cho chuyến bay này cũng lên đến 7.391.000 đồng/vé và 3.449.000 – 3.827.000 đồng/vé phổ thông.
Dù giá vé cao nhưng chặng bay này không được bay thẳng mà phải nối chuyến tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Cùng đường bay nhưng giá vé của hãng Bamboo Airway khởi hành vào sáng ngày 8/7 là 7.728.000 đồng/vé phổ thông đặc biệt.
Trên website về du lịch traveloka, với chặng Hà Nội – Đà Lạt di chuyển trong ngày 8/7 có giá từ 2.378.000 đồng/vé phổ thông hãng Bambo Airway, đến 12.835.000 đồng/vé thương gia hãng Vietnam Airlines.
Chị Nguyễn Thị Hương (36 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) tỏ ra bất ngờ với giá vé máy bay chạm mốc 10 triệu đồng ở thời điểm hiện tại.
Vì gia đình có 2 con nhỏ nên mùa hè này, chị Hương và gia đình dự định đi du lịch tâm linh tại Côn Đảo trong thời gian 3 ngày 2 đêm. Tuy nhiên, với mức giá hơn 3 triệu đồng/người/vé khứ hồi, chị Hương phải tính toán lại cho chuyến du lịch gia đình trong mùa hè này.
Chị Hương cho biết: "Cả hai vợ chồng tôi đều là công chức nhà nước, mức thu nhập ở Hà Nội gần như vừa đủ cho mức sống cơ bản ở Thủ đô. Để chuẩn bị cho chuyến du lịch mùa hè này, gia đình tôi đã "thắt lưng buộc bụng" từ đầu năm. Tuy nhiên, có lẽ gia đình tôi sẽ chuyển hướng du lịch tại Quảng Ninh hoặc Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An bằng xe gia đình, chúng tôi vừa tiết kiệm mà vừa không phải gồng mình vì kinh tế".
Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ngày 6/7, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT để đề xuất các giải pháp về giảm phí chuyên ngành hàng không; giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay; điều chỉnh tăng mức tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng cao, các doanh nghiệp hàng không đề xuất các giải pháp liên quan đến việc miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường; giảm thuế nhập khẩu; giảm giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không; cho phép phụ thu nhiên liệu hoặc điều chỉnh tăng trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Theo đó, việc điều chỉnh tăng mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa theo mức đã được quy định tại thời điểm năm 2014, tức là tăng trung bình khoảng 3,75% so với khung giá quy định hiện hành.
Cùng thời điểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã ký văn bản gửi đến Bộ Tài chính để kiến nghị xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí trong các lĩnh vực giao thông, nhằm có thể tháo gỡ một phần việc tăng chi phí vận tải do giá xăng, dầu tăng cao hiện nay.
Theo đó, với lĩnh vực đường hàng không, Bộ GTVT kiến nghị, từ nay đến hết 2022, giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay. Đồng thời, giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay.