Ngòi bút trào phúng bậc thầy của Vũ Trọng Phụng đã đả kích sâu cay cái xã hội tư sản thành thị những năm 1930-1945 chạy theo lối sống nhố nhăng, bịp bợm đương thời qua "Số Đỏ".
Trong đó các nhân vật biếm họa Xuân tóc đỏ, cụ cố Hồng, ông Phán mọc sừng, cô Tuyết, bà Phó Đoan… là ẩn dụ về sự dối trá và suy đồi đạo đức của những phong trào "Âu hoá", "Vui vẻ trẻ trung", thi thể thao, cải cách y phục…. do thực dân khởi xướng.
"Châm ngôn" chấn động về chuyện cặp bồ của chị gái làng chơi trong Số đỏ
Mới đây, mạng xã hội đã "đào mộ" lại phát ngôn sốc của một chị gái làng chơi trong bộ phim Số Đỏ (1990). Lời lẽ của chị này khiến nhiều người cảm thấy rùng mình, kinh tởm về quan niệm hôn nhân thời đó. Theo chị ta "đàn ông sinh ra là phải mọc sừng", "không cặp bồ là không tân tiến".
Trích đoạn nhân vật Hoàng Hôn tâm sự với nhân tình về người phụ nữ tân tiến. (Nguồn Nhạc Không Hay Chặt Cụt Tay)
Đây là trích đoạn của nhân vật Hoàng Hôn - con gái cụ cố Hồng, vợ của ông Phán mọc sừng, tâm sự với nhân tình của ả.
Toàn bộ những lời từ ruột gan của người phụ nữ dâm đãng này đều được Xuân tóc đỏ và cô Tuyết nghe lén được, khi họ cũng đang "hú hí" với nhau ở phòng bên cạnh.
Theo đó nhân tình của Hoàng Hôn đề nghị chị ta ly hôn chồng để họ được đường đường chính chính bên nhau. Nhưng vợ của ông Phán mọc sừng lại gạt phắt đi và cho rằng: "Tôi chỉ muốn mình là người yêu của tôi thôi. Mình là chồng tôi thì mình lại mọc sừng mất. Chẳng thà để hắn mọc sừng hộ mình có hơn không?".
Khi bị nhân tình trách cứ có suy nghĩ thiếu đạo đức thì chị Hoàng Hôn lại phản pháo rằng: "Đàn bà bây giờ ai cũng nghĩ như thế cả. Có chồng thôi mà không có nhân tình thì là hèn, là xấu là không tân tiến gì cả. Không thông minh, không nhan sắc, chả ma nào nó thèm chim.
Nếu tôi không có nhân tình thì bạn hữu sẽ khinh bỉ tôi, tôi còn sống với đời thế nào được nữa. Có ăn có chọi mới gọi là trâu chứ".
Dù ngoại tình, nhưng chị ta vẫn cho rằng mình có phẩm giá và đạo đức. Bởi chị ta mới chỉ gian díu với 1 người mà thôi.
"Mình này, thế mà tôi vẫn giữ trinh tiết với mình, không có ai là nhân tình thứ 2 cả, mình lên cho thế là hạnh phúc lắm rồi"- Hoàng Hôn hãnh diện nói với bồ.
Con gái của cụ cố Hồng còn cho rằng, nếu lấy chồng mà phải chung thủy, không được đi "lang chạ" thì.... chẳng đúng là đàn bà: "Anh thộn lắm, nói như thế là em giữ trinh tiết với cả 2 người, với chồng em và với cả nhân tình nữa. Nếu không thế thì em còn là cái giống gì nữa".
Chị ta khẳng định: "Tạo hóa sinh ra đàn ông là để mọc sừng. Nếu cú biết cú hôi thì cú đã chẳng hôi".
Ở phía phòng bên này, khi nghe lén được cuộc nói chuyện giữa Hoàng Hôn và nhân tình, Xuân tóc đỏ cũng cổ xúy: "Thật là một người đàn bà đức hạnh! Xứng đáng! Tân tiến".
Thời nay vẫn tồn tại suy nghĩ lệch lạc đó!
Chỉ qua một trích đoạn ngắn cũng đủ cho người xem thấy sự lố lăng, thoái hóa đạo đức trong cái xã hội đương thời. Có thời nào việc cặp bồ được cho là tân tiến, là hiện đại? Có ai chấp nhận được việc gian díu với nhân tình bên ngoài vẫn vỗ ngực cho rằng mình có đức hạnh vì chỉ... yêu có 2 người? Có xã hội nào lại cổ xúy cho việc lăng nhăng?
Đó là suy nghĩ của một người phụ nữ làng chơi những năm đầu của thế kỷ XX. Nhà văn Vũ Trọng Phụng đã khéo dựng lên nhân vật Hoàng Hôn để châm biếm cái xã hội thối nát từ trong cuộc sống gia đình, vợ chồng.
Khi xem lại, khán giả dễ dàng lên án người phụ nữ lăng loàn, thiếu chung thủy, tư tưởng lệch lạc. Tuy nhiên, suy nghĩ này ở thời hiện đại không phải không còn tồn tại.
Có nhiều người "bắt cá 2 tay" thậm chí là nhiều tay nhưng họ chẳng bao giờ cảm thấy xấu hổ. Nhiều người đàn ông bên ngoài có nhân tình nhưng vẫn "diễn" rất tốt vai người chồng chung thủy, yêu thương vợ con. Có nhiều người phụ nữ ngoại tình nhưng họ lại bao che tội lỗi của mình bằng nhiều lý do khác nhau như chồng không quan tâm, thiếu thốn tình cảm,...
Thứ duy nhất học được từ suy nghĩ của cô ả này đó là người phụ nữ phải yêu thương bản thân mình, phải thông minh và xinh đẹp. Nhưng không phải để cặp bồ mà dùng để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đàn ông dễ bị những "của lạ" xinh đẹp, ăn nói ngọt ngào hớp hồn.