Gia đình chồng tôi rất khắt khe. Tôi lại là một đứa trẻ mồ côi mẹ từ nhỏ, lớn lên trong sự chăm sóc, dạy bảo của bố và chị gái nên về ứng xử còn nhiều vụng về, thiếu sót. Tôi cũng tự nhận ra điểm yếu của bản thân nên không ngừng học hỏi để nâng cao giá trị chính mình.

Thời gian đầu về nhà chồng làm dâu, tôi không được lòng mẹ chồng. Thậm chí, nói đúng hơn, mẹ chồng còn có vẻ ghét bỏ tôi. Bà hay chê tôi vụng về, nấu bữa ăn cũng không ngon, lau cái nhà cũng không sạch, rồi cách nói chuyện còn quá nhút nhát, giữ kẽ, chưa hòa nhập với nhà chồng... Lúc đó, tôi áp lực lắm, đi làm về là lại sợ gặp mẹ chồng, sợ ánh mắt của bà nhìn mình.

Sống với nhau 4 năm, mối quan hệ giữa tôi với mẹ chồng mới dần cải thiện. Tôi hiểu được nếp sống của nhà chồng, biết được sở thích của từng người, cũng biết được bố mẹ chồng ghét điều gì nhất. Riêng mẹ chồng, tôi biết bà ghét sự giả dối nên chưa bao giờ dám nói dối, gạt bà dù là những chuyện nhỏ nhất. Có lẽ chính sự chân thành, thật thà của tôi đã làm mẹ chồng hiểu và thương tôi hơn. Bà cũng dạy tôi cách ứng xử với dòng họ bên chồng, cách chuẩn bị và nấu đám giỗ, tiệc tùng vì tôi là con dâu duy nhất trong nhà.

2 tháng trước, mẹ chồng tôi phát hiện bệnh ung thư phổi. Cả nhà đều bất ngờ lẫn lo lắng khi biết tin này. Tôi là người túc trực chăm sóc mẹ chồng nhiều nhất trong 2 tháng qua. Từ bệnh viện, về nhà, lại đi bệnh viện tuyến cao hơn,... tôi luôn rong ruổi theo hành trình chạy chữa cùng mẹ chồng. Vì mẹ, tôi cũng xin nghỉ phép không lương một năm, dự định khi nào tình hình sức khỏe mẹ ổn định hơn thì mới đi làm. Nhưng trong thâm tâm, tôi cũng hiểu rõ một điều, chỉ sợ mẹ không sống nổi qua một năm. Phần vì ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh đã nặng lắm rồi. Phần vì tinh thần mẹ suy sụp thấy rõ nên việc điều trị càng khó khăn hơn.

Chăm sóc mẹ chồng 2 tháng ở bệnh viện, lúc hấp hối, bà đưa một bọc đen, nói 4 từ khiến tôi bàng hoàng, bật khóc trong uất nghẹn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tuần trước, sức khỏe mẹ chồng tôi sa sút nghiêm trọng nên gia đình quyết định đưa mẹ về nhà. Trong mấy ngày ngắn ngủi ở nhà, bà luôn bảo tôi ở bên cạnh. Nhìn mẹ chồng chỉ còn da bọc xương là nước mắt tôi lại rơi. Lúc hấp hối, bà gắng gượng bảo tôi lấy trong hộc tủ cái bọc màu đen đưa cho bà. Rồi bà cầm cái bọc đó, dúi vào tay tôi, thì thầm 4 từ: "Cho con gái mẹ". Tối hôm đó, bà trút hơi thở cuối cùng.

Sự ra đi của mẹ đã để lại một nỗi đau lớn trong lòng cả nhà. Suốt mấy ngày làm tang lễ, ai cũng đau buồn, khóc lóc. Chỉ có tôi lại thấy mẹ đã được giải thoát khỏi những đau đớn do bệnh tật hành hạ, đó cũng là một điều hạnh phúc rồi. Dù đau lòng, tôi vẫn cố gắng lo chu toàn lễ tang của mẹ, theo đúng những gì bà đã dặn dò lúc tôi còn chăm sóc ở bệnh viện.

Tang lễ xong, tôi và chồng mở bọc đen mẹ đưa. Bên trong là 42 triệu, có cả tiền chẵn lẫn tiền lẻ, từ 5 ngàn đến 500 ngàn đều có đủ và được cột thành từng tập. Nhớ đến câu nói của mẹ, tôi lại bật khóc trong xót xa. Bà không gọi tôi là con dâu mà là con gái, đó là câu nói hay nhất mà tôi - một đứa mồ côi mẹ - được nghe. Nhưng đó cũng là câu nói cuối cùng.

Hôm sau, vợ chồng tôi có nói đến số tiền này với bố chồng và em gái chồng. Em ấy lấy chồng xa, mẹ bệnh cũng không chăm sóc được. Mẹ mất, em ấy mới về chịu tang. Bố chồng bảo chúng tôi chia đôi số tiền ấy ra, cho em chồng một nửa, tuy không nhiều nhưng cũng coi như là tài sản của mẹ. Tôi không có ý kiến gì nhưng chồng tôi không đồng ý. Anh ấy nói mẹ trăng trối để lại cho tôi thì tôi giữ, đến anh và em gái là con ruột của mẹ cũng không có quyền động vào. Tôi muốn làm gì với số tiền đó thì làm. Tôi phải làm sao mới thỏa đáng nhất đây?