Câu đầu tiên phải cảnh báo khán giả của Hậu cung Như Ý truyện, thông tin dưới đây hé lộ một phần kết thúc của bộ phim. Đặc biệt, kết thúc này chẳng vui vẻ gì, khán giả nếu vẫn quan tâm đến số phận của nàng Như Ý (Châu Tấn) thì phải bình tĩnh khi xem qua.
Sau khi Thập Tam A Ca Vĩnh Cảnh qua đời, ekip sản xuất tiếp tục gây sóng gió khi đột ngột tung ra đoạn clip có cảnh quay dàn phi tần của Như Ý truyện làm lễ tang cho một nhân vật đặc biệt. Nhân vật này được nhiều người cho là Kế Hoàng hậu - Như Ý bởi phản ứng đặc biệt xúc động đến từ Hải Lan (Trương Quân Ninh).
"Hậu cung Như Ý truyện": Hé lộ cảnh Như Ý - Châu Tấn qua đời, Hải Lan khóc nghẹn trước bài vị.
Quỳ dưới bài vị, Hải Lan không ngừng khóc, nàng cứ nhắm nghiền đôi mắt rồi lặng lẽ để cho nước mắt tuôn rơi. Một số khán giả cho rằng có thể đây là cảnh Ngũ A Ca - Vĩnh Kỳ qua đời. Tuy nhiên, nếu Ngũ A Ca qua đời, các phi tần khác sẽ không cần phải quỳ lạy và tụng kinh niệm phật. Điều đặc biệt là trong số các phi tần, hoàng tử quỳ phía dưới, chẳng hề thấy bóng dáng của Lệnh Phi - Vệ Yến Uyển (Lý Thuần), Ngũ A Ca và cả Như Ý. Trong nguyên tác tiểu thuyết, Ngũ A Ca mất trước cả Như Ý.
Vậy nên, nếu đây là đám tang của Ngũ A Ca thì theo lễ nghi cung đình, Như Ý và Lệnh Phi chẳng thể nào vắng mặt đột xuất được.
Sau khi đoạn clip được chia sẻ, khán giả của Hậu cung Như Ý truyện lại tấn công nam chính Càn Long - Hoằng Lịch vì cho rằng nhân vật này chính là nguyên nhân gây ra cái chết của Như Ý. Theo nội dung nguyên tác tiểu thuyết, trong một chuyến tuần du đến Giang Nam, Càn Long và Như Ý đã cãi nhau một trận quyết liệt.
Trong lúc tức giận, Càn Long đánh Như Ý đến ngã nhào, sau đó còn nặng lời trách mắng rằng nàng có những suy nghĩ lệch lạc, không phù hợp với ngôi vị Hoàng hậu. Quá phẫn uất, Như Ý đã cắt tóc đoạn tình, sau đó nàng được Càn Long cho người đưa về Tử Cấm Thành để giam lỏng.
Về sau, Như Ý tự sát, nàng chấp nhận đánh đổi mạng sống để được làm một linh hồn tự do, không vướng bận chiếc áo Hoàng hậu mà Càn Long chụp lên người mình nữa. Cái chết của Như Ý khiến Càn Long day dứt, ân hận mãi về sau.
Trong sách sử, cái chết của Kế Hoàng hậu được miêu tả như sau: Khi được 49 tuổi, Kế Hoàng hậu mắc bệnh nặng nên đã qua đời. Lúc Kế Hoàng hậu mất, Càn Long còn đang đi săn bắt thú, người chỉ ra lệnh cho Thập Nhị A Ca Vĩnh Cơ về chịu tang chứ bản thân nhất quyết không về.
Tiếp đến, Càn Long ra chỉ dụ rằng Kế Hoàng hậu từng gây ra lỗi lầm trong chuyến tuần du Giang Nam nên khi chết bà chỉ được an táng theo nghi thức dành cho Hoàng quý phi, vào Dụ lăng phi viên tẩm. Gia đình bà sau khi Kế Hoàng hậu thất sủng cũng bị cưỡng chế đổi trở lại thành Tương Lam kỳ, tước vị Thế quản Tá lĩnh cũng bị tước bỏ, đổi lại thành Công trung Tá lĩnh. Gia đình của Kế Hoàng hậu sau khi bà mất cũng trở nên xuống dốc.