Gen Z có điều kiện phát triển tốt, tại sao lại trở thành những người khó hòa nhập khi đi làm? “Họ” thiếu kỹ năng mềm lẫn kiến thức, thiếu đi trách nhiệm với công việc hay thiếu điều gì khiến người làm sếp phải lắc đầu ngán ngẩm không nhận?

Đã có những trường hợp để lại ấn tượng "sâu đậm" trong mắt các sếp. Để rồi họ phải liệt kê những kiểu nhân viên này vào "blacklist" (danh sách đen) và không bao giờ tuyển dụng nữa. "Họ" là ai, đã từng đảm nhiệm vị trí gì, hay làm điều gì mà lại rơi vào hoàn cảnh như thế?

Tuyển nhân sự về, nhân sự “cướp" luôn khách và sản phẩm của công ty

Doãn Uy (27 tuổi, Quản lý agency, TPHCM) đã có những trải nghiệm không mấy vui vẻ gì với nhân viên của mình. Đa phần công ty của Uy sẽ nhận làm các dự án riêng. Ngoài đội ngũ nhân sự cốt lõi, Uy cũng cần cập nhật nhân sự mới thường xuyên cho từng dự án. Vậy nên việc tuyển dụng diễn ra mỗi khi nhận dự án mới, đa số là người làm việc tự do, thời gian gắn bó khoảng 3-6 tháng. Dự án xong thì cũng chấm dứt hợp đồng.

Cũng chính vì "thay máu" nhân sự trong khoảng thời gian ngắn, không ít lần Uy gặp phải trường hợp éo le: "Mình cũng nhận lại nhiều 'vố' không hay ho tí nào. Tuyển họa sĩ về làm dự án cho khách hàng, họ làm xong tự lấy bản phác thảo và tranh trong quá trình hoàn thiện đăng lên trang riêng, kéo ngược khách hàng của mình. Tuyển sản xuất âm nhạc thì tự lấy nhạc của công ty đăng lên spotify. Thường mấy vụ này mình cho qua luôn vì nếu làm căng lên thì không chỉ mất thời gian, tiền bạc, mà còn là uy tín nữa."

Chân dung nhân sự trẻ gây ám ảnh cả đời cho sếp, giỏi đến mấy cũng không thuê - Ảnh 1.

Dù không công khai "bóc mẽ" nhau lên các diễn đàn, trang mạng xã hội nhưng không có nghĩa là việc làm của các nhân sự này không tồn tại. (Ảnh minh họa Pinterest)

Những nhân sự này sau đó đều được liệt kê vào "blacklist" của nhóm agency mà Uy làm việc chung. Anh cũng cho biết thêm, việc làm này cực kỳ ảnh hưởng tới uy tín cá nhân của họ. Dù không công khai "bóc mẽ" nhau lên các diễn đàn, trang mạng xã hội nhưng không có nghĩa là việc làm của các nhân sự này không tồn tại.

Vậy nên Doãn Uy cũng nhắn nhủ đến những người trẻ, đặc biệt là các bạn mới ra trường, bước chân vào chốn công sở hãy làm việc có trách nhiệm, xuy xét đến hậu quả với từng công việc mình làm để không chặn đi cơ hội kiếm tiền, kiếm kinh nghiệm của chính mình.

Không chỉ Doãn Uy gặp éo le trong việc tuyển và quản lý nhân sự của mình, mà còn tương đối nhiều trường hợp không may phải “va chạm” vào những sóng gió này. Như Anh Dũng (1996, Founder váy cưới, Yên Bái) cũng chia sẻ: “Mình đánh giá cao sức sáng tạo của nhiều nhân sự trẻ. Tuy vậy, vì còn quá trẻ nên đôi khi các bạn không nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề. Nhiều bạn đi làm chưa được lâu nhưng lại nghĩ mình giỏi để rồi tự cao với năng lực của bản thân. Mình đã từng phải cho 6 nhân sự nữ nghỉ việc chỉ vì thái độ làm việc tệ, hống hách và không tôn trọng khách hàng. Rất giống với châm ngôn ‘làm thì làm, không làm thì nghỉ’ mà nhiều bạn trẻ đang cho là đúng. Mình bây giờ sợ nhất là thuê phải nhân viên có thái độ thế này vào làm việc.”

Hành vi nào của nhân sự khiến sếp lắc đầu “không thuê”?

Thảo Lê (33 tuổi, CEO tại Sia Group, TPHCM) cho biết rằng nguyên tắc khi tuyển dụng nhân sự của mình luôn là “thái độ hơn trình độ”. Trong quá trình làm việc của mình, Thảo cho biết đã có trải nghiệm với nhiều thế hệ, trong đó không thể thiếu là những người trẻ, thuộc thế hệ Gen Z. Đây cũng là nhóm nhân sự Thảo quản lý nhiều nhất vì môi trường công ty tương đối trẻ.

Chân dung nhân sự trẻ gây ám ảnh cả đời cho sếp, giỏi đến mấy cũng không thuê - Ảnh 2.

Thảo Lê (33 tuổi, CEO tại Sia Group, TPHCM)

Bên cạnh những ưu điểm của nhân sự trẻ như năng động, sáng tạo, nhiệt huyết với công việc, luôn biết mình muốn gì và đã có định hướng về sự nghiệp tương đối sớm, thì cũng có một số nhược điểm. “Họ dễ nôn nóng, tham vọng nên muốn đi nhanh, mắc lỗi nhiều và dễ vấp ngã”.

Vậy nên, trong quá trình tuyển dụng, Thảo Lê cho biết luôn phải chọn người phù hợp thay vì giỏi nhất. Cũng từng gặp phải những nhân sự khiến Thảo đau đầu nhưng chưa tới mức “ám ảnh cả đời”. Tuy nhiên, đó cũng là những kinh nghiệm khiến cô liệt kê được “blacklist” cho hành vi của nhân sự mà công ty sẽ không bao giờ thuê:

- Trễ giờ: Đúng giờ rất quan trọng. Nó thể hiện cho việc nhân sự đó có dành sự tôn trọng cho công việc, khách hàng, công ty hay không. Thói quen trễ giờ cũng sẽ dễ dẫn đến trễ deadline, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc.

- Lấp liếm: Thảo cho biết sẽ đánh giá cao nhân sự không xuất sắc nhưng trung thực, sẵn sàng thừa nhận lỗi sai của mình. Yếu tố này rất quan trọng để Thảo quyết định ai là nòng cốt. “Chính vì thế nên những nhân viên đổ thừa, lấp liếm và không rõ ràng, mình từ chối thuê và làm việc cùng.”

- Thái độ không tốt: Quan niệm của ông bà ta luôn có ích với đời sau, chẳng hạn như câu nói “thái độ hơn trình độ”. Thảo Lê cho biết, “chỉ trích sự việc chứ không chỉ trích con người” , vậy nên nếu thái độ không tốt thì không thể chấp nhận.

Ngoài những hành vi kém chuyên nghiệp nên tránh này, Thảo Lê cho biết nhân sự trẻ cũng cần trau dồi thêm một số kỹ năng để phát triển được trong môi trường công sở. Chỉ cần thái độ đúng, thì mọi việc vẫn có thể xử lý. Ví dụ như việc rèn luyện kỹ năng lắng nghe để đi xa hơn và phát triển bản thân, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng tìm kiếm thông tin,... vô cùng cần thiết.

Hãy học hỏi, phát huy khả năng của mình để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Đừng tự biến mình thành những “nhân sự ám ảnh cả đời” khiến sếp nào cũng lắc đầu không thuê!