Tháng 7/2021, Báo Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Trung Quốc đưa tin, Thẩm Chí Lê - Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Phương Bắc (Trung Quốc) bị cáo buộc "đưa ra nhiều tố cáo nặc danh sai sự thật". Các tố cáo sai sự thật này liên quan đến 2 trường đại học và 8 cán bộ lãnh đạo cấp phòng của Ban Công tác Giáo dục Thành ủy Bắc Kinh. Số lượng tố cáo sai sự thật lên tới hơn 20 lần.

Thẩm Chí Lê còn "chống đối công tác điều tra của tổ chức" và từng triệu tập một số giáo viên, sinh viên đã tốt nghiệp để tẩu tán một lượng lớn tài sản nhận hối lộ.

Cũng trong tháng 7/2021, Bắc Kinh lần đầu tiên tổ chức một hoạt động tuyên truyền, nói về các vụ án để đưa ra cảnh báo đối với các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn thành phố. Vụ án của Thẩm Chí Lê là một ví dụ trong hoạt động này.

Chân dung nữ hiệu phó 'ngũ độc' mê thẩm mỹ: Biến mình từ phụ nữ U60 thành cô gái tuổi đôi mươi- Ảnh 1.

Thẩm Chí Lê - cựu Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Phương Bắc (Trung Quốc). Ảnh: Sohu

Hội tụ đủ 'ngũ độc'

Thẩm Chí Lê sinh năm 1962 tại huyện Xương Đồ, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Thẩm bắt đầu tham gia công tác từ tháng 7/1981 và có bằng tiến sĩ tại chức.

Tháng 11/2006, Thẩm Chí Lê rời Học viện Vật tư Bắc Kinh và trở thành Phó Bí thư Đảng ủy Đại học Công nghiệp Phương Bắc.

Tháng 12/2015, Thẩm trở thành phó hiệu trưởng của trường.

Tháng 12/2017, Thẩm Chí Lê trở thành Ủy viên Thường vụ Đảng ủy kiêm Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Phương Bắc cho đến khi bị điều tra vào tháng 11/2020.

Tháng 7/2021, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Bắc Kinh thông báo rằng Thẩm Chí Lê hội tụ đủ "ngũ độc": vi phạm nghiêm trọng kỷ luật chính trị, kỷ luật tổ chức, kỷ luật liêm chính, kỷ luật lao động và kỷ luật đời sống.

Tòa án đã tuyên phạt Thẩm Chí Lê 10 năm tù giam vì tội nhận hối lộ.

Chi tiền tỷ để phẫu thuật thẩm mỹ

Một ngày sau khi Thẩm Chí Lê bị kỷ luật, bà ta đã trở thành một ví dụ về tiêu cực để thành phố Bắc Kinh tổ chức hoạt động tuyên truyền giáo dục "dùng vụ án để nhắc nhở kỷ luật, pháp luật, đạo đức, trách nhiệm". Đây cũng là lần đầu tiên một sự kiện như vậy được tổ chức ở Bắc Kinh.

Trong hoạt động này, Thẩm Chí Lê xuất hiện tại hiện trường và kể nhiều chi tiết khác nhau về việc bà ta đã can dự vào vụ án như thế nào.

Đầu tiên là tố cáo nặc danh sai sự thật. Từ năm 2006 đến năm 2020, do mâu thuẫn với người khác tại nơi làm việc, Thẩm Chí Lê đã tố cáo sai sự thật hơn 20 lần lên các đơn vị như Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Bắc Kinh, Đội Thanh tra Thành ủy Bắc Kinh, Sở Giáo dục thành phố Bắc Kinh... Những tố cáo này liên quan đến 2 trường đại học và 8 cán bộ lãnh đạo cấp cục của Ban Công tác Giáo dục Thành ủy Bắc Kinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giáo dục.

Lý Uy - Ủy viên Thường vụ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thành phố Bắc Kinh - cho biết: "Phải đến khi tổ chức tiến hành điều tra, Thẩm Chí Lê mới thừa nhận cái gọi là 'tố cáo nặc danh' là cố ý bịa đặt để trút giận cá nhân."

Về việc chống đối công tác điều tra của tổ chức, Thẩm Chí Lê từng triệu tập một số giáo viên, sinh viên đã tốt nghiệp để tẩu tán một lượng lớn tài sản nhận hối lộ.

Bà ta cũng tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, chi rất nhiều tiền cho thầy cúng đến "niệm thần chú, dán bùa" để phòng trừ tai họa.

"Nỗi ám ảnh sắc đẹp" của Thẩm Chí Lê vốn thu hút nhiều sự quan tâm trước đó cũng đã có lời giải đáp. Bà ta đã chi hàng triệu nhân dân tệ (1 triệu NDT tương đương 3,5 tỷ VNĐ) cho việc phẫu thuật thẩm mỹ, để biến mình từ một phụ nữ 60 tuổi trở thành cô gái 20 tuổi.

Thẩm Chí Lê thú nhận: "Tôi đã chà đạp lên sự nghiệp giáo dục mà tôi yêu quý. Tôi có lỗi với học sinh của mình. Tôi là tài liệu giảng dạy tiêu cực cho các em."

Chân dung nữ hiệu phó 'ngũ độc' mê thẩm mỹ: Biến mình từ phụ nữ U60 thành cô gái tuổi đôi mươi- Ảnh 3.

Thẩm Chí Lê đã chi hàng triệu nhân dân tệ (1 triệu NDT tương đương 3,5 tỷ VNĐ) cho việc phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Sohu

Giới thiệu 'cán bộ ma'

"Lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi cho người khác" cũng là một trong những sai phạm mà Thẩm Chí Lê đã vướng vào.

Thẩm Chí Lệ đã lợi dụng chức vụ phụ trách công tác nhân sự của trường Đại học Công nghiệp Phương Bắc trong nhiều năm để nhận số tiền hối lộ khổng lồ, phớt lờ các quy định tuyển dụng và quy trình làm việc, đồng thời giúp hơn 20 người có việc làm, trong đó có 16 người nhờ đó mà có được hộ khẩu Bắc Kinh, 11 người đã gia nhập Đại học Công nghiệp Phương Bắc với vai trò là giáo viên, trợ giảng hoặc nhân viên hành chính.

Dương Ngọc Hương - Phó bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Thành phố Bắc Kinh - cho biết, với sự chấp thuận ngầm của Thẩm Chí Lê, một "cán bộ ma" chưa từng làm việc tại trường Đại học Công nghiệp Phương Bắc, không có kinh nghiệm làm việc và không có hồ sơ cá nhân đã chiếm suất trong danh sách cán bộ cấp cao do Đại học Công nghiệp Phương Bắc giới thiệu, nhà trường cũng không biết gì về sự tồn tại của người này trước khi cơ quan kiểm tra giám sát kỷ luật của thành phố tiến hành điều tra.

Mậu Kình Tường - Bí thư Đảng ủy Đại học Công nghiệp Phương Bắc - cũng cho biết ,Thẩm Chí Lê đã phụ trách công tác nhân sự trong 10 năm, biến công việc này thành một "vương quốc độc lập" không thể xâm nhập.

Từ ngày 22/11/2019 đến ngày 17/1/2020, Đoàn thanh tra số 2 của Thành ủy Bắc Kinh đã tiến hành thanh tra Đảng ủy Đại học Công nghiệp Phương Bắc. Đến ngày 13/10/2020, Đinh Huy - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Phương Bắc - bị điều tra.

Ngay sau đó, Thẩm Chí Lê cũng "ngã ngựa".