Là một trong những cao tốc có trạm thu phí bị yêu cầu dừng hoạt động khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, lẽ ra phương tiện, chủ yếu là xe chở hàng đi theo luồng xanh qua trạm thu phí cao tốc Lào Cai-Nội Bài ở phía đầu Hà Nội được miễn phí.

Tuy nhiên, để không bị thất thu đối với toàn bộ phương tiện từ hướng Lào Cai chạy về Hà Nội, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhà đầu tư là Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC đã cho “chặn” toàn bộ chiều đường chạy về Hà Nội tại đoạn qua cầu vượt Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Tại đây, để tiếp tục hành trình về Hà Nội, phương tiện được yêu cầu đi vào tỉnh lộ 310 (Vĩnh Phúc) và thực hiện thanh toán phí trạm IC3, sau đó được hướng dẫn vòng trở lại cao tốc để chạy về hướng Hà Nội.

Chặn đường, ép lái xe trên cao tốc về Hà Nội phải đi vòng trả phí - Ảnh 1.

Thu phí tiền mặt xe qua trạm thu phí Vực Vòng (ảnh nhỏ), và biên lai mức phí trạm đã thu

Chặn đường, ép lái xe trên cao tốc về Hà Nội phải đi vòng trả phí - Ảnh 2.

Do toàn bộ xe từ cao tốc đổ vào, trạm thu phí IC3 ra tỉnh lộ 310 - Vĩnh Phúc thời gian qua luôn ùn ứ kéo dài

Trong hơn 1 tháng thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, toàn bộ xe trên cao tốc Lào Cai - Hà Nội chạy hướng về Hà Nội khi về đến cầu vượt Bình Xuyên đều được yêu cầu chạy theo hành trình trên và trả phí. Nhiều tài xế và DN vận tải cho rằng, trả phí đường bộ là việc họ phải thực hiện kể cả khi không nhận được sự chia sẻ của nhà đầu tư VEC, nhưng việc đơn vị này tự ý thay đổi hành trình của phương tiện lưu thông trên cao tốc để tận thu là vô lý.

“Việc này còn làm nhiều phương tiện chở hàng đã được cài đặt giám sát hành trình - GPS của công ty chúng tôi phát cảnh báo đỏ vì lái xe chạy sai hành trình và phát sinh chi phí nhiên liệu nằm ngoài cung đường lưu thông”, đại diện Cty Vận tải Tràng An - đơn vị đang có nhiều xe chở hàng tuyến Lào Cai - Hà Nội, phản ánh.

Đi 3 km thu 15.000 đồng

Từ Cầu Giẽ (Hà Nội) đi nút giao Vực Vòng (Hà Nam) trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài là 10 km, trong đó có 7 km nằm trên địa bàn Hà Nội, 3 km nằm trên địa phận tỉnh Hà Nam. Theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, đoạn cao tốc này thuộc diện dừng thu phí đối với đoạn đi trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua, trạm thu phí Vực Vòng vẫn thu tất cả xe qua lại hướng Cầu Giẽ - Vực Vòng và ngược lại. Mức thu như lâu nay là 15.000 đồng/lượt xe từ 9 chỗ trở xuống và 45.000 đồng/lượt xe chở hàng lớn.

Ngày 19/7, Tổng cục Đường bộ có văn bản yêu cầu tạm dừng thu phí tại tất cả các trạm thu phí quốc lộ, cao tốc trên địa bàn các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian tạm dừng thu phí từ 0h ngày 20/7 đến khi địa phương công bố ngừng giãn cách. Tại Hà Nội, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 24/7.

Nhiều lái xe và đại diện DN vận tải cho rằng, theo chỉ đạo thì đoạn trên địa bàn Hà Nội dài 7 km không thu phí, còn lại 3 km trên địa bàn Hà Nam nhưng nhà đầu tư là Tổng Cty VEC thu đến 15.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn là quá cao, vượt 5 lần giá quy định cho 1 km trên toàn tuyến (1.000 đồng/km).

Đại diện Cty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam thuộc VEC (thu phí 2 tuyến cao tốc trên) vừa cho biết, đối với cao tốc Lào Cai - Nội Bài , đơn vị đã dừng việc thu phí đối với trạm thu phí KM6 tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) theo chỉ đạo. Với các trạm còn lại, trong đó có trạm IC6 tại hướng ra tỉnh lộ 310 (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) nhà đầu tư vẫn phải thu để đảm bảo phương án tài chính. Do trạm cuối trên địa bàn Hà Nội đã dừng thu, nên để thu được phí xe từ hướng Lào Cai về, đơn vị vận hành buộc phải rào chắn ngang đường tại đoạn qua cầu vượt Bình Xuyên để xe đi ra hướng tỉnh lộ 310 và thực hiện thu phí.

Tại đoạn cao tốc Cầu Giẽ- Vực Vòng, đơn vị vận hành cũng thu phí theo phương án của Tổng Cty VEC. Theo đó xe từ hướng Hà Nội đi Ninh Bình, thay vì tính tiền theo vé cứng, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách, các trạm không phát thẻ kiểm soát đầu vào và thực hiện thu phí không thẻ.

Tổng cục Đường bộ chỉ đạo kiểm tra

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư đường cao tốc nên tuân thủ quy định của Tổng cục ĐBVN về việc tạm dừng thu phí trên quốc lộ, cao tốc tại những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Về lâu dài nhà đầu tư cũng sẽ không bị mất số tiền trên khi được cơ quan nhà nước tính toán phương án để bù vào.

Với việc nhà đầu tư chặn cao tốc, ép tài xế phải đi ra tỉnh lộ để thu phí, ông Quyền cho rằng, do công nghệ phát triển nên có nhiều cách thu phí phương tiện đối với đoạn không thực hiện giãn cách, không nhất thiết phải chặn cao tốc và nắn hành trình phương tiện. Theo ông Quyền, cao tốc Nội Bài - Lào Cai hiện là cao tốc quốc gia, do vậy chỉ Nhà nước mới thẩm quyền chặn đường, tổ chức giao thông, nhà đầu tư chỉ được quyền giám sát xe đi lại và thu phí, không được phép chặn dòng phương tiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Ngày 13/9, thông tin với PV Tiền Phong, đại diện Tổng cục ĐBVN cho biết, việc dừng và thu phí trên các tuyến cao tốc khi Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 vừa đảm bảo lợi ích doanh nghiệp, vừa tuân thủ các quy định và chỉ đạo của Chính phủ. “Với tuyến Nội Bài - Lào Cai, nhà đầu tư phải dừng thu đoạn trên địa bàn Hà Nội và có phương án thu trên các đoạn không thực hiện Chỉ thị 16. Việc này không được cản trở xe lưu thông trên cao tốc”, đại diện Tổng cục ĐBVN nói.

Với các đoạn dừng thu trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Lào Cai - Hà Nội khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16, Tổng cục ĐBVN cho biết, sau giãn cách Tổng cục sẽ cùng với các đơn vị có liên quan tính toán phương án tài chính, trong đó có việc cho nhà đầu tư thu bù bằng việc kéo dài thêm thời gian nếu cần.

Cho ý kiến về việc nhà đầu tư chặn đường cao tốc Lào Cai - Hà Nội để buộc xe đi vào tỉnh lộ để thu phí, đại diện lãnh đạo Tổng cục ĐBVN cho rằng, Tổng cục sẽ chỉ đạo kiểm tra, làm rõ.