“Nói không yêu nữa là không đúng, nếu hỏi tôi muốn ăn đời ở kiếp với ai thì câu trả lời là chỉ có Tường. Nhưng giờ, tôi không thấy hứng thú hẹn hò với anh, và cứ nghĩ đến tương lai là mệt mỏi, chán ngán”, Linh, 29 tuổi, tâm sự.

Sốt ruột vì tuổi tác

Quê ở Thái Bình, Linh lên Hà Nội học và yêu Tường, một chàng trai Thủ đô hơn cô bốn tuổi. Gia đình Tường kịch liệt phản đối vì Linh có anh trai đi tù, bản thân cô lại vụng về nữ công.

Dù bị bố mẹ dọa dẫm, mắng nhiếc nặng nề nhưng Tường vẫn không thể bỏ Linh vì quá yêu. Linh cũng vậy, đã mấy lần đòi chia tay vì sự xúc phạm từ gia đình Tường, nhưng không thể làm nổi. Họ cứ “thi gan” với bố mẹ Tường, chờ đến lúc ông bà vì sốt ruột muốn con cưới vợ mà phải chấp nhận. Nhưng đến nay sau 8 năm, ngày ấy vẫn chưa đến. “Thằng Tường là đàn ông, vội gì. Cái Linh cứ cố mãi thì sẽ lỡ thì thôi”, mẹ anh nói vậy.
 
Cách đây vài năm, Linh đề nghị đăng ký kết hôn, nhưng Tường gạt đi vì không thích giấu diếm, mà nếu nói ra thì bố mẹ sẽ từ anh. Tuổi xuân dần qua, Linh cũng mất dần sự bình thản. “Tường muốn chờ bố mẹ chấp nhận, mà với sự cương quyết của ông bà thì chả biết có ngày đó không”. Sự bấp bênh khiến Linh ngày càng căng thẳng. Cô đâm ra nghi ngờ người yêu, hay tra xét, hoạnh họe. Cãi vã nổ ra thường xuyên và sau đấy là những lời than thân tủi phận làm Tường phát ngấy. Linh biết thế lại càng stress. Cô hoang mang không hiểu Tường vẫn yêu mình hay chỉ còn trách nhiệm và thói quen. Do mệt mỏi và oán trách, những lời âu yếm, những cử chỉ chăm sóc của cô giảm dần. Ngay cả chuyện chăn gối vốn là một trong những niềm đam mê gắn kết họ giờ cũng không còn mấy hứng thú.

Phương và Toàn (TP HCM) tuy không bị cấm đoán nhưng vẫn chưa thành vợ thành chồng bởi Toàn đi học triền miên. Xong ĐH, cả hai đều có công việc tốt, nhưng sau ba năm đi làm, Toàn muốn học cao học ở nước ngoài. Anh sẵn sàng làm đám cưới trước, nhưng Phương không muốn. Cả gia đình và các bạn thân của cô cũng khuyên đừng giữ chân anh bằng cách này, vì khi Toàn học xong, Phương cũng mới hơn 27 tuổi. “Tôi nghĩ nếu cứ cố cưới rồi sau này tình cảm không được như trước thì càng dở dang, nên đồng ý chờ anh”, Phương tâm sự.

Nhưng sau khóa học, Toàn muốn làm việc ở nước ngoài một thời gian rồi tiếp tục học lấy bằng tiến sĩ. Bắt đầu sốt ruột, Phương đề nghị anh về cưới, sinh một đứa con rồi đi đâu thì đi, nhưng đến lượt anh không muốn, bởi không yên tâm để mặc vợ con ở nhà. Phương cũng biết việc “cưới cho chắc” là không hay, nhưng cô không còn yên tâm khi chờ đợi nữa.

“Tuy vẫn tin anh ấy thật lòng yêu và nghiêm túc với mình, nhưng tôi biết chắc bao nhiêu năm ở nước ngoài một mình, anh ấy không thể không quan hệ với các cô gái khác”, cô tâm sự. Ngay cả cô cũng không ít lần phải vật vã, khổ sở mới giữ được sự chung thủy với anh, bởi thấy thèm một mái ấm, thèm được đón đưa, âu yếm, chăm sóc. Sự lo lắng, hoài nghi, nỗi cô đơn, thiếu thốn tình cảm khiến Phương nhiều khi chán nản. Có khi cả tháng cô không mail cho Toàn và nhiều ít lần nghĩ đến chuyện lấy quách một “cây si” để chấm dứt cảnh lạnh lẽo, hoang mang.

Cần biết tạo niềm tin cho nhau

Theo chuyên gia tâm lý Hà Vân, Đường dây tư vấn 1900585877, tâm trạng của Linh và Phương khá phổ biến ở những phụ nữ yêu lâu mà chưa cưới. Phụ nữ tuổi trưởng thành thường hướng đến xây dựng gia đình, nhất là khi đã có tình yêu chín chắn. Việc kéo dài thời gian yêu đương trong khi ngày kết hôn vẫn xa tít tắp hoặc vô định sẽ gây bất an, lâu dần có thể ảnh hưởng đến tình cảm.

Nhiều chị tâm sự, yêu nhau 7 – 8 năm,  tình cảm giảm đi sự sôi nổi, dần dần sẽ có nét nhàm chán, nếu cộng thêm ý nghĩ không biết tương lai ra sao, có lấy được nhau không thì càng dễ nản.  Họ muốn cưới bởi đối với họ, đây không chỉ là sự cam kết của tình yêu mà còn là một điều mới mẻ, mở ra một cuộc sống khác. Và nếu bạn trai lần lữa, tâm lý hoang mang, nghi ngờ dễ xuất hiện.

Vì vậy, chuyên gia Hà Vân khuyên, các đôi yêu nhau nên cố gắng khắc phục hoàn cảnh để đừng cưới quá muộn. Nếu chưa thể thực hiện thì người đàn ông nên tìm cách tạo niềm tin cho bạn gái, như duy trì sự quan tâm và những điều lãng mạn. Nếu gia đình không phản đối, có thể chạm ngõ hay ăn hỏi trước, tạo sự đi lại thân thiết giữa hai nhà. Trong một số trường hợp (như gia đình phản đối, hay chưa có chỗ ở, tiền bạc eo hẹp), có thể đăng ký kết hôn trước khi đủ điều kiện tổ chức đám cưới. Về phía người phụ nữ, nên tin tưởng bạn trai mình.  

Tuy nhiên, niềm tin không phải lúc nào cũng đem lại kết thúc có hậu. Có những cô gái yêu và chờ đợi nhiều năm, khi tuổi trẻ trôi qua mới biết người đó không bao giờ lấy mình, như trường hợp của Thu Loan, Thanh Xuân, Hà Nội. Một thời gian sau khi yêu chàng sinh viên nghèo tên Thành, cô đồng ý thuê nhà ở chung. Ra trường một năm, gia đình Loan gợi ý chuyện cưới xin, nhưng Thành xin lùi lại vì cả hai còn trẻ, công việc chưa thực sự ổn.

Sau đó, Thành tiếp tục khất lần khất lữa, khi thì bảo còn nghèo, chưa thể lo cho Loan cuộc sống xứng đáng, lúc thì nói cần nuôi các em trưởng thành rồi mới lo chuyện riêng. Đến khi các em thành gia thất cả, bản thân Thành cũng khá thành đạt, Loan giục, anh bảo giám đốc sắp chuyển đi, anh cần tập trung chiến đấu để giành ghế này, khi giành được rồi thì bảo cần thời gian cho vị trí vững vàng… Cách đây một năm, Thành bỏ Loan để cưới một đồng nghiệp giàu có chỉ với lời xin lỗi và lý do "lãng xẹt": “Anh lỡ làm người ta có bầu nên phải có trách nhiệm”. Đến lúc này, Loan mới chịu tin điều mà nhiều người đã nói với cô, rằng Thành chưa bao giờ có ý định lấy cô làm vợ, mà chỉ muốn tận dụng sự chăm sóc, tiền bạc và cả thể xác cô.

Loan hối tiếc: “Lần nào đưa ra lý do hoãn cưới, anh ta đều bảo em hãy tin anh, và tôi tin. Nếu như thấy anh ta lần lữa chuyện cưới xin như vậy, tôi đủ tỉnh táo để xác định tình cảm của anh ta dành cho mình thì đã không lỡ làng”.
 
Theo Đất Việt