Hẳn bố mẹ nào cũng biết rằng, phương pháp dạy con "thương cho roi cho vọt" đã chẳng còn hiệu quả nếu như không muốn nói là phản tác dụng. Đánh khi con hư, mắng khi con sai không khiến đứa trẻ ngoan lên, biện pháp này chỉ giúp bố mẹ giải tỏa cảm xúc tức giận nhất thời của mình. Thay vì sử dụng đòn roi, bố mẹ hãy áp dụng những biện pháp phạt con khoa học dưới đây đảm bảo trẻ sẽ răm rắp nghe lời.
Khi trẻ ném phá đồ vật
Trẻ con thường có một đặc tính đó là khi không thích, sẽ giận dỗi mà ném phá đồ đạc, nhất là đồ chơi. Dù bố mẹ có nghiêm mặt lại nhắc nhở hay dọa đánh, bé cũng sẽ không nghe lời nhất là trong lúc cảm xúc của bé không tốt. Trong trường hợp này, tốt hơn cả là cứ để bé giải tỏa cảm xúc của mình, sau đó sẽ nói chuyện nhẹ nhàng, và hình phạt là cấm bé sờ vào đồ vật đó 1 ngày, 1 tuần hay thậm chí cả tháng, tùy mức độ. Việc phạt này sẽ giúp bé hiểu được việc phải kiềm chế cảm xúc, giữ gìn đồ chơi hay đồ dùng của mình.
Khi trẻ kén ăn
Với trẻ kén ăn, việc càng o ép, dỗ dành trẻ cũng chẳng tác dụng. Thay vì thế, bố mẹ có thể nhẹ nhàng cho trẻ lựa chọn hoặc không cần ăn nhiều, chỉ cần thử mỗi thứ một miếng hoặc là trẻ phải nhịn đói hoàn toàn. Nếu trẻ chọn việc nhịn đói, đương nhiên sẽ không cho trẻ ăn thêm bất kỳ loại đồ ăn vặt bánh kẹo, hoa quả nào. Hãy để trẻ phải trải qua cảm giác đói, khi đó trẻ mới biết giá trị của đồ ăn và có lựa chọn thông minh hơn ở lần sau.
Khi trẻ mải xem TV, điện thoại
Thường khi bé mải mê xem TV, điện thoại sẽ chẳng còn hay trời trăng gì, quên luôn cả những nhiệm vụ được giao ví dụ như làm bài tập về nhà, thu dọn đồ chơi… Khi đó, hình phạt tốt nhất đó là hãy "tước" đi một quyền của trẻ. Có thể giới hạn thời gian xem TV, không được sử dụng điện thoại 1 tuần… Phải để trẻ hiểu rằng, trong cuộc sống quyền lợi luôn song hành cùng nghĩa vụ. Khi bé không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì cũng sẽ không được phép làm những điều mình thích.
Thái độ không đúng mực với mọi người
Nếu như trẻ đánh, cãi nhau với bạn bè người lớn chưa biết đúng sai nhưng thường vì tự trọng của mình mà bắt con xin lỗi bạn, hoặc những phụ huynh bênh con chằm chặp sẽ lớn tiếng mắng đứa trẻ kia. Cả hai cách này đều không mang lại hiệu quả tích cực với sự phát triển của con. Ép con xin lỗi sẽ khiến con không phục, bực bội thêm nhất là khi sự việc vừa xảy ra, cảm xúc chưa lắng xuống. Ép bạn xin lỗi con sẽ khiến con tự đắc, coi trời bằng vung và tiếp tục có những hành động thô lỗ như vậy. Trường hợp này hãy để trẻ một mình. Yêu cầu con tự suy nghĩ về việc làm của mình trong khoảng 20 – 30 phút cho bình tĩnh rồi trở ra và nói rõ sự việc xem ai đúng, ai sai. Cách này sẽ khiến trẻ bình tĩnh hơn trong mọi tình huống và nhìn nhận khách quan sự việc.