Theo nghiên cứu mới nhất từ Viện Nghiên cứu giấc ngủ trẻ em The Cologne Children's Sleep Study (Mỹ), có tới 30-40% trẻ nhỏ gặp các vấn đề về giấc ngủ. Chính vì con khó ngủ, ngủ không sâu giấc hay trẻ không chịu ngủ riêng đã khiến nhiều ông bố bà mẹ lo lắng, phiền muộn. Việc rèn luyện cho bé thói quen ngủ lành mạnh ngay từ nhỏ trở thành mong muốn cấp thiết của hầu hết các gia đình.
Các chuyên gia giấc ngủ đã tổng hợp và đưa ra 7 bước chỉ dẫn cụ thể dưới đây để các bậc cha mẹ có thể thực hiện và đưa con vào quỹ đạo ngủ nghỉ tốt cho sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ.
1. Tạo thói quen đi ngủ
Mẹ cần tạo ra các tín hiệu giúp con nhận biết sắp đến giờ đi ngủ. Một số tín hiệu báo trước như tắm nước ấm vào một khung giờ cố định, hát ru bằng giai điệu nhẹ nhàng, thay quần áo ngủ. Dần dần những hoạt động này sẽ trở thành thói quen của bé trước mỗi giờ chuẩn bị đi ngủ. Nhưng mẹ nhớ rằng không nên cho bé hoạt động mạnh, chơi đùa trước giờ đi ngủ 1 tiếng. Tránh gây tiếng ồn lớn, cảm giác mạnh gây bất ngờ cho trẻ, tránh cho trẻ tiếp xúc các thiết bị điện tử hoặc các yếu tố có thể khiến trẻ mất ngủ khác.
2. Tiếp xúc da kề da
Theo nghiên cứu về giấc ngủ của trẻ nhỏ, sự tiếp xúc da kề da là vô cùng quan trọng đối với các bé, nó có tác dụng giúp con bình tĩnh, yên tâm và ngủ ngon hơn. Mặt khác, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ bị hạn chế hoặc không được tiếp xúc kề da với bố mẹ sẽ tạo ra nhiều hormone cortisol – một loại hormone gây căng thẳng. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề gây ảnh hưởng không tốt tới giấc ngủ của trẻ, chẳng hạn như trẻ dễ cáu kỉnh, giật mình và không thể tự ngủ một mình. Cách giải quyết là mẹ chỉ cần ôm ấp, vuốt ve, hôn con để bày tỏ tình yêu thương, chắc chắn con sẽ có một giấc ngủ ngon và sâu giấc hơn, con không còn giật mình và tỉnh giấc nhiều lần trong đêm.
3. Sử dụng ánh sáng mờ
Nhiều mẹ bật đèn sáng cho con ngủ, nhưng đây là điều không hề tốt. Bởi khi sử dụng ánh sáng mạnh, bộ não trẻ sẽ nhận lệnh và chỉ thị toàn bộ cơ thể 'hãy tỉnh táo' thay vì thư giãn để chìm vào giấc ngủ. Các nhà khoa học đã chỉ ra những loại ánh sáng nhân tạo nào cha mẹ nên tránh bật trong phòng ngủ của con về đêm. Bước sóng màu xanh trong ánh sáng trắng gây khó chịu nhất cho giấc ngủ, vì nó ức chế sự giải phóng melatonin làm trẻ thư giãn và khiến trẻ buồn ngủ. Đơn giản là mẹ bật đèn với ánh sáng nhẹ và mờ, gần gũi với không gian buổi đêm và sự tĩnh lặng để con có thể dễ ngủ mà không quá sợ hãi.
4. Giảm dần sự hiện diện của mẹ
Phương pháp này gợi ý cho mẹ ngồi trên ghế hoặc ngủ trên giường bên cạnh giường của con. Và mỗi ngày qua đi, mẹ di chuyển vị trí ngồi hoặc nằm của mình xa dần giường, cũi của con để làm giảm dần sự hiện diện của mẹ, cũng là giảm dần sự phụ thuộc của trẻ vào mẹ. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của phương pháp này đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Đối với trẻ sơ sinh, mẹ ngồi gần cho đến khi bé ngủ. Trong khoảng 3 tuần, mẹ dần dần tránh ra khỏi phòng ngủ của con để con tự lập trong giấc ngủ của mình.
5. Để con khóc nhưng có kiểm soát
Mục tiêu của phương pháp này là giúp trẻ học cách ngủ một cách độc lập và tự bình tĩnh. Ban đầu khi con khóc, mẹ đến kiểm tra và trấn an bé để bé cảm thấy yên tâm và bình tĩnh trở lại. Nhưng dần dần mẹ kéo dài thời gian đến trấn an bé để trẻ tự xoa dịu và bình tĩnh, thời gian kéo dài hơn có thể trong một khoảng thời gian bắt đầu với 3 phút và tăng dần.
Một kỹ thuật khác nhằm mục đích giúp các bé sơ sinh học cách tự trấn an mà không cảm thấy bị bỏ rơi đó là tiếp cận bé thật nhẹ nhàng, nhưng phải kiên nhẫn. Khi bé khóc, mẹ bế bé lên cho đến khi bé bình tĩnh và buồn ngủ, sau đó đặt bé xuống khi bé vẫn còn thức nhưng đã buồn ngủ. Mẹ nên lặp đi lặp lại quá trình này cho đến khi bé ngủ hẳn, vì vậy đòi hỏi sự kiên nhẫn từ mẹ để bé có thể làm quen và tự ngủ.
6. Dịch chuyển giờ ngủ
Dịch chuyển giờ ngủ hữu ích cho cả trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Mẹ tạm thời chuyển giờ đi ngủ của bé muộn hơn khoảng 30 phút cho đến 1 tiếng. Khi con đã quen nếp, sau đó bố mẹ dần dần điều chỉnh giờ đi ngủ sớm dần lên để trẻ tập thích nghi và không quá bất ngờ mỗi khi thay đổi giờ giấc. Trẻ sẽ tự giác và tự ngủ tốt hơn.
7. Tái hiện giấc mơ
Các nghiên cứu chỉ ra có ít nhất 80,5% trẻ em gặp ác mộng trong khi ngủ và dễ dàng bị thức dậy vào giữa đêm với cảm giác sợ hãi. Cha mẹ có thể giúp trẻ đối phó bằng cách trấn an con rằng con đang rất an toàn và hãy thử tưởng tượng lại giấc mơ nhưng với một kết thúc khác vui vẻ, dễ chịu hơn. Các nhà khoa học cũng đề nghị cha mẹ cho trẻ đọc và tham gia vào các hoạt động đọc sách để giúp trẻ nâng cao bản lĩnh đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình.