"Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" - đây là câu nói cửa miệng được rất nhiều người sử dụng để miêu tả độ phong phú, linh hoạt của ngữ pháp, từ vựng Tiếng Việt. Cộng đồng mạng vẫn đùa rằng, ngay đến người Việt chính gốc 100% nhiều khi cũng... ngơ ra vì những pha biến hóa đầy ảo diệu của tiếng mẹ đẻ.

Chẳng hạn với 5 từ "nó, bảo, sao, không, đến", chúng ta có thể biến tấu được tới 23 câu có nghĩa!

 - Ảnh 1.

Các câu có nghĩa được sắp xếp 5 từ "nó, bảo, sao, không, đến".

Sự linh hoạt của Tiếng Việt từng khiến nhiều người nước ngoài méo mặt, nhăn nhó khi học. Nhưng một khi đã quyết tâm theo đuổi, họ dần nhận ra sự thú vị và chuyển sang say mê thứ ngôn ngữ của mảnh đất hình chữ S. Câu chuyện của Etienne Mahler - du học sinh người Đức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN chính là minh chứng.

Etienne có tên Tiếng Việt là Minh, năm nay 34 tuổi, sinh ra ở thành phố Hemmoor (Đức). Sau khi tốt nghiệp xuất sắc trung học, Etienne nhận học bổng từ Đại học Göttingen (Georg-August-Universität Göttingen) và Quỹ học bổng hàn lâm Đức (Studienstiftung des deutschen Volkes). Sau đó anh đăng ký học ngành Nhân học và Tiếng Trung. Nhờ vậy mà anh chàng biết nói cả tiếng Trung, bên cạnh Tiếng AnhTiếng Đức

Chàng Tây sang Hà Nội du học: Được 10 điểm luận văn của ĐHQG, nói sõi nhưng giả vờ không biết tiếng Việt để trêu mọi người - Ảnh 2.

Etienne Mahler - du học sinh người Đức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN.

Năm 2014, Etienne sang Việt Nam theo chương trình trao đổi sinh viên 6 tháng giữa Đại học Göttingen và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Bị thu hút bởi văn hóa, con người của đất nước hình chữ S nên chàng trai Đức đã quyết tâm ở lại Việt Nam học tập, và gắn bó đến nay được 7 năm. 

Cách đây không lâu, Etienne gây xôn xao dư luận khi làm khóa luận dài hơn 700 trang bằng Tiếng Việt và giành điểm 10 tuyệt đối từ Hội đồng bảo vệ trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN. Được biết trong khóa luận, Etienne viết về chủ đề khá táo bạo: "Giáo dục kỹ thuật tại Trường Đại học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (USSH-VNU): Hiện trạng, kỳ vọng và định hướng phát triển". 

Mục tiêu chính của nghiên cứu là phân tích và đánh giá sự phát triển, thực trạng của giáo dục kỹ thuật số trong việc giảng dạy và học tập tại USSH, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 còn đang có nhiều diễn biến phức tạp sinh viên phải học trực tuyến nhiều. 

Chàng Tây sang Hà Nội du học: Được 10 điểm luận văn của ĐHQG, nói sõi nhưng giả vờ không biết tiếng Việt để trêu mọi người - Ảnh 3.

Etienne Mahler nhận giấy khen giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2017- 2018 của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn.

Được biết, khóa luận của Etienne gồm hơn 125 trang nội dung và 600 trang phụ lục bằng Tiếng Việt. Với sinh viên Việt Nam, điều này đã khó, chứ chưa kể là sinh viên nước ngoài như Etienne. Điều này càng cho thấy chàng trai người Đức yêu mến và rất am hiểu văn hóa Việt Nam.

Trong buổi trò chuyện ngắn với Etienne, chàng Tây đã có những chia sẻ rất thú vị về sự khác biệt giữa văn hóa Đức, văn hóa Việt và những câu chuyện hài hước khi khăn gói sang một xứ sở mới để học tiếng...


- Trước khi đến Việt Nam, Etienne đã biết nhiều về văn hóa, con người ở đây chưa?

Thật ra mình chưa biết nhiều lắm. Mình chỉ có một chút hiểu biết về hệ thống chính trị, văn hóa,... Lúc mới đến Việt Nam mình cũng bỡ ngỡ nhiều. Hầu hết mọi thứ đều khác ở Đức, từ món ăn, cách nói chuyện, văn hóa chung, giao thông, hệ thống giáo dục, rồi nhà ở,... Nhưng sau đó mình quen dần và đa số thứ là thích. 

- Điều gì khiến Etienne cảm thấy khác biệt nhất so với ở Đức?

Thứ khiến mình cảm thấy không quen nhất có lẽ là về không gian riêng tư, sự kín đáo. Ở Việt Nam, mình lúc nào cũng "không một mình" – luôn có người khác xung quanh. Lúc đầu, mình ở KTX của trường vì chưa thuê được nhà ở. Dù các phòng trong KTX dành du học sinh chỉ có 2 người thôi nhưng mình vẫn không quen lắm. 

Ở Đức, sự kín đáo là thứ rất quan trọng và thường thì phòng của mình là phòng riêng, không chia sẻ với ai. Tuy nhiên, sau mấy năm ở Việt Nam thì mình cũng làm quen với điều này rồi. Thật ra sau vài tuần ở KTX, mình đã chuyển sang ở nhà riêng, với một số bạn bè người Việt. Bởi ở KTX sẽ giới hạn giờ giấc, mà mình đôi lúc cũng muốn đi chơi muộn với bạn bè chút.

Chàng Tây sang Hà Nội du học: Được 10 điểm luận văn của ĐHQG, nói sõi nhưng giả vờ không biết Tiếng Việt để trêu mọi người - Ảnh 5.

- Vậy việc học Tiếng Việt của Etienne thời gian đầu ra sao?

Khó nhất là 2 việc nghe và nói. Vì Tiếng Việt có dấu mà Tiếng Đức, Tiếng Anh thì không. Việc làm quen với 6 dấu khác nhau hơi khó, đặc biệt khi nói và nghe. Mình đã mất một năm để làm quen với dấu. 

Để ôn luyện, mình đã học thêm các giáo viên của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt. Ngoài ra, khi chơi game, xem phim, đọc sách Tiếng Việt cũng giúp ích rất nhiều cho việc học. Đó là học tập nhờ vào sở thích cá nhân. Quan trọng là mình làm quen với bạn bè Việt Nam để luyện tập nói chuyện. 

- Etienne gặp sự cố nào khi học tiếng Việt chưa?

Ôi tất nhiên rồi! Có rất nhiều từ nghe hơi giống với người nước ngoài. Chẳng hạn từ "cụ" khi bỏ dấu lại thành một nghĩa khác, rồi đồng nghĩa với một từ khác (bật cười). Hồi đầu mình chưa phân biệt được dấu nên bị nhầm. Thỉnh thoảng, mình cũng bị bạn bè người Việt trêu, dạy cho một số tiếng lóng. Lúc biết được cũng buồn cười lắm. Thực ra thì những tiếng lóng như vậy thì ngôn ngữ nào cũng có thôi. 

- Etienne tự nhận xét về khả năng tiếng Việt của mình hiện tại ra sao?

Nói chung mình có thể giao tiếp được trong bất kỳ tình huống nào. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lúc mình phải loay hoay tìm một từ phù hợp để diễn tả ý hoặc lâu lâu quên mất một số từ. Thật sự thì tiếng Việt của mình chưa hoàn hảo nhưng có thể sống và giao tiếp được thoải mái. 

Nhiều khi, mình cũng hay giả vờ không biết tiếng Việt để trêu đùa mọi người một chút, khiến mọi người bất ngờ ấy (bật cười). Chẳng hạn khi đi vào cửa hàng Circle K, nhân viên ở đó thường nói Tiếng Anh với mình, vì thấy mình là người nước ngoài. Tuy nhiên Tiếng Anh của một số bạn nhân viên chưa tốt lắm nên cũng bị căng thẳng. Thế là mình nói tiếng Việt luôn "Ý bạn là 100 nghìn đúng không?".

Thế là các bạn nhân viên ở Circle K sẽ kiểu "mắt chữ A mồm chữ O": "Uây! anh Tây biết nói tiếng Việt". 

- Etienne có biết về kho tàng ca dao, tục ngữ của Việt Nam không?

Mình biết một chút. Thời gian trước mình cần dịch một số câu tục ngữ sang Tiếng Anh, vì đang dịch một đề tài khoa học của cô giáo. Có câu "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ", mình loay hoay chưa dịch được vì khó. Mình xem qua một số đề thi Tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài ở các quốc gia khác, thấy nhiều câu ca dao tục ngữ khó. May mắn mình chưa thi đề đó (bật cười).

Chàng Tây sang Hà Nội du học: Được 10 điểm luận văn của ĐHQG, nói sõi nhưng giả vờ không biết tiếng Việt để trêu mọi người - Ảnh 6.

Đề thi tiếng Việt với nhiều câu ca dao, tục ngữ khiến Etienne nhăn mặt vì khó.

- Sắp tới Etienne có dự định gì?

Mình dự định học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Việt Nam. Nói chung đây là điều quan trọng nhất. Lên Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ là bàn đạp để mình phát triển bản thân, có thể xây dựng một cuộc sống tốt ở đây, tốt nhất là đến hết đời.

Cảm ơn Etienne vì cuộc trò chuyện!