Theo báo cáo trên tạp chí Annals of Internal Medicine, một thanh niên 17 tuổi, sống tại Bristol, Anh quốc, đã thường xuyên ăn chế độ ăn bao gồm khoai tây chiên, bánh mì trắng và thịt chế biến trong suốt khoảng một thập kỉ. Chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng này đã khiến chàng trai bị thiếu hụt vitamin nghiêm trọng, kết quả dẫn đến tình trạng gọi là teo dây thần kinh thị giác. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em suy dinh dưỡng với biểu hiện là tổn thương dây thần kinh thị giác dẫn đến mất thị lực. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù lòa.
Năm 14 tuổi, vì thường xuyên thấy mệt mỏi nên cậu bé được đưa đến gặp bác sĩ. Bác sĩ cũng nhận định cậu đã ăn uống "quá khắt khe" nhưng vì vẫn khỏe mạnh nên không cần thuốc uống. Năm 15 tuổi, thính giác của cậu bé bắt đầu suy giảm, sau đó là thị lực. Mặc dù đã chụp MRI nhưng không có tổn thương cấu trúc nào ở tai được phát hiện.
Hai năm sau, thị giác của cậu giảm dần, chỉ còn đo được 20/200 và kết quả là cậu bị mù. Lúc này, việc tiêm vitamin B12 cũng không có tác dụng. Không những thế, bác sĩ còn kết luận anh ta bị yếu xương do mật độ khoáng trong xương kém vì thiếu vitamin D.
Theo chia sẻ của bệnh nhân thì ngay từ hồi học tiểu học, cậu đã mắc chứng rối loạn ăn uống hiếm gặp khiến việc ăn uống bị hạn chế - ARFID). Hội chứng này khiến cậu trở nên nhạy cảm với hương vị, kết cấu, mùi vị của một số thực phẩm. Thậm chí, trước đây cậu còn nói với bác sĩ rằng mình không thích kết cấu của các loại trái cây.
Bác sĩ Denize Atan, thuộc Đại học Bệnh viện Bristol NHS Foundation Trust, người đồng tác giả báo cáo được công bố trên Annals of Internal Medicine, và điều trị cho bệnh nhân, cho biết, ở đây có sự thiếu nhận thức của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và công chúng về mối liên hệ giữa chế độ ăn uống kém và tình trạng mất thị lực.
Chia sẻ với tờ Daily Telegraph, bác sĩ Atan nói: Có một vài điều khác thường xảy ra với trường hợp này, đó là sự kén ăn cực độ diễn ra quá lâu và hậu quả là dẫn đến tình trạng mất thị giác vĩnh viễn. Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất mà tôi từng thấy về mù lòa do ăn đồ ăn vặt.
Nói về trường hợp của bệnh nhân 17 tuổi, bác sĩ Atan cho biết, mặc dù tầm nhìn của cậu rất ổn định nhưng thị giác trung tâm đã bị hủy hoại và cậu được chẩn đoán bị teo dây thần kinh thị giác (NON). Thiếu vitamin B và đồng có thể góp phần dẫn đến tình trạng này. Sự thiếu hụt vitamin B1, B2, B3, B6, B9, B12, cùng với sắt, canxi, magiê và đồng đều được biết là gây ra NON. Trong khi đó, yếu xương có thể là do cậu không ăn cá, phô mai và trứng - có chứa vitamin D.
Bác sĩ Atan nói thêm: "Các bác sĩ và gia đình cần lưu ý rằng việc có chế độ ăn uống và ăn uống kém chất lượng cả ngày không chỉ ảnh hưởng đến trái tim của bạn và dẫn đến béo phì. Nó cũng có thể làm hỏng tầm nhìn".
Mẹ chàng trai cho biết, với tình trạng sức khỏe như vậy, cậu đã suy sụp đến mức bỏ học đại học và bà phải từ bỏ công việc để chăm sóc con.
Mối liên kết giữa việc ăn uống kém dinh dưỡng và mất thị lực đã được biết đến từ khá lâu nhưng nhiều chuyên gia y tế không chú ý lắm. Các nhà khoa học trước đây đã đưa ra quan ngại rằng phần lớn chế độ ăn kiêng của Anh ngày càng được tạo thành từ thực phẩm chế biến kém chất lượng. Một nghiên cứu ở 19 quốc gia châu Âu của Đại học Sao Paulo năm ngoái cho thấy các gia đình ở Anh mua nhiều thực phẩm chế biến cực hơn bất kỳ nước nào khác ở châu Âu, chiếm tới 50,7% khẩu phần ăn.
Các dây thần kinh thị giác được tạo thành từ hàng triệu sợi và chịu trách nhiệm chuyển thông tin thị giác từ võng mạc đến não.
Khi các sợi bị tổn thương do thiếu vitamin, dây thần kinh thị giác mất khả năng chuyển thông điệp đến não.
Bệnh teo dây thần kinh thị giác là một tình trạng diễn ra chậm, không đau mà làm giảm dần thị lực. Đôi khi nó đi kèm với rối loạn chức năng thị lực nhận biết màu và nếu không được điều trị sẽ dẫn đến mù vĩnh viễn.
Theo Telegraph