Ở tuổi 18, Tiểu Đình (Đài Loan, Trung Quốc) không dám tin mình mắc bệnh tiểu đường. Bởi vì trong suy nghĩ của anh, tiểu đường hay các bệnh rối loạn chuyển hóa khác như mỡ máu, cao huyết áp đều là "bệnh người già".

Chàng trai 18 tuổi phát hiện tiểu đường nhờ 1 thay đổi trên da không đau cũng chẳng ngứa, tưởng tắm chưa sạch - Ảnh 1.

Đi khám da liễu vì da sạm đen, chàng trai 18 tuổi phát hiện mắc tiểu đường (Ảnh minh họa)

Được biết, Tiểu Đình ban đầu đến bệnh viện để khám da liễu. Bởi vì thời gian gần đây vùng da cổ và khuỷu tay của anh có màu sạm đen rất lạ nhưng không đau cũng chẳng ngứa. Lúc đầu, anh cho rằng do mình tắm chưa sạch nên mất rất nhiều công sức kỳ cọ, thậm chí còn đổi nhiều loại sữa tắm, tẩy da chết khác nhau. Khi thấy chúng không thể làm sạch, anh cho rằng mình mắc bệnh da liễu nên tới bệnh viện kiểm tra.

Bác sĩ da liễu xem xét cổ và khuỷu tay Tiểu Đình xong liền khuyên anh đo đường huyết trước hoặc đến thẳng chuyên khoa nội tiết. Đến khi cầm giấy kết quả chẩn đoán tiểu đường tuýp 2 trong tay, Tiểu Đinh vẫn ngỡ ngàng, yêu cầu bác sĩ kiểm tra lại vì không thể chấp nhận sự thật. Ngoài ra, các xét nghiệm còn cho thấy chức năng gan suy giảm, mỡ máu và axit uric cao hơn mức bình thường dù chưa tới ngưỡng bệnh lý.

Bác sĩ cảnh báo những bất thường trên da là dấu hiệu tiểu đường

Theo bác sĩ điều trị của Tiểu Đình - Chu Kiến An (Đài Loan, Trung Quốc) làn da bị ảnh hưởng rất nhiều khi lượng đường trong máu tăng cao. Từ đó gây ra nhiều thay đổi, phổ biến nhất là 4 dấu hiệu bất thường như: sạm da, da khô và ngứa, nhiễm trùng da tái phát, chậm lành vết thương trên da hơn bình thường. Đối với trường hợp của Tiểu Đình, anh phát hiện bệnh tiểu đường tuýp 2 nhờ dấu hiệu sạm da bất thường, trong y học gọi là acanthosis nigricans .

“Sạm da, đen da do tiểu đường có những đặc điểm giúp nhận biết khá rõ ràng. Chúng không xảy ra trên toàn bộ da của cơ thể mà chỉ thường xuất hiện ở những nơi có nhiều nếp gấp trên da, thường xuyên bị ma sát. Xếp theo độ phổ biến thì có thể kể tới: cổ, nách, khuỷu tay, phần đùi trong (bẹn), các khớp ngón tay, đầu gối. Chúng không thể làm sạch bằng phương pháp thông thường, ngay cả khi bạn kỳ mạnh” - bác sĩ Chu cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh rằng bệnh tiểu đường tuýp 2 là loại tiểu đường phổ biến nhất gây vùng sạm/đen da bất thường. Bác sĩ Chu giải thích: “Lý do chủ yếu là do nồng độ insulin quá cao hoặc các bất thường về nội tiết, gây ra sự tăng sinh bất thường của tế bào sừng và nguyên bào sợi trên da, tích tụ melanin. Từ đó khiến da cục bộ trở nên thô ráp và tối màu, dày sừng.

Chàng trai 18 tuổi phát hiện tiểu đường nhờ 1 thay đổi trên da không đau cũng chẳng ngứa, tưởng tắm chưa sạch - Ảnh 2.

Những vị trí nhiều nếp gấp, ma sát nhiều trên cơ thể dễ bị sạm đen khi mắc tiểu đường (Ảnh minh họa)

Tiểu đường cũng gây như khô và ngứa do đường huyết cao làm da mất nước, dễ gây khô, bong tróc và ngứa. Người tiểu đường dễ bị nhiễm trùng da, đặc biệt là nấm và vi khuẩn. Họ cũng gặp phải tình trạng vết cắt hoặc trầy xước lâu lành hơn do tuần hoàn máu kém".

Ngoài ra, cần chú ý tới những dấu hiệu bệnh tiểu đường khác như: khát nước liên tục, đi tiểu nhiều - nhất là ban đêm, mờ mắt đột ngột, sụt cân bất thường, trong người mệt mỏi dai dẳng… Bác sĩ Chu cũng bày tỏ sự lo lắng về tốc độ trẻ hóa nhanh của bệnh tiểu đường thông qua trường hợp Tiểu Đình. Ông cho rằng nó chủ yếu xuất phát từ lối sống thiếu lành mạnh, có thể kể đến: ăn uống không lành mạnh (quá nhiều đồ ngọt, tinh bột, dầu mỡ…), không kiểm soát cân nặng, thức khuya thường xuyên, lười vận động…

Nguồn và ảnh: China News, Daily Mail