Hong Yongxiang là một bác sĩ chuyên khoa thận ở Đài Loan (Trung Quốc). Trong quá trình công tác, ông nhận ra rằng bệnh thận đang trẻ hóa rất nhanh, đặc biệt là suy thận và đã đưa ra không ít cảnh báo. Trên tài khoản mạng xã hội của mình, ông cũng chia sẻ không ít câu chuyện về những bệnh nhân trẻ bị suy thận, trong đó có trường hợp một chàng trai 20 tuổi bị suy thận giai đoạn 4. Nguyên nhân được cho là có liên quan tới 1 loại đồ uống mà cậu thường uống hàng ngày.
BS Hong Yongxiang cho biết, ngay từ khi còn học trung học, cậu học sinh này đã được kết luận có một lượng nhỏ protein niệu (hàm lượng protein trong nước tiểu). Kết quả sinh thiết cho thấy cậu bị viêm thận nhẹ. Sau khi điều trị theo phác đồ, tình trạng bệnh của cậu được kiểm soát tốt.
Tuy nhiên, khi học đại học, trong một lần khám lại, bác sĩ phát hiện ra protein niệu của cậu tăng nghiêm trọng, cơ thể bị phù nề. Sau khi kiểm tra, bác sĩ xác nhận tốc độ lọc cầu thận giảm mạnh, chàng trai bị suy thận giai đoạn 4. BS Hong Yongxiang chỉ ra rằng, nếu bệnh chuyển sang giai đoạn 5 thì có thể cậu sẽ phải lọc máu.
Tại sao chức năng thận của chàng trai này suy giảm nhanh chóng như vậy chỉ trong vài năm? Mẹ của chàng trai cho biết, trước đây, do thận của cậu không tốt nên bà kiểm soát chuyện ăn uống rất nghiêm ngặt. Cậu không được phép uống bất kỳ thức uống có đường nào. Tuy nhiên, từ khi học đại học ở nơi khác, được tự do ăn uống nên cậu thường xuyên uống đồ uống có đường, có khi còn ăn đồ ăn nhẹ. Vì thế, chỉ trong mấy năm, cậu không chỉ tăng 20kg mà còn có chỉ số axit uric cao, mắc bệnh gút, gan nhiễm mỡ nhẹ và suy thận giai đoạn 4.
BS Hong nhấn mạnh rằng đồ uống có đường và chế độ ăn nhiều dầu, muối, đường là những yếu tố đẩy nhanh quá trình suy hỏng thận. Vì vậy điều quan trọng là phải trở lại chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt là tránh đồ uống có đường. Trong kỳ nghỉ hè, dưới sự giám sát chặt chẽ của mẹ, chức năng thận của chàng trai cuối cùng đã được cải thiện, tốc độ lọc cầu thận tăng lên và vấn đề protein niệu cũng được cải thiện.
Uống đồ uống có đường làm tăng nguy cơ tổn thương thận?
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) cho thấy trẻ em hiện uống trung bình 3,6 khẩu phần đồ uống có đường mỗi tuần, tăng 22,9% so với năm 1990 và tăng mạnh hơn nhiều so với người lớn. Báo cáo nghiên cứu cũng cho thấy lượng đồ uống có đường được tiêu thụ ở trẻ lớn và thanh thiếu niên cao hơn so với trẻ nhỏ trên toàn cầu.
Bác sĩ Hong đưa ra các nghiên cứu đã chứng minh rằng tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường có thể gây hại cho sức khỏe của thận như sau:
Một nghiên cứu năm 2021 của Meta-Analysis J Nephrol cho biết suy giảm chức năng thận tỷ lệ thuận với việc uống đồ uống có đường. Cụ thể, theo nghiên cứu thì không nên uống nhiều hơn bảy cốc mỗi tuần.
Năm 2019, một nghiên cứu trên 3.003 người Mỹ gốc Phi cho thấy những người trung niên có độ tuổi trung bình là 54 thích uống đồ uống có đường không mắc các bệnh mãn tính hay bệnh thận vào thời điểm đó, nhưng sau 8 năm, khoảng 6% trong số họ bị suy thận mạn tính. Nghiên cứu cũng cho thấy đồ uống có đường là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận mãn tính, béo phì, bệnh gút và tiểu đường loại 2.
Người có thận khỏe mạnh thường có 4 biểu hiện
Những người có thận khỏe mạnh cũng sẽ có một số biểu hiện tích cực trên cơ thể, nếu có những triệu chứng này, xin chúc mừng bạn.
1. Nước tiểu trong và ít bọt
Một trong những chức năng chính của thận là chuyển hóa nước tiểu. Khi thận hoạt động bình thường, nước tiểu bài tiết phải trong và ít bọt. Nếu nước tiểu sẫm màu hơn hoặc nhiều bọt, có khả năng thận hoạt động không tốt. Tuy nhiên, một số nguyên nhân sinh lý, chẳng hạn như uống quá ít nước và mất nước trong cơ thể, cũng có thể khiến nước tiểu trở nên sẫm màu hơn.
2. Nước da hồng hào
Màu da của bạn cũng liên quan đến sức khỏe của thận vì nó có mối liên hệ với việc thúc đẩy sự bài tiết độc tố ra khỏi cơ thể. Khi thận hoạt động tốt, lượng độc tố tích tụ trong cơ thể ít hơn, lượng độc tố trên da cũng giảm. Nhờ đó, làn da sẽ hồng hào và sáng bóng.
3. Huyết áp ổn định
Thận cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa huyết áp. Huyết áp có thể cao bất thường khi chức năng thận bị suy giảm. Ngược lại, huyết áp cao cũng có thể gây tổn thương thận.
4. Tinh thần tốt
Nếu bạn cảm thấy thường xuyên mệt mỏi và kiệt sức trong cuộc sống hàng ngày, không thể giải tỏa nó sau khi nghỉ ngơi, cần cảnh giác nguyên nhân có thể là do chức năng thận bị suy giảm. Ngược lại, nếu bạn tràn đầy năng lượng cũng có thể có nghĩa là thận khỏe mạnh, chất thải và cặn bã trong cơ thể có thể được thải ra khỏi cơ thể kịp thời.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do, bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga; nước ép và đồ uống từ trái cây/rau củ; chất cô đặc dạng bột và lỏng; nước có pha chế hương liệu; nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn; đồ uống sữa có pha chế hương liệu...
WHO khuyến cáo cần giảm lượng đường tự do tiêu thụ mỗi ngày với cả người lớn và trẻ em xuống mức dưới 10% tổng năng lượng nạp vào, lý tưởng là dưới 5%, tương đương 25gram hoặc 6 muỗng cà phê để có lợi hơn cho sức khỏe.