Tiền Giang những ngày này trời nhiều nắng, cũng là lúc mùa sầu riêng vào vụ. Cứ 6 giờ sáng, có khi sương còn đọng trên mặt lá, chàng trai Nguyễn Trọng Tấn lại bắt đầu công việc cũng là niềm đam mê của mình: Đi gõ sầu.
Đã 7 năm nay, mỗi ngày bắt đầu từ sáng sớm đến khi tối mịt nhưng sự yêu nghề trong chàng trai 25 tuổi xứ Tiền Giang chưa bao giờ phai nhạt.
Nguyễn Trọng Tấn (25 tuổi) sống ở Tiền Giang, đã theo nghề gõ sầu riêng được hơn 7 năm. (Ảnh: NVCC)
Độc lạ nghề "gõ ra tiền"
Gõ sầu riêng không phải là một nghề quá lạ đối với xứ sở sầu riêng ở nước ta. Đối với nhiều người sinh ra và lớn lên gắn liền với những miệt vườn dày đặc những cây sầu riêng, có lẽ trong huyết mạch của họ đã thấm đượm ít nhiều tình yêu đối với loại quả xù xì, gai góc và có mùi hương đặc trưng này.
Tấn cũng có một tình yêu như vậy. Trên kênh TikTok có 7,6 triệu lượt thích của mình, nhìn những video Tấn nhanh thoăn thoắt gõ rồi cắt những quả sầu riêng một cách “ngọt lịm” và dễ dàng. Nhưng chẳng mấy ai hiểu được nỗi khổ dãi nắng dầm sương và học nghề mà những người theo nghề gõ sầu riêng như Tấn phải trải qua.
Tấn kể:“Em vào nghề này được khoảng 7 năm hơn rồi. Mặc dù cực nhưng em yêu thích nghề này là do không quá ràng buộc về thời gian, mình có thể chủ động được. Với lại, mức thu nhập được gọi là cao với các nghề khác. Sáng bắt đầu từ khoảng 6 hoặc 7 giờ sáng vào tới vườn, chiều 5 hoặc 6 giờ về. Khi mùa rộ thì tầm 7, 8 giờ, thậm chí đến 1 giờ sáng cũng có”.
Với mỗi giống sầu riêng được trồng trên mỗi vùng đất lại cần đến “năng khiếu” nghe tiếng gõ. Chỉ cần một cái dao sắc, Tấn trèo khắp các cây sầu riêng, dùng cán dao gõ vài tiếng vào quả rồi cắt.
Tấn hóm hỉnh chia sẻ kinh nghiệm gõ và cắt sầu riêng của mình. Nguồn: Tấn Xê Kô
Đối với người ngoài nghề, nhìn quả sầu riêng nào cũng chi chít gai, thật khó để biết quả nào đủ chín tới để cắt. Không phải cứ theo cắt sầu lâu năm thì đều nghe được tiếng sầu để cắt quả, “Muốn học nghề này thì nói chung cũng dễ nếu thực sự đam mê thì sẽ học rất nhanh còn không cố gắng thì theo 1-2 năm vẫn chưa cắt được” - Tấn tâm sự.
Có rất nhiều nghề chỉ làm theo vụ, chẳng hạn như trồng bí đao khổng lồ ở Bình Định nhưng với nghề gõ sầu, có thể đi quanh năm. Theo chia sẻ của Tấn, vài năm trở lại đây, anh đi gõ sầu quanh năm, có thời gian giao mùa nghỉ khoảng 5 đến 10 ngày là cùng.
Nghề gõ sầu riêng quanh năm, Tấn cùng các thành viên trong đội nhiều khi phải làm đến 1h sáng.
Đội cắt sầu của Tấn có 14 người và cũng không lo sợ cạnh tranh với đội cắt khác vì diện tích trồng sầu riêng ngày càng mở rộng, sầu nhiều cắt không xuể. Chỉ có chuyện thương lái cạnh tranh mua vườn, còn với những người gõ sầu riêng như Tấn và đồng đội thì chỉ cần mang một sức khỏe dẻo dai và một năng lực gõ và “nghe hiểu” những tiếng vọng của quả để đoán được quả đủ tuổi để cắt hay chưa mà thôi.
Nghề gõ sầu riêng không chỉ giúp Tấn linh động thời gian trong ngày mà còn giúp anh có một mức thu nhập đáng kể. Không phải lời đồn thổi mà thực sự thợ gõ sầu giúp nhiều người như Tấn “vượt nghèo”, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vì được mọi người yêu thích, Tấn thường xuyên cập nhật những chuyến đi gõ sầu riêng của mình lên trang TikTok cá nhân.
Thu nhập đáng mơ ước nhưng không phải ai cũng theo được
Khi xem những video Tấn đăng tải trên trang cá nhân của mình, không ít người cùng chung câu hỏi nếu cắt phải trái non liệu có phải đền tiền hay không. Tấn cho biết, tùy theo vườn, giống, chất lượng quả: “Người không có kinh nghiệm thì cắt phải chịu đền tiền. Cắt ngày không đền dao động 1-2 triệu tùy vào năng lực, còn cắt ký thì tiền nhiều hơn, có ngày 4-5 triệu là bình thường”. Tấn cũng hồ hởi chia sẻ rằng bản thân theo học và tích góp kinh nghiệm 4 đến 5 tháng đã cắt được rồi.
Đúng là thu nhập hấp dẫn và đáng mơ ước, gõ và cắt sầu riêng tốt mỗi tháng thu nhập có thể lên tới hàng trăm triệu đồng, nhưng không phải ai cũng theo được nghề.
Mặc dù đã xem qua một số video hướng dẫn phân biệt sầu riêng bị cháy múi của Tấn nhưng quả thực dù người có kinh nghiệm cũng chưa chắc nhận ra được. Tấn cũng chia sẻ thêm: “Phân biệt sầu riêng cháy múi này kia thì phải đi cắt thời gian dài và rút ra kinh nghiệm để ý mới biết chứ mà nói cho hiểu cũng khó”.
Nói sơ qua một chút về hiện tượng cháy múi của sầu riêng. Với mỗi giống sầu, hiện tượng cháy múi lại có biểu hiện khác nhau. Chẳng hạn giống sầu Monthong thường bị cơm cứng, mất màu hoặc cơm bị nhão. Giống RI6 khi cháy múi cơm sầu thường có màu nâu hoặc biến dạng. Hay như sầu riêng Sữa có cơm nhão, hiện tượng cháy vách, cơm sầu phát triển không đều còn sầu Khổ Qua thường bị nhão cơm sau những đợt mưa lớn.
Đó chỉ là một trong những vấn đề của sầu riêng, rất khó để phát hiện nếu thiếu kinh nghiệm hoặc gõ rồi mà không hiểu “thông điệp” của quả vọng lại.
Tấn chia sẻ cách xác định quả sầu riêng cháy múi. Nguồn: Tấn Xê Kô
Có thể vì thế mà lượng quả cắt non, cắt hỏng cũng nhiều, số tiền đền cũng không ít, đó cũng là lý do khiến không phải ai cũng theo được nghề.
Suốt 7 năm qua, chân tay xước xát là chuyện rất đỗi bình thường với Tấn, nhưng điều đáng nói hơn là việc theo nghề gõ sầu, cả ngày phải leo trèo, treo mình trên cây, ngay cả giữa tiết trời nắng nóng. Chưa kể việc liên tục làm việc ngoài trời lại treo mình ở trên cao như vậy rất nguy hiểm. Chính vì thế, Tấn cũng muốn gửi lời khuyên tới những ai muốn theo nghề này cần phải suy nghĩ kỹ vì tiền công cao nhưng rất cực và nguy hiểm.