Chàng trai 28 tuổi đột quỵ não do thường xuyên làm 1 việc trước khi đi ngủ
Tờ Sohu đưa tin, Cao Lâm, nam thanh niên 28 tuổi, làm việc trong ngành tài chính ngân hàng ở Trung Quốc bị đột quỵ.
Là chàng trai còn rất trẻ, sự nghiệp của Cao Lâm gần đây lại đang gặp khó khăn do tình hình kinh tế nói chung. Cứ 3 ngày, anh lại phải làm thêm giờ. Thời gian không có nhiều, thói quen sinh hoạt của anh bị đảo lộn.
Mặc dù vậy, Cao Lâm lại rất muốn rèn luyện sức khỏe, đồng thời vẫn hoàn thành công việc. Anh quyết định tập thể dục vào đêm khuya, thời điểm trước khi đi ngủ.
Vào khoảng 12 giờ đêm hôm ấy, anh tập tạ nửa tiếng như thường lệ, đột nhiên cảm thấy đau đầu. Cơn đau không dứt mà càng dữ dội hơn. Cao Lâm ngã khuỵu xuống đất, chỉ kịp gọi người nhà đến cứu.
2 giờ sau, gia đình đưa anh đến Bệnh viện Phương Đông (trực thuộc Đại học Đồng Tế, Trung Quốc). Kết quả chụp CT cho thấy, Cao Lâm bị xuất huyết dưới nhện trong não. Bác sĩ kiểm tra thêm thì thấy một khối phình động mạch nhỏ ở nhánh động mạch não giữa bên trái bị vỡ.
Câu chuyện của Cao Lâm khiến nhiều người vô cùng bất ngờ. Ở độ tuổi còn rất trẻ nhưng anh đã bị đột quỵ. Đáng nói, tình trạng đột quỵ còn đến trong lúc tập thể dục để nâng cao sức khỏe. Vì sao lại thế?
Các bác sĩ thăm khám cho anh nói rằng, tập thể dục rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc tập luyện không đúng thời điểm thì lại không tốt, thậm chí phản tác dụng. Dẫn chứng là Cao Lâm tập tạ vào thời điểm quá khuya, dẫn đến đột quỵ đáng tiếc.
Ban đêm là thời điểm cơ thể cần nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc vất vả. Việc tập luyện vào đêm khuya, trước khi đi ngủ dễ gây tăng huyết áp tạm thời, nguy cơ đột quỵ cao. Chưa kể, tập nặng ban đêm gây stress lớn, tạo áp lực lên tim mạch, gây suy giảm chức năng tim mạch, khả năng phục hồi của cơ thể, tăng nguy cơ đột quỵ.
Do đó, dù còn rất trẻ, bạn cũng không nên chủ quan với việc tập luyện vào đêm khuya.
Ngoài tập luyện vào đêm khuya, có 7 kiểu tập luyện khác cũng có nguy cơ cao đột quỵ
1. Tập luyện quá sức
Việc tập thể dục với cường độ quá cao, không có sự chuẩn bị đúng đắn hay thời gian nghỉ ngơi hợp lý, có thể gây áp lực lớn cho tim và hệ tim mạch.
2. Tập luyện không đúng cách
Những người không tuân thủ kỹ thuật đúng khi tập luyện, đặc biệt trong các bài tập nâng tạ hoặc cường độ cao, có thể làm tăng nguy cơ chấn thương và áp lực lên tim.
3. Tập thể dục không đều đặn
Những người tập luyện không theo một lịch trình đều đặn và ổn định có thể khiến cơ thể không thích nghi kịp thời, dẫn đến việc tăng gánh nặng cho tim.
4. Không khởi động hoặc làm mát cơ thể
Bỏ qua khởi động trước khi tập và làm mát cơ thể sau khi tập, có thể gây ra sự thay đổi đột ngột về huyết áp, nhịp tim. Điều này tăng áp lực cho tim, dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
5. Tập luyện trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt
Ví dụ, bạn tập luyện trong thời tiết nóng bức hoặc lạnh giá, không có sự chuẩn bị phù hợp thì có thể gây hại cho hệ tim mạch, dẫn đến đột quỵ.
6. Tập luyện với trạng thái thiếu nước hoặc dinh dưỡng không đầy đủ
Sự thiếu hụt nước và dinh dưỡng có thể gây ra mất cân đối điện giải, làm tăng nguy cơ đột quỵ.
7. Thói quen tập luyện không phù hợp với tình trạng sức khỏe
Những người có bệnh lý tiềm ẩn, như bệnh tim mạch, huyết áp cao, hoặc tiểu đường cần lựa chọn các bài tập phù hợp, tránh các bài tập có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.