Năm 2018, nhà thiết kế thời trang Bobby Kolade chuyển từ Berlin về thủ đô Kampala của Uganda với tham vọng tạo ra một thương hiệu thời trang "cây nhà lá vườn" sử dụng chính nguồn nguyên liệu cotton sẵn có của Uganda.

Thế nhưng, mọi chuyện không diễn ra như anh tưởng. Mặc dù nguyên liệu thô là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quê hương anh nhưng ngành dệt may của Uganda vẫn gặp khó khăn kể từ những năm 1970. Cả nước chỉ có 2 nhà máy dệt có thể gia công vải bông.

Chàng trai cắt ghép đồ second-hand thành thương hiệu thời trang độc đáo và sự thật về "cuộc chiến" tẩy chay quần áo cũ  - Ảnh 1.

Chiếc áo chắp vá nằm trong bộ sưu tập của nhãn hiệu Buzigahill ở Ugandan có tựa đề "Trả lại cho người gửi"

Thế rồi, một ý tưởng khác lóe lên trong đầu nhà thiết kế trẻ. Kolade chuyển sang một thứ có sẵn rất nhiều ở đất nước của mình: quần áo cũ.

Trong studio ở Kampala của anh, quần áo cũ được giặt, cắt ghép và thiết kế, biến thành những chiếc váy xếp nếp và những chiếc áo chắp vá mang thương hiệu Buzigahill. Với ý tưởng châm biếm “Trả lại cho người gửi”, những thiết kế đó sẽ được bán lại cho các quốc gia đã từng loại bỏ những đống đồ cũ.

Sự tác động của ngành thời trang nhanh

Đó là một động thái nhằm nêu bật và đòi lại thị trường cho ngành công nghiệp quần áo địa phương của quốc gia vùng Đông Phi, vốn đang phải gánh chịu làn sóng quần áo cũ và hàng dệt may nhập khẩu giá rẻ từ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc.

Nhưng những nỗ lực của Kolade nhằm xây dựng một loại hệ sinh thái thời trang mới đang diễn ra bên lề một cuộc tranh luận mang tính toàn cầu về tác động của ngành thời trang nhanh.

Cuối tháng 8/2023, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã công bố kế hoạch cấm nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng vào quốc gia Đông Phi này trong một bài phát biểu, nói rằng hoạt động thương mại này đang kìm hãm sự phát triển của ngành dệt may địa phương.

“Tôi đã tuyên chiến với quần áo cũ từ các quốc gia khác đổ về, để quảng bá quần áo truyền thống của châu Phi”, Tổng thống nói trong lễ khai trương 16 nhà máy tại một khu công nghiệp vào cuối tháng trước, theo tờ Daily Monitor của Uganda.

Mỗi năm, hàng triệu chiếc áo phông, quần jean và váy được chuyển từ các thùng quyên góp ở Mỹ và châu Âu đến Đông Phi. Đó thực sự là ngành thương mại hỗ trợ hàng chục nghìn việc làm ở cả các nước xuất khẩu và nhập khẩu, nơi thị trường đồ cũ có một "hệ sinh thái việc làm" gồm: các nhà bán lẻ, thợ dọn dẹp, thợ may, thợ tái chế và nhiều công việc liên quan khác.

Nhưng dòng hàng hóa - chủ yếu từ các nước ở Bắc bán cầu đến các nước ở Nam bán cầu - cũng gây tranh cãi trong nhiều thập kỷ. Bởi nó đe dọa sự phát triển của ngành dệt may trong nước. Philippines đã cấm nhập khẩu quần áo đã qua sử dụng từ năm 1966, trong khi nhiều quốc gia khác, từ Indonesia đến Rwanda, cũng đã có những động thái tương tự.

Chàng trai cắt ghép đồ second-hand thành thương hiệu thời trang độc đáo và sự thật về "cuộc chiến" tẩy chay quần áo cũ  - Ảnh 3.

Nhà thời trang Bobby Kolade mang lại sức sống mới cho những chiếc quần áo cũ thông qua việc chắp vá và ghép các mảnh lại với nhau.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Uganda có động thái nhằm kiểm soát hoạt động nhập khẩu quần áo cũ. Năm 2016, Cộng đồng Đông Phi - một nhóm kinh tế khu vực gồm 7 quốc gia đối tác, trong đó có Kenya, Tanzania, Rwanda và Uganda - đã đồng ý với lệnh cấm nhập khẩu quần áo second-hand vào năm 2019. Nhưng cuối cùng chỉ có Rwanda là quốc gia duy nhất thực hiện.

Ông Corti Paul Lakuma, nhà nghiên cứu và trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Ugandan think, cho biết: “Có mối lo ngại thực sự về tác động của quần áo cũ đối với lĩnh vực công nghiệp, việc làm và giá trị gia tăng trong khu vực, đặc biệt là trong ngành dệt may”.

Mối lo cho môi trường

Chất thải ngày càng tăng do hàng nhập khẩu này tạo ra cũng là một vấn đề. Sự phát triển bùng nổ của thời trang nhanh trong 20 năm qua đã tạo ra nguồn cung quần áo cũ mà các nhóm môi trường như Greenpeace cho rằng nó "đã trở nên không thể quản lý được".

Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, lượng hàng xuất khẩu hàng dệt may đã qua sử dụng từ Liên minh châu Âu đã tăng gấp 3 lần từ năm 2000 đến năm 2019, đạt gần 1,7 triệu tấn mỗi năm.

Chàng trai cắt ghép đồ second-hand thành thương hiệu thời trang độc đáo và sự thật về "cuộc chiến" tẩy chay quần áo cũ  - Ảnh 4.

Các kiện hàng quần áo đã qua sử dụng được đưa vào chợ dệt Kantamanto ở Accra, Ghana, vào tháng 9 năm 2022. Gần một nửa trong số chúng đã quá cũ nát và cuối cùng bị vứt ở bãi rác.

Gần một nửa số đó đã đến châu Phi. Đồng thời, chất lượng và giá trị của quần áo vận chuyển ra nước ngoài đã giảm sút, biến hoạt động buôn bán đồ cũ thành một hệ thống quản lý rác thải ủy nhiệm. Theo tổ chức phi lợi nhuận The Or Foundation, khoảng 40% số quần áo cũ đi qua chợ Kantamanto ở thủ đô Accra, Ghana - một trong những trung tâm bán quần áo cũ lớn nhất thế giới - không còn phù hợp để bán và cuối cùng bị đưa vào bãi rác.

Nhưng việc cấm buôn bán lại làm tăng thêm sự phức tạp của chính nó. Theo Hiệp hội các nhà buôn quần áo và giày dép đã qua sử dụng ở Uganda, có một số lượng lớn việc làm cho người lao động liên quan trực tiếp và gián tiếp đến chuỗi cung ứng quần áo cũ.

Các giao dịch thường được ký kết từ trước nên việc cấm đột ngột sẽ khiến các nhà kinh doanh mất tiền. Nhiều người tiêu dùng cũng chọn cách mua đồ cũ để được hưởng mức giá rẻ. Thậm chí, ngay cả khi không có ngành buôn bán quần áo cũ thì ngành công nghiệp thời trang Uganda vẫn sẽ phải vật lộn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.

Kolade cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Nếu việc kinh doanh quần áo cũ bị cấm để nhường chỗ cho ngành công nghiệp địa phương của chúng tôi phát triển, thì chúng tôi chỉ quan tâm liệu sợi tự nhiên trong khu vực có được dệt hay không".

Chàng trai cắt ghép đồ second-hand thành thương hiệu thời trang độc đáo và sự thật về "cuộc chiến" tẩy chay quần áo cũ  - Ảnh 5.

Một chiếc váy "phá cách" trong bộ sưu tập của Kolade.

Chưa biết lệnh cấm nhập khẩu quần áo cũ của Uganda có được thực hiện hay không nhưng theo ông Lakuma, nếu không có kế hoạch hành động cụ thể thì sẽ không có sự thay đổi nào xảy ra.

Ngay cả khi lệnh cấm được ban hành, việc thực thi nó có thể là một thách thức. Ở những quốc gia như Philippines và Indonesia, những nơi lệnh cấm đã có hiệu lực trong nhiều năm, hoạt động buôn bán quần áo cũ vẫn diễn ra như bình thường.

Tuy nhiên, động thái này là dấu hiệu mới nhất cho thấy những gì xảy ra với quần áo cũ đang trở thành một vấn đề ngày càng gây tranh cãi.

Liên minh châu Âu đã coi việc giải quyết vấn đề lãng phí trong ngành thời trang là yếu tố chính trong kế hoạch “xanh hóa” ngành dệt may trong những năm tới. Một số bang của Mỹ, bao gồm California, đang xem xét các chính sách buộc các thương hiệu thời trang nhanh phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về những gì xảy ra với quần áo khi chúng không còn được sử dụng nữa.

Nguồn: CNN Style