Chuyện tình sóng gió
Sinh ra với cơ thể lành lặn, khỏe mạnh nhưng sau trận sốt lúc một tháng tuổi, cô gái Nguyễn Thị Trúc Mai (SN 1994 - Phnôm Pênh, Campuchia) lên cơn co giật rồi bị bại liệt.
Lớn lên với chiếc xe lăn nhưng Trúc Mai vẫn nuôi dưỡng cho mình một tâm hồn vui tươi, biết yêu thương cuộc đời.
Theo lời Mai, gia đình cô gốc Việt Nam nhưng định cư ở Campuchia từ lâu, cô được sinh ra và lớn lên ở đất nước này.
‘Nếu nói tôi không bao giờ buồn hay mặc cảm về bản thân là chưa đúng nhưng tôi may mắn nhận được sự yêu thương, động viên của gia đình. Tại sao phải u sầu trong khi cuộc đời còn nhiều thứ ý nghĩa chờ mình phía trước’, giọng tự tin, Mai chia sẻ
Đi lại khó khăn, sức khỏe yếu, Mai không học lên cao mà chỉ đến trường cho biết đủ mặt chữ rồi nghỉ học, kinh doanh nhỏ ở nhà.
Cô tạo niềm vui cho mình bằng cách dành thời gian tham gia các hoạt động xã hội cùng một nhóm từ thiện ở nhà thờ. ‘Đó là cách để tôi làm cho cuộc sống trở nên có ý nghĩa. Tôi được giao lưu, kết bạn và mang nụ cười chia sẻ cho những mảnh đời bất hạnh hơn’, Mai nói.
Cũng từ những hoạt động này, năm 2013 Trúc Mai gặp được người đàn ông của đời mình. Khi ấy anh Hồ Chí Khang (SN 1996) tham gia trại hè do nhà thờ tổ chức. Ngay lần đầu gặp mặt, anh đã bị cuốn hút bởi cô gái ngồi xe lăn, sở hữu đôi mắt thông minh, nụ cười rạng rỡ.
‘Bố mẹ anh sống ở Campuchia nhưng quay về Việt Nam đã được vài năm. Yêu tôi, anh quyết tâm ở lại, thuê nhà sống để có cơ hội gần gũi tôi’, Mai bộc bạch.
Vài lần trò chuyện, cả hai quyết định trao đổi số điện thoại. Từ tình bạn, cặp đôi tiến đến tình yêu lúc nào không hay.
'Từ lúc nhận lời yêu, ngày nào chúng tôi cũng nói chuyện điện thoại đến 12 giờ đêm. Đó là khoảng thời gian rất hạnh phúc. Nhận lời yêu anh, chúng tôi phải giấu mọi người suốt 5 năm.
Cuối năm 2017, cả hai quyết tâm về sống chung một nhà, lúc đó mới quyết định công khai, đăng ảnh lên Facebook cá nhân’, Trúc Mai nhớ lại.
Đến với nhau bằng tình yêu chân thành nhưng họ phải vượt qua rào cản rất lớn từ phía gia đình Mai. Như lời Mai bộc bạch, chuyện tình của cô lâm ly không khác gì bộ phim.
Mai kể: ‘Trước, mẹ tôi nghĩ Khang là bạn bè, niềm nở, quý mến như con cháu trong nhà nhưng từ khi biết chúng tôi yêu nhau, bà thay đổi thái độ, cấm đoán, không cho anh gặp tôi.
Chúng tôi chỉ dám lén gặp nhau ở nhà thờ. Anh đến thăm tôi, bà nặng lời, đuổi đi.
Quãng thời gian khủng hoảng với mẹ, tôi bị trầm cảm. Hai mẹ con không tìm được tiếng nói chung. Bà ra tối hậu thư, tôi chọn mẹ hoặc người yêu, không khí căng thẳng tột độ. Chán nản, tôi định buông tay nhưng anh Khang động viên, nói tôi gắng đợi’.
Mưa dầm thấm lâu, chứng kiến tình cảm chân thành của chàng trai trẻ dành cho con gái mình, nửa năm sau, mẹ Mai nhượng bộ, bảo Khang mời người lớn bên nhà đến thưa chuyện.
'Mẹ bật khóc nói rằng, bà ra sức phản đối hai đứa vì lo anh Khang đùa cợt tình cảm, sợ tôi khổ’, Mai nghèn nghẹn chia sẻ.
Bố mẹ Khang nghe con thông báo, muốn kết hôn với Mai, họ không phản đối mà ra sức vun vén, ủng hộ.
Chú rể mang 50 khay lễ đến hỏi vợ
Định cư ở Campuchia nên đám cưới của cặp đôi được tổ chức theo phong tục của người bản xứ.
‘Vợ chồng tôi lên kế hoạch lâu rồi nên cũng tích cóp tiền làm đám cưới. Gia đình anh nghèo nên anh tự lực cánh sinh, chịu khó làm ăn. Ngày cưới, anh đưa 3000 USD cho bố mẹ tôi lo liệu và mang đến 50 khay sính lễ’, cô gái 9x nói.
Ngoài sính lễ, nhà trai thường đưa nhà gái khoản tiền từ 2000 - 3000 USD. Gia đình nhà trai khá giả hơn có thể đưa 5000 USD. Trúc Mai cho biết, trong đám cưới ở Campuchia, nhà trai phải mang sính lễ đến hỏi vợ. Càng nhiều khay sính lễ càng thể hiện sự giàu sang, cao quý. Do đó, có nhà mang đến 88 khay lễ vật.
Vẫn lời Trúc Mai, đặc điểm đám cưới của người Campuchia là có 3 phù dâu và 3 rể phụ kèm theo một cặp đôi nhỏ tuổi, đóng vai cô dâu, chú rể. Đặc biệt, không có nghi thức rước dâu như Việt Nam.
Sau đám cưới, chú rể thường ở lại nhà cô dâu sống. Tuy nhiên, sau hôn lễ, vợ chồng Mai thuê nhà ở riêng để tiện cho việc kinh doanh.
Sau 2 năm về chung một nhà, vợ chồng Mai chào đón thành viên nhí cách đây 3 tháng trong niềm vui vỡ òa của gia đình hai bên.