Chỉ sau 6 tháng, thương hiệu bánh mì của Soái đã nổi tiếng khắp vùng Los Angeles. Đầu bếp nổi tiếng của Mỹ, Paula Deen cũng từng tìm đến xe tải bánh mì lưu động của Soái ăn thử và tấm tắc ngợi khen.
“Run bần bật" khi được chuẩn bị bánh mì cho đầu bếp tầm cỡ thế giới.
Lớn lên ở Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk), bánh mì và cà phê là một phần đi theo suốt tuổi thơ của Soái.
Những ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ du học, tiếng Anh không thực sự giỏi, Hoàng Đình Soái năm 18 tuổi thực sự không có một kế hoạch rõ ràng. Soái chỉ biết mình ở xa nhà thì chắc chắn sẽ có thể tự lập và tự do hơn.
Nhưng rồi khi xa nhà, đồ ăn nước bạn không phù hợp với khẩu vị của cậu, nỗi thèm khát món ăn mang phong vị ẩm thực quê hương trỗi dậy.
“Nhiều lúc thèm một ổ bánh mì Việt mà không biết tìm đâu ra, xe thì không có để chạy xuống quán người Việt Nam mua.
Mỗi lúc ăn Burger King mình lại tự hỏi, tại sao cái này có thể phổ biến như vậy mà bánh mì Việt Nam lại không được?
Thấy báo nước ngoài viết về bánh mì Việt mà hỏi nhiều người nước ngoài học chung, chẳng ai biết bánh mì là gì. Mình bắt đầu suy nghĩ về cơ hội của bánh mì quê hương ở nước Mỹ”, Soái tâm sự.
Hoàng Đình Soái (Troy Hoàng) và Ellise Nguyen đã sáng lập nên thương hiệu Dot Saigon nổi tiếng trên đất Mỹ.
Khi đang học năm 3 ngành Kế toán, trường ĐH California State University Northridge, anh được Deloitte - một trong những công ty kiểm toán lớn thế giới mời về làm toàn thời gian và bảo lãnh visa.
Dù vậy, sau 2 năm làm việc và được công ty trọng dụng với những dự án lớn, Soái vẫn nung nấu giấc mơ “bánh mì quê hương”.
May mắn thay, anh có Ellise Nguyen - một người bạn đồng hương cùng chí hướng. Vậy là, Soái bỏ ngang vị trí ở Deloitte để bắt đầu giấc mơ bánh mì Việt vào tháng 11/2014, khi cô bạn Ellise quay lại Mỹ sau 6 tháng về Việt Nam học làm bánh mì.
Hai người “đánh liều” lập nghiệp với bánh mì thịt kho Việt bắt đầu từ một chiếc xe tải cũ dù chưa đủ vốn.
“Mất gần 2 tháng để thuyết phục anh chủ cũ của chiếc xe tải cho mình trả góp. Thấy mình “lì” qua nên cuối cùng anh phải chịu, anh ấy còn bảo, “mày mà bỏ chạy tao sẽ gọi lên Sở Di trú Mỹ đấy”, Soái cười nhớ lại.
Đối với Soái, bánh mì thịt là món ăn độc đáo mà người Việt, cái tên Dot Saigon cũng được xây dựng trên nền tảng đó, với mong muốn liên kết (connecting dot) ẩm thực Việt Nam với thế giới.
Vượt qua nhiều khó khăn, chỉ sau hơn 6 tháng hoạt động, xe bánh mì của Soái đã nổi tiếng khắp Los Angeles. Los Angeles Times – một trong những tờ báo uy tín của Mỹ cũng dành nhiều lời tán thưởng cho sức hút “khó cưỡng” của bánh mì Dot Saigon.
Siêu đầu bếp nổi tiếng nước Mỹ, Paula Deen bất ngờ ghé thăm xe tải bánh mì của Soái và đã thốt lên “your caramel pork-belly is wonderful” – nhân thịt kho của bạn thật tuyệt vời.
Siêu đầu bếp nổi tiếng thế giới Paula Deen (bên trái) ghé thăm và khen ngợi vì sự tuyệt vời của ổ bánh Dot Saigon.
“Ngày Paula Deen đến thăm xe cũng thật sự rất bất ngờ cho Dot Saigon. Mình chưa bao giờ dám nghĩ đến một cơ hội được chuẩn bị đồ ăn cho bà.
Lúc thấy bà đến gọi món bánh mì thịt kho, cả nhóm chân tay run bần bật. Ai cũng muốn được chụp hình với bà nhưng phải chờ coi bà có thích đồ ăn không mới dám hỏi.
Sau khi nghe Paula Deen khen ngợi, chồng bà là Chef Michael Groover cũng tới gọi thêm bánh mì, rồi mời Dot Saigon xuống chụp hình chung.
Với Dot Saigon đó là một trong những ngày đáng nhớ nhất, một chiếc xe bánh mì chỉ mới khởi nghiệp chưa đầy 7 tháng mà may mắn được một đầu bếp tầm cỡ thế giới tới ăn và khen ngợi, cả nhóm thấy thấy bao nhiêu khó khăn đã trải qua như được đền đáp”, Soái kể.
Bánh mì không có nghĩa là phải rẻ!
Khởi nghiệp giữa đất Los Angeles với những công dân Mỹ ưa kiểu sandwich, hamburger thứ thiệt đầy ụ với đủ loại xúc xích, phô mai hảo hạng nhất.
Thử thách lúc này là làm thế nào để ổ bánh mì Việt không bị lạc lõng giữa “cộng đồng” những món bánh kẹp kiểu Tây.
“Để có một menu gần gũi với người dân Mỹ nhưng vẫn mang đậm hương vị Việt thực sự là một thử thách. Nước mắm, nước tương, hành hương, râu thơm là những gia vị còn quá mới với người Mỹ.
Mình luôn nói đùa “mọi người đừng để khách ngửi thấy mùi nước mắm nha, không khách lại tưởng đồ ăn của mình bị thiu, người ta chạy mất dép à”.
Đồng nghiệp của mình, Ellise Nguyen đi biết bao nhiêu vùng miền ở Việt Nam, thử biết bao nhiêu công thức mới chọn ra menu mà mình đang có bây giờ”, Soái nói.
Mỗi ổ bánh mì Dot Saigon được chăm chút từ những nguyên liệu tươi trong ngày được kiểm duyệt và được “thổi” hồn quê vào nhân bánh.
Những sản phẩm của Dot Saigon đều dựa trên các món ăn truyền thống và rất gần gũi với bữa cơm gia đình Việt, như thị ba chỉ kho, đậu sốt, gà xé.
Nó gần gũi với người phương Tây khi mang đặc điểm của một món ăn hiện đại mà bất cứ người bận rộn nào cũng cần nhưng cũng mang đầy hương vị đậm đà, tinh tế của ẩm thực Việt.
Cái “hồn” Việt chính thứ quan trọng nhất giúp Dot Saigon nhanh chóng gây được tiếng vang trên đất Mỹ. Hiện, một chiếc bánh mì Dot Saigon được bán với giá $9 (khoảng 196.000 đồng). Sau 6 tháng đi vào hoạt động, Dot Saigon đã thu hồi được vốn.
Soái khẳng định, Dot Saigon được khách hàng Mỹ yêu mến dù giá mỗi ổ bánh mì cao gấp 3-4 lần so với thị trường bởi họ thấy được chất lượng “tiền nào của ấy”.
Xe bánh mì lưu động của Soái lúc nào cũng tấp nập khách mua.
Với một menu đơn giản, mỗi chiếc bánh mì đến tay khách hàng đều được chăm chút kỹ lưỡng và đồng đều bởi những nguyên liệu tươi trong ngày được kiểm duyệt.
Mặt khác, theo Soái, thời điểm đưa Dot Saigon ra thị trường là rất đúng lúc. Bởi lẽ, thời gian gần đây, bánh mì Việt đã khiến các phương tiện thông tin, đại chúng thế giới “mê mẩn” và được bình một những những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Hoàng Đình Soái tâm sự, điều tuyệt vời nhất đó là không chỉ món ăn Việt đang dần trở nên nổi tiếng, mà còn cả một nền văn hoá ẩm thực của cả một dân tộc thể hiện trong đó cũng được truyền tay nhau qua một món ăn giản dị.
Anh cho hay, mục tiêu trước mắt của Dot Saigon là ổn định hoạt động của chiếc xe tải để có nhiều thời gian hơn tập trung xây dựng kế hoạch kinh doanh nhà hàng Dot Saigon đầu tiên.
“Đôi khi, chẳng cần một điều gì hoành tráng, đao to búa lớn, chỉ một chiếc bánh giản dị cũng đủ để kéo bạn bè thế giới gần hơn với chúng ta rồi.
Và giờ, nếu bạn quốc tế của mình không biết về bánh mì Việt, mình đã có thể ngay lập tức mời họ thưởng thức một ổ bánh thịt kho tự tay làm”, Soái vui vẻ nói.
Trên chiếc xe tải nhỏ sơn đủ màu sắc sặc sỡ, Soái và nhóm bạn chở nhau rong ruổi qua những nẻo đường Los Angeles để bán bánh mì Việt. Mỗi chiếc bánh là một hi vọng lan tỏa nét ẩm thực đặc biệt của quê hương đến thế giới.