Mỗi khi Tết đến, Xuân về, để không gian sống của gia đình được đẹp hơn, ấm hơn, và giúp cho ngôi nhà đón thật nhiều may mắn, tài lộc, người dân Hà Nội xưa thường gọt thủy tiên trước đó gần 1 tháng. Hiện nay, nhiều người vẫn giữ được thú chơi tao nhã ấy, giữ thú chơi tao nhã ấy, như một cách chờ đón Xuân về, gọi Tết đến.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Cầm (Hà Đông), là người đã có kinh nghiệm lâu năm trong việc gọt thủy tiên. Bản thân anh cũng là người rất yêu loài hoa tinh khôi, mỏng manh này.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 1.

Mỗi năm khi sắp đến Tết, anh Cầm lại dành thời gian tỉ mẩn gọt thủy tiên.

- Anh có thể cho biết khi chọn củ cần chú ý những gì?

- Để có được một sản phẩm (hay tác phẩm) hoa thủy tiên đẹp, yếu tố quan trọng đầu tiên là người chơi phải có được củ hoa tốt, tức là củ hoa già, khỏe và đẹp. Theo những người chơi thủy tiên lâu năm thì củ hoa phải có từ 3 năm tuổi trở lên mới đủ tuổi để chơi theo cách gọt tỉa tạo hình. Khi mua củ nên chọn những củ to, hình dáng cân đối gồm một thân củ chính ở giữa và mỗi bên có từ 2 đến 3 nhánh phụ.

Củ hoa cân đối là củ có các nhánh (cánh) nằm thẳng hàng trên một mặt củ. Một kinh nghiệm khi chọn củ thủy tiên là bạn nên dùng tay bóp nhẹ thân chính của củ, nếu thấy hơi xốp mềm và có độ đàn hồi thì là củ hoa đẹp, ít nhánh phụ trong thân chính. Nếu khi bóp vào mà thấy cứng thì có thể là củ non hoặc củ có nhiều nhánh phụ mọc bên trong thân chính – những củ này khi gọt tỉa sẽ khó khăn hơn.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 2.

Những bát thủy tiên đẹp ấn tượng trong tổ ấm của anh Cầm.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 4.

Củ hoa thủy tiên có nhánh cân đối nhau.

- Anh có thể cho biết củ hoa cần xử lý như thế nào trước khi gọt?

Củ thủy tiên mua về có thể gọt tỉa được ngay mà không cần phải qua bất kỳ một hoạt động xử lý nào khác. Trước khi gọt tỉa cần làm sạch củ bằng cách bóc hết lớp vỏ khô bên ngoài củ và làm vệ sinh đế củ gồm việc bỏ lớp đất, cắt bớt phần rễ củ đã khô. Khi gọt cần chú ý để tránh gây tổn thương đến các đầu rễ non.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 5.

Dụng cụ gọt củ thủy tiên.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 6.

Các loại dao gọt.

Dụng cụ gọt tỉa củ hoa cũng khá phong phú về chủng loại, hình thức, chất lượng. Tuy nhiên, về cơ bản bạn có thể chọn 1 đầu vát dùng để gọt phá củ, 1 đầu lòng máng dùng để tinh chỉnh và xén lá, cạo cuốn hoa. Phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội được coi là nơi có truyền thống sản xuất dao gọt tỉa thủy tiên.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 7.

Củ hoa được làm sạch.

- Anh có thể cho biết quá trình gọt tỉa và chăm sóc hoa thủy tiên gồm các công đoạn như thế nào?

- Gọt thủy tiên khá công phu. Tuy nhiên, về cơ bản gọt tỉa cần trải qua hai công đoạn chính:

Mục đích của việc gọt, tỉa củ hoa nhằm làm lộ các bẹ lá, giò hoa, rút ngắn thời gian sinh trưởng của củ hoa. Bên cạnh đó, gọt củ thủy tiên còn là cách tác động nhằm tạo hình dáng lá, dáng hoa theo ý đồ của người chơi.

Với những củ hoa được bảo quản ở điều kiện khô, bạn cũng có thể ngâm củ hoa vào nước trong khoảng một ngày sau khi làm sạch trước khi gọt tỉa. Tuy nhiên, cách làm này cũng có nhiều hạn chế như khi gọt tỉa sẽ có rất nhiều nhựa, ảnh hưởng đến khả năng thao tác của người gọt. Do đó, anh Cầm thường chọn cách gọt củ trực tiếp không qua ngâm. Cách làm này mặc dù có chút hạn chế là vỏ củ khô, dai nhưng có ưu điểm như củ hoa không bị nhớt, khả năng quan sát và cảm giác tay của người gọt không bị ảnh hưởng hạn chế.

Việc gọt thủy tiên gồm các bước:

Bước 1: Gọt và chỉnh

- Gọt thô (gọt phá) và gọt tỉa tinh chỉnh. Gọt thô thường gọt bỏ đi khoảng 50% phần vỏ ở mặt củ (được xác định theo hướng vươn lên của các bẹ lá), để lộ ra các bẹ lá đã có sẵn các bao nụ hoa. Bạn có thể dùng dao đầu vát để thao tác gọt phá củ (gọt thô). Sau khi gọt thô xong thì sử dụng đầu dao có hình lòng máng để tinh chỉnh lại cho đẹp và xén lá, cạo cuống hoa.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 8.

Củ hoa thủy tiên đã được gọt thô, chưa xén lá và cạo cuống hoa

- Xén lá (tỉa lá): là việc xén bỏ đi một phần của bề rộng thân lá. Mục đích của việc xén lá là nhằm tạo cho lá thủy tiên có dáng cong, thấp hơn hoa sau này thay vì lên thẳng và cao hơn, che mất hoa. Nếu phần lá xén đi nhiều (rộng) thì độ cong của lá sẽ lớn, nếu xén ít thì độ cong ít hơn. 

- Cạo cuống hoa: Là việc dùng dụng cụ gọt tỉa để tác động nhằm gây tổn thương lên cuống hoa. Khi cuống hoa bị tổn thương, cơ chế tạo sẹo sẽ khiến cho cuống hoa khi lớn lên sẽ uốn cong về hướng bị tổn thương. Tuy nhiên, cần lưu ý: nếu cạo sâu quá thì khiến cho cuống hoa bị đứt gẫy ngay trong những ngày đầu chăm sóc.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 9.

Củ hoa thủy tiên đã xén lá và cạo cuống hoa.

Bước 2. Ngâm cầu và dưỡng hoa

- Ngâm cầu: Sau khi gọt tỉa, củ hoa sẽ tiết rất nhiều nhựa ở mặt các vết cắt nên cần phải đem ngâm úp củ hoa vào nước để nhựa chảy ra không đọng lại gây thâm và thối các vết cắt. Thời gian ngâm cầu trong khoảng từ 24 đến 36 giờ. Cứ khoảng vài giờ một lần cần rửa củ hoa một lần cho sạch nhựa. Bạn nên để củ hoa dưới vòi nước chảy và dùng một chiếc chổi lông nhỏ để quét nhẹ mặt vết cắt và các khe cho sạch hết nhựa nhớt và cặn bám. Làm như vậy khoảng từ 3 đến 5 lần đến khi củ hoa ngừng tiết nhựa, sờ mặt vết cắt không thấy nhớt nữa là được, có thể đưa củ thủy tiên ra dưỡng.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 10.

Củ thủy tiên được ngâm trong nước sạch.

- Dưỡng hoa: Sau khi ngâm cầu xử lý nhựa xong thì đưa củ hoa vào dụng cụ dưỡng như bình thủy tinh, bình nhựa, bát đất nung. Để dưỡng hoa, củ hoa phải được đặt ngửa trong dụng cụ dưỡng sao cho nước ngập lên trên các vết cắt của củ hoa nhưng cần tránh việc các bao nụ hoa bị ngập trong nước. Nước dưỡng hoa phải là nước sạch để đảm bảo chất lượng và sự phát triển của củ hoa. Thường thì mỗi ngày phải thay nước cho củ hoa ít nhất một lần. Việc thay nước và làm vệ sinh cho củ hoa tốt nhất nên được làm vào buổi sáng sớm.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 11.

Thủy tiên mọc lá, mọc rễ.

- Uốn, tạo dáng lá, dáng hoa: Ngoài việc xén lá thì việc tạo dáng cho lá của hoa còn được thực hiện bằng cách uốn nắn. Củ hoa dưỡng được khoảng 8 đến 10 ngày, khi lá đã xanh tốt, khỏe, dùng tay uốn thử thấy mềm mại, không giòn thì có thể uốn lá. Uốn lá được thực hiện bằng việc đan, cài các lá của củ hoa vào nhau để tạo ra các dáng lá uốn lượn theo ý đồ của người chơi. Sau khi đan, cài khoảng 2 ngày thì dáng lá cơ bản đã ổn định thì gỡ ra và có thể tiếp tục uốn dáng khác.

- Cảm ơn anh rất nhiều vì đã dành thời gian trò chuyện và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu với độc giả. Xin chúc anh một năm mới thật nhiều sức khỏe và có thêm thật nhiều tác phẩm đẹp hơn nữa.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 12.

Những tác phẩm nghệ thuật từ thiên nhiên do anh Cầm sáng tạo.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 13.

Gọt thủy tiên cũng lắm công phu.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 14.

Những bát thủy tiên đẹp lung linh trong nhà.

Chàng trai yêu hoa hướng dẫn tỉ mỉ cách gọt thủy tiên đẹp dịu dàng đón Tết - Ảnh 15.

Với anh Cầm, có hoa thủy tiên nở là có Tết, đầm ấm và sum vầy.