Bên cạnh “con ông cháu cha” thì “công ty gia đình” là một trong những khái niệm mà chắc hẳn không ít chị em công sở cảm thấy ngán ngẩm mỗi lần nghe nhắc tới. Ai đã từng có cơ hội làm việc trong môi trường này sẽ có thể cảm nhận một cách rõ rệt những điểm trừ to lớn mà loại hình công ty này mang lại.
Công ty gia đình có quy mô lớn, số lượng nhân viên đông đảo thì không cần nói đến làm gì. Thế nhưng, một số công ty gia đình có quy mô nhỏ, các thành viên trong nhà chia nhau giữ những vị trí quan trọng thì lại khác. Drama cũng như những câu chuyện oái oăm cũng xuất phát từ yếu tố này.
Đơn cử, vừa mới đây, trong một hội nhóm trên mạng xã hội quy tụ đông đảo thành viên là dân văn phòng, một mẹ bỉm vừa được dịp trải nghiệm những “đớn đau” khi làm việc trong một công ty gia đình có vỏn vẹn 5 nhân sự chia sẻ:
“Xin chào mọi người, mình hơn 30 tuổi rồi nhưng hiện đang thất nghiệp, nẫu hết cả người. Chuyện là trước đó mình ra trường, đi làm bình thường nhưng sau đó sinh con xong thì nghỉ ở nhà tầm khoảng gần 3 năm, gần đây mới đi tìm việc lại.
Cả tháng rải CV mà chưa tìm được việc, sốt hết cả ruột (dù tiếng Anh giao tiếp tốt, thời gian ở nhà có đi làm thêm trong môi trường tiếng Anh). Rồi mình vớ được 1 công việc văn phòng rất gần nhà, chỉ 5 phút đi xe máy, lương 7 triệu.
Đây là một công ty gia đình (5 nhân sự, tính cả 2 sếp, chồng Giám đốc, vợ làm Kế toán trưởng). Công ty ở tầng 4, dưới là nhà ở. Ngay ngày đầu tiên đi làm, chị kế toán (vợ Giám đốc) đã sai đi đổ túi rác to tướng. Vào máy chấm công, do tay mình vừa rửa xong lại bôi kem dưỡng nên lấy vân tay hơi lâu, thế là bà chị nhếch môi cà khịa "chắc chưa bao giờ dùng máy chấm công đúng không".
Khổ tâm cái là ở trên văn phòng, đang làm việc anh sếp giao cho thì chị vợ chốc chốc lại "T ơi, xuống chị nhờ tý". Có lần nhặt rau, có lần giục đi quét cầu thang vì kêu bẩn, có lần đi mua đồ, đón con... đủ các việc vặt.
Có hôm đến giờ về rồi, bà ý lại bảo mình và 1 em nữa ở lại đi kiếm thùng rồi mua giấy để gói quà sinh nhật cho con bả, 2 hộp quà siêu to khổng lồ. Mình mới bảo, “Chị ơi, em làm nhân viên công ty thì chỉ tập trung làm việc công ty thôi chứ ạ". Và cứ như thế, mình chịu đựng được tầm 7 ngày thì xin nghỉ.
Hồi xưa mới ra trường mình cũng từng làm 1 công ty gia đình, cũng bê bết lắm. Nên rút kinh nghiệm SAY NO công ty gia đình nhé mọi người.
Giờ muốn xin mọi người lời khuyên vì 32 tuổi rồi, tiếng Anh giao tiếp tốt, có bằng đại học nên học thêm khóa chuyên môn gì. Mình chấp nhận làm việc từ vị trí Junior chứ không ngại gì cả. Mà tuổi này không có chuyên ngành gì cụ thể, khó xin việc ghê, cảm giác tự ti kém cỏi lắm ấy”.
Ngay sau khi vừa được đăng tải chưa lâu, câu chuyện của mẹ bỉm công sở này đã ngay lập tức gây được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm. Rất nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng cảm đã được để lại bên dưới phần bình luận:
“Công ty gia đình nói chung là làm gì cũng tổng hợp: kế toán tổng hợp, có khi sales cũng tổng hợp. Em làm sales công ty gia đình mà có khi còn kiêm luôn dọn nhà vệ sinh với đổ rác”.
“Công ty gia đình trả lương chậm, chế độ làm việc không rõ ràng. Mình nghỉ chắc cũng lâu rồi mà công ty này vẫn chưa chịu trả lương cho mình, mọi người ạ”.
“Phần lớn các công ty nhỏ toàn công ty gia đình. Trong lịch sử gần 2 năm đi làm be bét của mình, cũng có vài chuyện hay lắm:
1. Có công ty này ông chồng giám đốc, bà vợ phó giám đốc. Chồng ở nhà thì không sao, mà ông chồng vắng công tác, bà vợ giở quẻ với mình ngay, làm như mình cướp chồng bà ấy.
2. Công ty về thực phẩm sạch, chồng thì cục súc, văng tục, nông cạn và khinh người, vợ làm kế toán ngoài mặt thì thơn thớt nói cười. Đi làm được 3 ngày, không chịu nổi cái kiểu nói chuyện của ông chồng, tự nghỉ luôn. Công ty gọi lại bảo cho em nghỉ, sau có người bảo với mình là bà vợ kích đểu”.
Những công ty gia đình luôn mang đến cho chị em công sở những trải nghiệm làm việc khó quên trong đời. Đã có nhiều tấm gương được đưa ra; vì lẽ đó, chị em nên cân nhắc một cách thật cẩn thận mỗi khi muốn vào làm ở một công ty gia đình nào đó. Còn nếu vẫn muốn thử sức trong một môi trường như thế, tốt nhất chị em nên chọn công ty có quy mô lớn thật lớn để giảm thiểu bớt rủi ro đến với bản thân.