Vào hồi 12 giờ, ngày 20/7/2019, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận cháu bé L.G.B (gần 20 tháng tuổi), địa chỉ tại Đại Từ, Thái Nguyên do bị chó nhà tấn công. Các bác sĩ cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng đa chấn thương ở vùng cổ chân, vùng mặt, gãy xương chính mũi, mất nhiều máu.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhi, cháu bé đang chơi một mình trong bếp thì bất ngờ bị chó nhà tấn công, khi nghe tiếng khóc của bé, gia đình chạy xuống xem thì bé đã bị chó cắn xé rách vùng đầu mặt. Sau khi phát hiện, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng vì mất nhiều máu nên bé nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Sau khi cấp cứu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực.
Sau khi cấp cứu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực tại Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Theo các bác sĩ, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm về trường hợp trẻ em bị chó tấn công, để lại hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí là đánh đổi bằng cả tính mạng. Các bác sĩ khuyến cáo, với những gia đình có con nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi chó phải tiến hành tiêm phòng, hạn chế cho trẻ tiếp xúc gần với chó, không thả chó nếu không đeo rọ mõm. Ngoài ra, gia đình có nuôi chó thì cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn, cần giáo dục cho trẻ cách phòng tránh, cách xử lý ban đầu khi bị chó, mèo cắn.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn, người dân cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch liên tục. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn, cào.
Tuyệt đối không nặn máu vì sẽ làm vết thương trầm trọng hơn. Còn nếu không chảy máu thì không nên băng quá kín.
Nếu vết cắn nhẹ vào chân thì theo dõi con vật sau 15 ngày, nếu vẫn bình thường thì không cần tiêm vaccine. Còn nếu không theo dõi được con chó thì nên tiêm phòng.
Khi bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi… dù vết cắn nhẹ cũng phải tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng, vì thế chỉ tiêm vaccine. Khi tiêm vaccine dại phải tiêm đủ liều theo quy định và tuân thủ đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn.