Câu chuyện xảy ra với bé Linh Linh (3 tuổi, ở Trung Quốc). Theo chia sẻ của bà nội, bố mẹ Linh Linh ly hôn từ khi bé mới chào đời. Từ bé Linh Linh đã sống với bà nội do bố đi làm ở thành phố khác.
Năm ngoái, bố của Linh Linh tái hôn, mẹ kế đề nghị đưa Linh Linh đến thành phố nơi hai vợ chồng sinh sống để chăm sóc.
Vì khoảng cách giữa hai thành phố xa nhau nên bà nội chỉ thỉnh thoảng mới đến thăm Linh Linh. Trong một số lần gặp gần đây, bà nội nhận thấy Linh Linh trầm tính và ít nói hơn.
Trong một lần hai bà cháu ăn tối ở ngoài, bà nội vô tình chạm nhẹ vào lưng Linh Linh nhưng cô bé lại khóc thét lên, giống như phải chịu một cơn đau dữ dội.
Bà nội cảm thấy rất lạ nên bà đã đưa Linh Linh vào nhà vệ sinh của nhà hàng và vén áo của bé lên để xem. Kết quả sau lớp áo khiến bà không tin vào mắt mình. Trên lưng Linh Linh đầy vết bầm tím và vết bỏng thuốc lá, một số vết thương đã đóng vảy, chứng tỏ bé đã bị bạo hành từ rất lâu.
Bà nội ngay lập tức bật khóc và gặng hỏi Linh Linh xem ai đánh cô bé. Linh Linh sợ hãi kể lại rằng từ khi được bố và mẹ kế đón về, cô bé thường xuyên bị mẹ kế đánh vô cớ.
Sau khi nghe cháu gái kể lại, bà nội đã ngay lập tức báo cảnh sát để tố cáo con dâu tội bạo hành trẻ em và con trai không làm tròn nghĩa vụ của cha. Cả hai vợ chồng đều bị cảnh sát đưa đi.
Bà nội cũng yêu cầu tòa án thu hồi quyền nuôi dưỡng Linh Linh của con trai. Linh Linh được bà đón về ở cùng.

Các vết thương trên lưng Linh Linh (Ảnh: Sohu)
Bạo hành gia đình ảnh hưởng tới trẻ nhỏ thế nào?
Theo trang Sohu, những vết thương trên cơ thể do bị mẹ kế bạo hành của Linh Linh sẽ lành lại theo thời gian nhưng nỗi đau, tổn thương trong tâm hồn có thể đeo bám em đến suốt cuộc đời.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nêu ra một số hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của trẻ khi chúng bị ngược đãi. Về mặt thể chất, trẻ bị bạo hành có thể gặp chấn thương từ nhẹ đến nặng trên cơ thể, thậm chí là bị khuyết tật nghiêm trọng (đặc biệt là ở trẻ nhỏ).
Về mặt sức khỏe tinh thần, trẻ có thể trở nên nhút nhát, tự ti, bị căng thẳng sau chấn thương, lo lắng, trầm cảm.
Về các hậu quả lâu dài, WHO cho biết ngược đãi gây ra căng thẳng cực độ, điều này có thể suy yếu sự phát triển của hệ thần kinh và hệ miễn dịch ở trẻ. Khi trưởng thành, trẻ em từng bị ngược đãi có nguy cơ cao gặp các vấn đề về sức khỏe, hành vi như: trầm cảm kéo dài, thực hiện hành vi bạo lực hoặc tiếp tục trở thành nạn nhân của bạo lực; dễ tham gia vào các tệ nạn xã hội.

Ngược đãi có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần của trẻ.
Dấu hiệu trẻ bị bạo hành
Theo trang Mayo Clinic, để nhận biết trẻ có bị ngược đãi hay không, gia đình, người thân có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau:
- Trẻ rụt rè, e ngại với bạn bè hoặc không hứng thú với các hoạt động thường ngày.
- Trẻ trở nên hung hăng, tức giận, thù địch với người khác.
- Trẻ tự ti, trầm tính, thường xuyên lo lắng hoặc sợ hãi quá mức.
- Trẻ hay giật mình, gặp ác mộng.
- Trẻ có các chấn thương không rõ nguyên nhân, chẳng hạn như vết bầm tím, gãy xương hoặc bị bỏng.
(Theo Sohu, WHO, Mayo Clinic)