Chạy đua để đạt được chỉ tiêu công việc, nhân viên Amazon đối mặt với những thương tật nghiêm trọng suốt đời - Ảnh 1.

Theo dữ liệu được thu thập trong các cuộc điều tra tại nơi làm việc, tốc độ làm việc của Amazon đã làm tăng nguy cơ thương tích cho hơn 750.000 công nhân tại kho hàng ở Mỹ, trong đó nguy cơ thoái hoá các cơ và khớp chiếm tỷ lệ cao nhất.

Vì những tổn thương này không thể hiện ra bên ngoài ngay lập tức mà tích tụ dần theo thời gian, các nhân viên của Amazon có thể sẽ không biết họ đang gặp phải những rủi ro về mặt sức khoẻ trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, thậm chí là mang lại những đau đớn suốt đời.

Trong tất cả các bang ở Mỹ, Washington là bang tiến hành nghiên cứu sâu nhất về cuộc khủng hoảng chấn thương này. Nhờ vào hệ thống quản lý bồi thường tai nạn lao động của bang, họ đã thu thập được dữ liệu chi tiết nhất về các chấn thương cơ và khớp mà nhân viên gặp phải.

Có tổng cộng 4 cuộc thanh tra đã được thực hiện tại bang Washington từ năm 2020 đến năm 2022. Theo đó, có một “mối liên hệ trực tiếp" giữa tốc độ làm việc của Amazon và tỷ lệ thương tật của nhân viên. 

Ban đầu, cuộc kiểm tra được thúc đẩy bởi dữ liệu nội bộ được Trung tâm báo cáo điều tra công bố năm 2020. Dữ liệu này cho thấy trên quy mô toàn quốc, nhân viên làm việc tại kho hàng của Amazon có nguy cơ bị thương tật nghiêm trọng gấp đôi so với nhân viên của các sàn thương mại điện tử khác. 

Chính những dữ liệu trên đã dẫn đến một cuộc điều tra liên bang về an toàn lao động. Các công tố viên cũng dần vào cuộc để chuyển những khiếu nại về an toàn lao động đến Bộ Lao động, cơ quan đã tiến hành kiểm tra các kho hàng của Amazon tại 5 bang.

Các triệu chứng về cơ và khớp phổ biến gấp 4 lần so với các triệu chứng khác

Amazon từng tuyên bố rằng cuộc điều tra của liên bang là “vô căn cứ" và thể hiện thái độ phản đối kịch liệt trước những kết luận của cơ quan quản lý. Trong một tuyên bố, đại diện của Amazon cho biết dữ liệu riêng của họ cho thấy nguy cơ thương tích thấp hơn đáng kể so với cáo buộc.

Trước tình hình đó, tờ Insider đã sử dụng dữ liệu của các cơ quan quản lý để xác định 4 công việc đặc biệt nguy hiểm tại các kho hàng của Amazon, đồng thời liên hệ với 4 cựu nhân viên cũng như nhân viên hiện đang làm việc tại đây, những người đã bị thương trong quá trình lao động.

Tham gia quân đội rất khó khăn, nhưng nó chẳng là gì so với công việc ở Amazon

Khi Mark Takakura, 32 tuổi, bắt đầu làm việc tại Amazon vào tháng 9 năm 2020, anh biết rằng công việc của mình sẽ khá vất vả. Tuy nhiên, điều đó không hề làm Takakura chùn bước vì trước khi làm việc tại đây, anh đã từng là quân y thuộc quân đội Hoa Kỳ trong suốt 4 năm.


Chạy đua để đạt được chỉ tiêu công việc, nhân viên Amazon đối mặt với những thương tật nghiêm trọng suốt đời - Ảnh 3.

Mặc dù vậy, anh không hề biết rằng mình đã xin làm một trong những công việc nguy hiểm nhất tại một trong những cơ sở nguy hiểm nhất của Amazon ở Hoa Kỳ. Đó là kéo chiếc xe đẩy với hàng chục, thậm chí là hàng trăm kilogram hàng hoá đến các trạm khác nhau xung quanh nhà kho.

Chỉ 2 năm sau, công việc này đã để lại cho anh những đau đớn kéo dài suốt đời.

Takakura đã làm việc tại một trung tâm phân phối của Amazon tại thành phố DuPont, Washington, cách Seattle khoảng một giờ lái xe về phía nam, và cũng là một trong những chi nhánh nguy hiểm nhất trong cả nước theo dữ liệu của liên bang. 

Anh đã rất thích môi trường làm việc ở đây vì có rất nhiều cựu chiến binh. Vì thế anh luôn cố gắng để theo kịp cường độ làm việc mệt mỏi và yêu cầu phải di chuyển nhanh chóng để đảm bảo luôn có hàng cho các nhân viên đóng gói.

Sau 6 tháng làm việc chăm chỉ tại DuPont, lưng anh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau nhức. “Phải mất hàng tháng trời để những cơn đau nhức đó trở nên tê cứng”, và Takakura cũng bắt đầu gặp khó khăn trong việc vặn mình vào mỗi lúc thức dậy. Đến mùa thu năm ngoái, khi đang cúi xuống để nhấc một túi hàng nặng 30 pound (khoảng 13kg), một cơn đau nhức kinh khủng bất thình lình ập tới. 

Bác sĩ của Takakura đã xác nhận với tờ Insider rằng ảnh chụp X-quang cho thấy sự thoái hoá ở phần giữa cột sống của anh, và tình trạng có thể sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu anh tiếp tục kéo các thùng hàng quanh nhà kho ít nhất 40 giờ/tuần, vào những mùa mua sắm cao điểm, thời gian này có thể đạt tới con số 60 giờ/tuần.

Chạy đua để đạt được chỉ tiêu công việc, nhân viên Amazon đối mặt với những thương tật nghiêm trọng suốt đời - Ảnh 3.

Ảnh minh họa việc kéo hàng tại Amazon.

Dù đã gặp phải chấn thương, Takakura vẫn phải vật lộn để theo kịp những yêu cầu về năng suất của Amazon. Thậm chí, quản lý của anh đã cảnh báo rằng năng lực làm việc của anh ấy không đạt tiêu chuẩn mà họ mong muốn.

Mặc dù Amazon nói rằng hãy giảm tốc độ làm việc để đảm bảo an toàn, nhưng trên thực tế thì không phải vậy”, Takakura tiết lộ rằng mỗi khi anh làm việc chậm lại để đảm bảo an toàn cho bản thân, quản lý sẽ đến tìm và nói rằng: "Mọi người cần phải bắt tay vào công việc ngay. Chúng tôi có thể làm gì để mọi người nâng cao năng suất hơn đây?”.

Sau gần một năm trời thực hiện đủ mọi phương thức trị liệu từ thần kinh cột sống, vật lý trị liệu hay xoa bóp, cơn đau lưng của Takakura vẫn chưa thuyên giảm hoàn toàn. Đến thời điểm hiện tại, anh đã hoàn toàn chấp nhận việc phải sống chung với nó cả đời.

Thương tích của Takakura là loại thương tích phổ biến nhất tại các kho hàng của Amazon, với tên gọi khác là rối loạn cơ xương. Căn bệnh này bao gồm nhiều loại tổn thương cơ và xương khớp do chuyển động lặp đi lặp lại và hoạt động quá mức. Viêm gân, đau lưng, hội chứng ống cổ tay và thoát vị đều là những dạng rối loạn cơ xương.

Amazon chia sẻ những chấn thương như vậy chiếm khoảng 40% số ca chấn thương tại nơi làm việc của thương hiệu này. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ chấn thương trên mức trung bình so với các thương hiệu khác trong cùng lĩnh vực của Amazon. Theo số liệu của bang Washington, nhân viên kho hàng của Amazon có nguy cơ bị thương cao gấp đôi so với những kho hàng khác, nhưng nguy cơ rối loạn cơ xương lại cao gấp 4 lần.

Đây rõ ràng là những thương tật vô cùng nghiêm trọng. Tại nhà kho ở DuPont, các công nhân bị thương như vậy phải mất trung bình 103 ngày để chữa trị. Dữ liệu của bang cũng cho thấy rằng khoản bồi thường cho các công nhân bị rối loạn cơ xương của Amazon lên đến hàng chục nghìn USD, thậm chí là có một số trường hợp lên đến 100.000 USD (2,3 tỷ đồng).

“Họ nói rằng những cơn đau sẽ sớm trở nên bình thường"

Tania Troit, 48 tuổi, cũng làm việc tại nhà kho DuPont đã nhận thấy cơn đau hông vào tháng 3 năm 2021.

Công việc của Troit phần lớn được thực hiện tại bến tàu, nơi các nhân viên kho sẽ vận chuyển gói hàng vào hoặc ra khỏi các xe tải lớn. Trong một nhà kho được các cơ quan quản lý kiểm tra, tốc độ làm việc của công nhân nhanh đến mức nguy cơ thương tích của họ vượt khỏi khả năng tính toán dựa theo chỉ tiêu an toàn lao động của chính phủ liên bang.

Tuy nhiên, văn hoá làm việc quá mức của Amazon đã khiến cô bỏ qua nỗi đau của mình, “Amazon nói rằng cơn đau sẽ trở nên bình thường, chỉ cần uống ibuprofen (một loại thuốc kháng viêm), cơn đau sẽ biến mất và bạn sẽ sớm quen với nó".

“Tôi đã tiếp tục cố gắng, cạnh tranh và đạt được những chỉ tiêu mà họ đặt ra. Đến cuối ca làm việc, tôi bắt đầu khập khiễng và gần như không thể đi lại bình thường. Rồi họ lại tiếp tục như thế, nói rằng chỉ cần uống ibuprofen. Vì vậy, tôi đã nghĩ rằng: điều này là bình thường có phải không?”.

Chạy đua để đạt được chỉ tiêu công việc, nhân viên Amazon đối mặt với những thương tật nghiêm trọng suốt đời - Ảnh 5.

Chính vì suy nghĩ đó, cô đã không đề cập gì về nỗi đau của mình với quản lý trong suốt 6 tháng trời, “Tôi tiếp tục làm việc tại đó cho đến một ngày tôi nhận ra rằng mình cần tìm việc khác để làm, nếu không tôi sẽ tự hủy hoại bản thân mình mất".

Nhưng đáng buồn thay, đến thời điểm đó cô đã gần như không thể đi lại được. Các bác sĩ nói với cô rằng nguyên nhân chính của cơn đau chính là do những hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần. Và rõ ràng, chính tham vọng về năng suất của Amazon đã khiến cho tình trạng chấn thương của các nhân viên trở nên trầm trọng hơn.

“Họ không cho phép tôi làm việc với tốc độ an toàn"

Pennelloppe Allee, 53 tuổi, cho biết công việc đóng gói tại một kho hàng gần thành phố Portland thuộc tiểu bang Oregon khiến tay cô gặp phải những triệu chứng tê ngứa. Những triệu chứng này tương tự như lúc cô làm nhân viên pha chế vào khoảng 2 thập kỷ trước, nhưng cô đã không tái phát suốt nhiều năm, cho đến khi làm việc tại Amazon.

Mặc dù đã cố di chuyển chậm hơn để kiểm soát cơn đau của mình, nhưng cũng vì thế mà cô đã bị phạt 2 lần vì không đạt được chỉ tiêu mà công ty đặt ra.

Trước mối liên hệ trực tiếp giữa chỉ tiêu của công ty với tình trạng sức khoẻ của nhân viên, Amazon đã bị “dính" phải 4 lỗi vi phạm an toàn lao động, đồng thời nhà nước cũng yêu cầu công ty phải bảo vệ người lao động tốt hơn khỏi bệnh rối loạn cơ xương. Và để có thể thực hiện điều đó, Amazon buộc phải cho phép nhân viên di chuyển chậm hơn và thời gian nghỉ ngơi dài hơn.

Trong một tuyên bố, đại diện của Amazon tin rằng những kết luận của cơ quan quản lý là không đủ bằng chứng. Người này cho rằng những cáo buộc của bang chỉ dựa trên quá trình quan sát một số ít người bị thương và trong một thời gian ngắn, ngoài ra cơ quan quản lý còn không cân nhắc đến thời gian nghỉ của công nhân giữa các ca làm việc.

Để bảo vệ cho quan điểm của cơ quan quản lý, người đại diện Bộ Lao động và Công nghiệp bang Washington, Matt Ross, đã cho biết kết luận của bang “được thúc đẩy bởi ưu tiên giữ an toàn cho người lao động trong công việc và dựa trên những điều kiện làm việc công khai khi đi đến khảo sát tại các kho hàng".

Không chỉ phản đối những quan điểm về an toàn lao động, Amazon cũng đã phản bác lại những cáo buộc về mối quan hệ giữa năng suất và thương tích của nhân viên. Theo đó, Heather MacDougall, giám đốc quản lý an toàn lao động của sàn thương mại điện tử này phát biểu: “Thật sai lầm khi cho rằng Amazon đặt ra chỉ tiêu cho công nhân. Chúng tôi không hề có một chỉ tiêu nào cả. Tuy nhiên, chúng tôi có thể đảm bảo rằng năng suất làm việc và an toàn lao động có thể cùng tồn tại ở đây”.

Trái ngược với những gì được phát biểu, một tài liệu do các luật sư của Amazon viết vào năm 2022 trong một cuộc tranh chấp pháp lý với nhân viên kho hàng ở Florida đã chỉ ra những mâu thuẫn trong các tính toán của công ty.

Theo đó, tài liệu này cho thấy chính sách của Amazon là tăng chỉ tiêu năng suất kho nếu đa số nhân viên có thể đáp ứng mục tiêu đưa ra. Và điều đó có nghĩa là công ty này dự kiến 25% nhân viên của mình sẽ không đạt được mục tiêu năng suất của họ.

Theo tài liệu trên, mục đích của việc đặt ra mục tiêu là “đảm bảo tốc độ hiệu quả và năng suất tổng thể”. Tốc độ làm việc là yếu tố cần thiết đối với mô hình kinh doanh và sự thành công của Amazon, vì đây là một công ty thực hiện chức năng giúp khách hàng nhanh chóng nhận được các đơn đặt hàng của mình.

Trong vụ kiện tụng gần đây với Washington, công ty này cũng có tài liệu liên quan đến việc đặt mục tiêu kỷ luật 3 - 5% công nhân có điểm năng suất thấp nhất. Nhân viên nằm trong trường hợp này có thể bị sa thải nếu họ nhận 3 cảnh cáo bằng văn bản trong vòng 6 tháng.

Đại diện của sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới cho rằng việc so sánh năng suất giữa các nhân viên với nhau là một cách công bằng để theo dõi hiệu suất làm việc của họ. Amazon cũng sử dụng quy chế này để ghi nhận thành tích của những nhân viên có thành tích làm việc xuất sắc. 

Dựa trên nguyên tắc này, Amazon đã sa thải khoảng 0,4% nhân viên của mình vì không đạt được chỉ tiêu mà công ty đề ra.

Chạy đua để đạt được chỉ tiêu công việc, nhân viên Amazon đối mặt với những thương tật nghiêm trọng suốt đời - Ảnh 6.

Trong quá trình xem xét các văn bản thuộc vụ kiện cáo giữa Amazon và một nhân viên tại New York, các bằng chứng chỉ ra rằng công ty này thường kỷ luật những người lao động dù họ đã gần đạt được mục tiêu đề ra. Các văn bản cảnh cáo từ năm 2018 đến 2020 cho thấy các nhân viên đã nhận được thông báo kỷ luật ngay cả khi họ đang làm việc ở mức 80 - 90% kỳ vọng về năng suất của công ty.

Allee chia sẻ: “Sự căng thẳng khi phải cố gắng tăng năng suất làm việc khiến cho cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Họ thật sự không cho phép tôi làm việc với tốc độ an toàn. Tôi đang gặp phải rắc rối, cơ hội làm việc đang bị đe dọa vì họ không cho phép tôi làm việc trong khả năng chịu đựng của cơ thể".

“Đó không phải là khoảng thời gian tốt đẹp trong cuộc đời tôi"

Tekeshia Williams, 41 tuổi, bắt đầu làm việc ca đêm cho Amazon tại một trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời mình: Cô con gái bé bỏng của cô vừa bị phát hiện mắc bệnh ung thư não. 

Chính vào lúc cần rất nhiều thời gian để chăm sóc con gái ấy, cô đã nghe người ta nói về lịch trình làm việc linh hoạt của Amazon. Mặc dù cũng đã biết về văn hoá làm việc cường độ cao ở đây, cô vẫn tin rằng mình có thể xử lý được vì cô đã từng luyện tập đến mức có thể vượt qua các bài kiểm tra thể lực quân sự.

Bắt đầu làm việc tại kho hàng DuPont vào mùa thu năm 2020, nhiệm vụ chính của Williams là lấy hàng hoá ra khỏi băng chuyền rồi xếp nó lên trên những chiếc kệ cao. Chỉ sáu tháng sau đó, đôi vai của cô bắt đầu đau đớn đến mức không thể ôm con hay mặc quần áo mà không có sự giúp đỡ của chồng. Thậm chí có những ngày cô gần như không thể lái xe nổi.

Nỗi đau mà Williams phải chịu đã đạt đến đỉnh điểm, và nó có thể so sánh với cơn đau đớn lúc sinh con: “Khoảng thời gian đó là khoảng thời gian không hề tốt đẹp trong cuộc đời tôi".

Williams đã phải nghỉ việc hơn 150 ngày để điều trị chấn thương vai theo nhật ký chấn thương nội bộ của Amazon.

Chạy đua để đạt được chỉ tiêu công việc, nhân viên Amazon đối mặt với những thương tật nghiêm trọng suốt đời - Ảnh 7.

Hiện tại, bệnh ung thư của con gái cô đã dần thuyên giảm và cô cũng đã quyết định rời khỏi Amazon vào đầu năm nay, khi thời gian nghỉ phép của cô đã vượt quá mức quy định của công ty: “Tôi thà bỏ việc còn hơn là bị sa thải. Tôi chưa bao giờ bị đuổi việc trước đây".

Tuy đã thuyên giảm phần nào, nhưng cơn đau vai của cô vẫn chưa thể biến mất hoàn toàn sau hai đợt vật lý trị liệu: “Tôi lo lắng rằng cơn đau này sẽ diễn ra trong một thời gian dài và không thể nào biết trước được thời điểm kết thúc".

Những dự án chống thương tích vô nghĩa của Amazon

Trong bức thư cuối cùng gửi đến cổ đông vào năm 2021, người sáng lập Amazon Jeff Bezos cho biết họ đang nỗ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng chấn thương và đặt mục tiêu giảm 40% các chứng rối loạn cơ xương tại cơ sở làm việc trong 3 năm tới, biến công ty này trở thành “nơi làm việc an toàn nhất trên Trái Đất".

Nghịch lý thay, cho đến nay Amazon vẫn không cho phép các nhân viên của mình làm việc với tốc độ chậm hơn - bất chấp những áp lực ngày càng lớn đến từ các cơ quan quản lý và phương tiện truyền thông.

Chạy đua để đạt được chỉ tiêu công việc, nhân viên Amazon đối mặt với những thương tật nghiêm trọng suốt đời - Ảnh 8.

Vào năm 2021, Amazon đã quyên góp 12 triệu USD cho Hội đồng An toàn quốc gia để “phát minh ra những phương pháp mới để ngăn ngừa” chứng rối loạn cơ xương. Bên cạnh đó, công ty cũng đã triển khai các sáng kiến an toàn tại nơi làm việc của mình, bao gồm chương trình luân chuyển công việc, khoảng thời gian để giãn cơ hằng ngày cùng với tập huấn cách nâng hàng hoá.

Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu về khả năng của con người tại Đại học California, San Francisco đã tuyên bố rằng các biện pháp của Amazon không hề có tác dụng làm giảm rủi ro cho nhân viên. Đồng thời chuyên gia cũng phản đối việc công ty này lập luận rằng họ không có trách nhiệm giải quyết các mối nguy hiểm liên quan đến tốc độ làm việc.

Ba chuyên gia Carisa Harris Adamson, Robert Harrison và David Rempel cho rằng công ty không thể mong đợi việc các chương trình tập huấn sẽ ngăn ngừa chấn thương cho công nhân, trong khi về bản chất, những công việc mà họ phải làm là vô cùng nguy hiểm.

Quy trình kháng cáo của Amazon tại Washington có lẽ sẽ mất nhiều năm. Trong tháng 10, sàn thương mại điện tử này đã thực hiện bước bổ sung là kiện ngược lại bang, một bước đi được đánh giá là mang tính thách thức hội đồng kháng cáo. Các luật sư của Amazon đã tuyên bố rằng kết luận của cơ quan quản lý về an toàn làm việc là dựa trên những “dữ liệu sai lệch, không đầy đủ cùng với những tính toán vô căn cứ về rủi ro”.

Lá thư gửi giám đốc Amazon

Cả 4 nhân viên trên đây đều đã có cuộc trao đổi về tình huống của mình với Insider. Họ đều nhận thấy rằng bản thân cần phải thuyết phục công ty thay đổi các quy chế hoạt động dù có phải đối mặt với khả năng bị chính công ty trả đũa.

Allee và Troit vẫn làm việc cho Amazon, mặc dù Allee có thể sớm bị sa thải vì không đạt được chỉ tiêu năng suất của công ty.

Takakura đã bị sa thải vì thời gian nghỉ phép vượt quá quy định. Anh ấy đã dành thời gian nghỉ để chờ kết quả xét nghiệm COVID-19 vào tháng 7 - theo chính sách trước đây của Amazon, nhưng số giờ đó sẽ không được tính vào thời gian nghỉ phép của anh ấy vì Amazon đã thay đổi chính sách của mình vào đầu năm nay mà anh không hề hay biết.

Một đại diện của Amazon cho biết đã gửi văn bản cảnh báo cho Takakura trước khi đưa ra quyết định sa thải, tuy nhiên Takakura đã giải thích nguyên nhân với quản lý và tin rằng công ty đang giải quyết vấn đề của anh. Do đó anh đã bỏ qua những thông báo này.

"Tôi đã cống hiến 2 năm cho công ty này, bị thương ở công ty và cuối cùng họ lại sa thải tôi như vậy? Thật là xúc phạm", anh hiện không biết mình sẽ làm việc ở đâu tiếp theo.

Williams đang học lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và đã viết một số bài báo về tỷ lệ thương tật cao của Amazon cho môn học chuyên ngành của mình. Trong số đó có một bức thư gửi đến Giám đốc điều hành kho hàng của Amazon vào thời điểm đó, Dave Clark.

"Ngài Clark thân mến", bức thư bắt đầu. "Trước tiên, tôi muốn nói rằng tôi rất thích làm việc cho công ty của ngài. Tôi chưa bao giờ có một công việc mang lại cho tôi sự linh hoạt nhiều như vậy khi tôi cần thời gian nghỉ gấp. Nhược điểm khi làm việc cho Amazon Warehouse ở DuPont, Washington là số lượng chấn thương mà tôi đã phải chịu trong khi làm việc ở đó".

Williams nói rằng cô biết cách Amazon có thể giảm tỷ lệ thương tật của mình, đó là "đừng khiến mọi người vội vàng nữa”: “Nhưng bạn biết đấy, tôi yêu công việc của mình. Và để hàng hoá được vận chuyển thuận lợi, chúng tôi bắt buộc phải di chuyển rất nhanh".

Nguồn: Insider