Các đám cháy cũng đang bùng phát trên các đảo Corfu và Evia, các cơ quan ứng phó khẩn cấp của Hy Lạp đã ban hành lệnh sơ tán cho một số khu vực.
Khách du lịch "tháo chạy" khỏi Rhodes
Ở Rhodes, những người trong khu vực có đám cháy đã mô tả cảnh tượng hỗn loạn và rất đáng sợ. Một số người phải đi bộ hoặc tự tìm phương tiện di chuyển sau khi được yêu cầu rời đi.
Cháy rừng ở miền Trung và miền Nam của Rhodes - một hòn đảo cực kỳ nổi tiếng với những du khách - đã bùng cháy vào tuần trước. Đây là vụ cháy lớn nhất trong số các vụ cháy ở Hy Lạp. Các chuyên gia dự báo đây có khả năng là đợt cháy diễn ra lâu nhất ở nước này.
Amy Leyden, một du khách người Anh ở Rhodes, cho biết cô được yêu cầu rời khỏi khách sạn ngay lập tức nếu không cô và gia đình “sẽ không thể an toàn”.
Cô chia sẻ với Sky News: "Thật đáng sợ. Chúng tôi có đứa con gái 11 tuổi đi cùng và chúng tôi phải đi bộ trên đường lúc 2h sáng và ngọn lửa đã lan tới chỗ chúng tôi."
Cedric Guisset, một du khách người Bỉ, đã được sơ tán thành công vào cuối tuần trước chia sẻ: "Chúng tôi đã nói với khách sạn về những tin nhắn chúng tôi nhận được thông qua điện thoại yêu cầu sơ tán, nhưng phía khách sạn thậm chí còn không biết về điều này. Chúng tôi thực sự chỉ mang theo chứng minh thư, nước và một số đồ để che đầu."
Chính phủ Hy Lạp cho biết gần 19.000 người đã được sơ tán khỏi Rhodes kể từ hôm 22/7.
C h ính phủ gọi hoạt động này là "nỗ lực lớn chưa từng thấy ở Hy Lạp" và cho biết rằng 16.000 người bao gồm cả khách du lịch và người dân đã được sơ tán bằng đường bộ và 3.000 người được sơ tán bằng đường biển.
Theo cơ quan cứu hỏa địa phương, hiện có 3 lực lượng cứu hỏa đang tập trung vào khu vực trung tâm và phía Nam của hòn đảo.
Tại Corfu, các lực lượng cứu hỏa đang chiến đấu với một đám cháy rừng lớn ở phía đông bắc của hòn đảo, bùng phát vào hôm 23/7 khiến các nhà chức trách phải sơ tán người dân ở một số khu vực để đề phòng.
Hơn 2.000 người đã được sơ tán khỏi Corfu, cơ quan cứu hỏa Hy Lạp cho biết hôm 24/7. 7 khu vực đã được lệnh sơ tán để bảo vệ, cơ quan cứu hỏa cũng cho biết thêm rằng cho đến nay không có thiệt hại về tài sản nào được báo cáo.
Bộ trưởng Bộ Du lịch Hy Lạp, Olga Kefalogianni, cho biết hôm 24/7 rằng “tình hình ở Corfu không đáng báo động". Ông nói: "Chúng tôi đã tổ chức một số cuộc sơ tán nhưng không giống như ở Rhodes những ngày vừa qua."
Dự đoán sóng nhiệt kỷ lục
Tại Athens, giờ tham quan Acropolis và các địa điểm thu hút khách du lịch khác đã được sửa đổi do nhiệt độ tăng cao. Nhân viên tại một số địa điểm đang đình công để phản đối điều kiện làm việc.
Kostas Lagouvardos, giám đốc nghiên cứu tại Đài quan sát quốc gia Athens, nói với CNN: “Chúng tôi có thể sẽ trải qua một đợt nắng nóng kéo dài 15 đến 16 ngày, điều chưa từng xảy ra trước đây ở đất nước chúng tôi”. Ông cũng cho hay, kỷ lục có thể vượt qua những con số này, hiện tại rất khó để dự đoán.
Ông Lagouvardos cho biết, đợt nắng nóng liên tục dài nhất mà Hy Lạp phải đối mặt kéo dài 12 ngày, vào tháng 7/1987.
Ông cho hay nhiệt độ ở Athens vào mùa hè này có thể phá vỡ kỷ lục mọi thời đại của thành phố, được thiết lập vào tháng 6 năm 2007. Phần lớn của bán cầu Bắc đã chứng kiến nhiệt độ khắc nghiệt, châu Âu hiện cũng chứng kiến sự thay đổi đáng kể từ dạng thời tiết khắc nghiệt này sang dạng thời tiết khắc nghiệt khác.
Khu vực phía Bắc Veneto của Ý hứng chịu trận mưa đá trong đêm 19/7, làm ít nhất 110 người bị thương. Đất nước này cũng trải qua đợt nắng nóng kỷ lục. Đầu năm nay Ý đã bị lũ lụt tàn phá nặng nề.
Các nhà khoa học đang cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt sẽ còn tiếp diễn khi trái đất nóng lên.
“Thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục trở nên dữ dội hơn và có thể thay đổi theo những cách mà chúng ta chưa thể dự đoán được,” Peter Stott, một nhà khoa học về phân bổ khí hậu tại Văn phòng Khí hậu Vương quốc Anh, nói với CNN.