Một biểu hiện của nhân viên có chỉ số EQ thấp nói riêng và những nhân viên tồi nói chung là họ thường giữ tư duy áp đặt. Xuất phát từ việc những người này cho rằng họ được sinh ra, lớn lên và giáo dục trong những môi trường chuẩn mực, vì thế người khác cũng phải tuân theo những nguyên tắc và định kiến mà họ đưa ra.
Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi người một tính nết khác nhau. Chỉ khi chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, mình mới có thể hiểu và thông cảm với mỗi hành động của đối phương. Sự phán xét, áp đặt rất dễ gây ra hiểu nhầm, mâu thuẫn, đặc biệt tại môi trường công sở.
Doanh nghiệp X làm về mảng xuất nhập khẩu có lớp nhân viên đa dạng trải dài nhiều độ tuổi khác nhau. Một số "chị đại" năm nay cũng tầm 35, thậm chí 40 tuổi. Nhưng cũng có những cô nàng chỉ vừa mới ra trường, khoảng 24, 25 tuổi mà thôi.
Diệu Nhi là một trong những người trẻ mới vào công ty được tầm nửa năm. Cô này có lối sống sành điệu, trên người toàn hàng hiệu. Trong tư duy của Nhi, kể cả mình không có điều kiện sang chảnh như người khác, chúng ta vẫn nên cố gắng để bản thân nhìn trông không bị "quê mùa", kệch cỡm. Đặc biệt, mấy tháng vừa rồi, Nhi đi làm dành dụm tiền để mua chiếc điện thoại iPhone X 512Gb.
Sở dĩ Nhi mua điện thoại với dung lượng khủng như vậy là vì Nhi có sở thích chụp hình, lưu trữ nhiều ứng dụng, tài liệu mà cũng một phần để "chứng minh đẳng cấp", rằng đã mua là phải mua loại thật tốt, như thế mới là người "thượng đẳng".
Một hôm nọ, trong công ty Nhi có tổ chức một buổi liên hoan cho các thành viên sinh nhật tháng 2. Đến màn chụp hình, Nhi định lấy điện thoại ra khoe khoang với mọi người nhưng khổ nỗi đúng hôm cô để quên chiếc điện thoại ở nhà. Thế là tất cả phải chụp bằng chiếc điện thoại 5S của một chị kế toán.
Cầm 5S trên tay, Nhi nhíu mày, mồm lẩm bẩm chê xấu. Đang chụp cho mọi người, bỗng điện thoại thông báo hết dung lượng. Nhi mới hét toáng lên "Ơ sao máy đểu này đã hết dung lượng rồi nhỉ?"
Chị kế toán nhìn vậy ái ngại, bảo "Ừ điện thoại của chị 16Gb thôi, chắc bộ nhớ hơi đầy một xíu, để chị xóa bớt mấy ảnh cũ đi nha!"
Diệu Nhi vẫn có ý định cà khịa, nói một cách móc mỉa "Em nghĩ chị làm kế toán thì đến lúc thay điện thoại này đi thôi, đổi bằng 512Gb như em ấy chị. Làm cho nhiều tiền vào rồi cất đi sau này chết đâu có mang theo được. Mà bây giờ còn dùng 16Gb hạ đẳng lắm, cư dân mạng người ta lên án đầy kia kìa!"
Ba máu sáu cơn, thấy cô đồng nghiệp trẻ quá kiêu căng, lúc này chị kế toán mới đanh giọng quát: "Này chị nói cho em biết nhé, ở đâu thì không sao nhưng tại đất của công ty này đừng có mà nói cái giọng thượng đẳng hạ đẳng ở đây. Chị dùng 16Gb bao năm qua vẫn tốt này, chẳng sao cả. Những bức ảnh cũ, chị chuyển sang lưu trữ ở máy tính rồi xóa đi. Các ứng dụng quan trọng cho điện thoại chị vẫn để đấy, vẫn làm việc bình thường.
Chị muốn sống tối giản, và chị cũng đọc được ở trên mạng là cách ghi nhớ tốt nhất chính là xóa đi mọi thứ. Em rất ổn về việc này, hôm nay chụp ảnh bị lỗi chẳng qua là chị quên chưa kịp dọn dẹp lại bộ nhớ. Vậy thôi em đừng có mà cằn nhằn nhiều mất vui! Công ty mình cũng có nhiều chị dùng điện thoại 16Gb em nói vậy không ít người sẽ chạnh lòng đấy."
Những lời nói đanh thép của chị kế toán khiến Diệu Nhi câm nín. Sự thể hiện cảm xúc thái quá đã khiến cô nàng này mới là kẻ bị bẽ mặt trong mắt đồng nghiệp xung quanh. Sau vụ này, cô thực sự đã hiểu được một bài học rất lớn. Rằng chúng ta không thể vội vàng phán xét bất cứ một ai chỉ qua những món đồ mà họ dùng.
Hơn nữa, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho chị em công sở. Muốn sống sót ở chốn thị phi và khắc nghiệt này, chúng ta không nên áp đặt lối sống của mình cho người khác, kể cả khi bạn là sếp. Muốn đồng nghiệp và nhân viên nể, trước hết hãy biết lắng nghe, thông cảm và ngưng phán xét!