Chè kê, món ăn Tết của xứ Nghệ - Ảnh 1.

Chè kê ăn với bánh đa

Cũng thời điểm này ở quê, những luống khoai xanh mướt, luống rau cải trổ ngồng và đặc biệt là cây kê. Bà ngoại tôi có trồng một vườn kê xen canh dọc hai bên đường cái.

Ở quê tôi, người ta không có thói quen trồng kê đại trà mà thường trồng xen canh vào các luống khoai lang hoặc quanh các đám đất như một hàng rào.

Thời còn thơ ấu, lúc kê trổ bông, khi những bông kê non màu xanh cốm đung đưa trong gió chiều mùa xuân, mấy anh em chúng tôi thường thích chơi trốn tìm trong vườn kê, nấp dưới cái xạc xào của lá kê.

Thi thoảng, trông thấy chúng tôi chơi, ngoại khẽ khàng nhắc: "Cây kê yếu lắm nên các con phải cẩn thận, không khéo thì gãy hết cả hoa". Chúng tôi nghe ngoại dặn, sợ cây kê không ra hoa nhiều nên cũng thầm thì nhắc nhau nên cẩn thận hơn.

Tôi thích nhất vẫn là khi những bông kê bắt đầu nở rộ rồi chín dần, chuyển sang màu vàng ươm, cong mình như chiếc liềm.

Thời điểm này, thân kê cũng bắt đầu yếu hơn, ngả nghiêng mỗi khi gió thổi mạnh. Nhưng cây kê vẫn gắng gượng, dồn sức để bông kê chín đều. Khi kê chín cũng là lúc những chiếc lá kê bắt đầu ngả màu lốm đốm vàng.

Chè kê vốn là một trong những món ăn ngọt được dùng phổ biến trong những ngày Tết Nguyên đán ở miền Trung. Đặc biệt đối với đất Nghệ An quê tôi, chè kê còn được coi như món đặc sản mang đậm hương vị đồng quê xứ Nghệ nên không thể thiếu trên mâm cỗ Tết, ngang hàng với bánh tét, bánh tro.

Chè kê, món ăn Tết của xứ Nghệ - Ảnh 2.

Món chè kê

Ở quê tôi lúc xưa, khi những bộn bề lo toan của một năm sắp kết thúc, người dân cũng bắt đầu chuẩn bị đồ ăn thức uống cho một kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Những năm 80 khó khăn của đất nước, chè kê là một món ăn giản dị nhưng đầy hấp dẫn người dân làng tôi dùng để dâng cúng lên tổ tiên.

Chè kê là món ăn tuy không cầu kỳ về nguyên liệu nhưng nếu không có kinh nghiệm chắc chắn sẽ nấu không thành công. Rất may mắn rằng mẹ tôi là "thợ nấu" cực kỳ chuyên nghiệp món chè này.

Tôi cũng chẳng rõ tục nấu chè kê vào dịp Tết cổ truyền ở gia đình mình có từ bao giờ. Chỉ nhớ rằng từ khi còn bé, bản thân luôn được thưởng thức món chè kê thơm dịu, ngọt lành mà mẹ đã chu đáo nấu cho cả nhà mỗi khi Tết đến xuân sang.

Bản tính trẻ con khiến tôi cứ vô tư ăn mà chẳng biết đằng sau bát chè kê thơm ngon ấy là vô số công sức và quá trình kỳ công chuẩn bị.

Muốn chè kê ngon đúng chuẩn thì trước khi nấu phải ngâm kê trong nước lạnh khoảng hai tiếng đồng hồ cho nở mềm. Đến khi nồi nước trên bếp sôi sùng sục thì vốc từng nắm hạt kê thả vào và dần chuyển sang chế độ nhỏ lửa.

Theo như mẹ tôi chia sẻ thì người dân xứ Nghệ không dùng đường phèn mà dùng mật mía để nấu. Mật mía sau khi pha với nước lạnh sẽ được khuấy đều rồi đem lên bếp nấu, khi nấu phải cẩn thận dùng đũa khuấy để mật không bị cháy.

Mật sôi đến độ sền sệt thì cho kê đã sơ chế vào, tiếp đến cho đậu xanh làm sạch vỏ và ít gừng xắt sợi nhỏ vào.

Chè kê, món ăn Tết của xứ Nghệ - Ảnh 3.

Bánh đa kê

Nấu chè kê đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tay người nấu vẫn luôn phải khuấy đều, lửa nhỏ để đảm bảo kê chín mà không bị cháy khê.

Mâm chè cúng đêm ba mươi đặc biệt được chế biến thận trọng, nhất định không được cháy khê. Cũng bởi niềm tin vào một năm mới toàn vẹn, hạnh phúc nên món chè phải được chế biến ngon lành, thơm phức.

Khi nồi chè kê kêu lục sục, mẹ tôi sẽ nhanh tay dùng đũa khuấy đều cho đến lúc cảm giác nặng ở tay, những hạt kê bung nở như hoa ngâu thì nhanh tay cho đường vào rồi lại khuấy tiếp cho đến khi đường tan.

Chè kê khi gần chín, mẹ tôi sẽ tắt bếp nhưng vẫn để trên than hồng một lúc cho đặc lại. Sau đó, mẹ sẽ cho gừng tươi xắt lát mỏng cùng vài giọt dầu chuối vào rồi tỉ mẩn múc chè ra những bát nhỏ, phảng phất hương thơm thoang thoảng rồi đem lên cúng ông bà.

Trong gian nhà nhỏ thơm tho, mùi thơm của kê và đậu xanh hòa quyện cùng mùi thơm của gừng trong tiết trời giá rét, đem đến cảm giác ấm áp khó quên trong ngôi nhà vào đêm ba mươi.

Món chè kê lúc này sẽ có màu vàng sóng sánh trông rất hấp dẫn, kèm với đó là thoang thoảng hương cay của gừng cùng mùi thơm phức của dầu chuối. Tôi thích nhất cảm giác cho miếng chè vào miệng, cảm nhận được vị bùi và dẻo của những hạt kê li ti, vị ấm nồng của gừng hòa vào nhau tạo nên phong vị riêng biệt.

Đời sống nông thôn ngày xưa ấy không có nhiều bánh kẹo như bây giờ nên đêm ba mươi khi mâm cúng ông bà gia tiên xong thì bọn trẻ con chúng tôi vô cùng háo hức. Chúng tôi cứ thế quây quần bên bếp lửa và thưởng thức món chè kê dân dã mà nồng đượm hương vị quê hương.

Chè kê ở quê tôi thường được người dân ăn cùng với bánh đa nướng, khi ăn không cần dùng muỗng mà cứ đơn thuần dùng bánh đa xúc. Trong ánh lửa bập bùng, hơi ấm phả vào mặt, vào tay, bát chè kê bùi ngọt như cách để chào đón một năm mới với thật nhiều hy vọng và niềm vui mới.

Giờ đây, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều. Cha mẹ đã về cõi vĩnh hằng, bỏ lại bản thân bơ vơ giữa dòng đời. Có những ngày Tết, ngồi buồn bên hiên nhà, thấy lòng mình nao nao nhớ những ngày xa xưa. Đâu đó giữa những gắt gao mạch đời, chợt thèm vị ngọt bùi của món chè kê đêm ba mươi ngọt bùi của mẹ.