Hải Anh là gái Hà Nội, gặp và yêu Toàn khi cả hai còn là sinh viên. Toàn quê Hải Dương, trai quê, "chân chất" đến độ nói vẫn còn ngọng nhưng được nết chăm chỉ và nhanh nhẹn. Trước Toàn, Hải Anh từng yêu vài người nhưng thường chỉ là những mối tình thoáng qua, và cô luôn là người nói lời chia tay trước. Những anh chàng đó, người nào điều kiện cũng rất ổn: trình độ, hoàn cảnh gia đình, tiền bạc… Chỉ có điều, Hải Anh chê vì họ là công tử bột. 

Hải Anh nhớ mãi về tấm gương của mẹ, khi cả một đời phải lo toan gánh vác công việc của cả gia đình, lo về kinh tế, về ngoại giao, họ hàng hai bên nội ngoại. Chỉ vì bố Hải Anh là trai phố, bố quen với việc được dựa dẫm và chơi bời. Mọi việc từ nhỏ đến lớn, từ khó khăn đến đơn giản, lúc bố nhỏ thì ông bà nội lo lắng, đến khi bố lấy vợ thì mẹ Hải Anh gánh vác. 

Mẹ Hải Anh là người chịu đựng, quen nhẫn nhục, cả đời hy sinh cho chồng con mà không một lời kêu than, có chồng mà nhiều khi chẳng khác một bà mẹ đơn thân. Mẹ bảo đời mẹ đã khổ, thì đời con gái mẹ nhất quyết không được dẫm vào vết xe đổ của mẹ. Đây cũng là lý do chính để Hải Anh quyết định yêu và lấy Toàn.

Chê trai phố, gặp đúng gã chồng quê “đào mỏ” 1
Toàn càng ngày càng lộ rõ bản chất "đào mỏ" nhà vợ (ảnh minh họa).

Ngày còn yêu nhau, Toàn khiến Hải Anh cảm động vì luôn là người xuất hiện đúng khi mẹ con cô cần. Bóng đèn điện hỏng, Toàn mua đến thay. Xe cộ hỏng, Toàn lần lượt dắt đi sửa từng chiếc. Đường ống, vòi nước, dây điện… cũng đều một tay Toàn sửa. 

Mẹ Hải Anh, lúc mới đầu còn hơi "dị ứng" về tật nói ngọng của Toàn. Nhưng về cơ bản, sự chăm chỉ của Toàn khiến bà cảm thấy yên lòng. Hải Anh không yêu Toàn nhiều như Toàn yêu cô, cô cảm thấy vậy. Còn một điểm nữa ở Toàn khiến Hải Anh có chút lăn tăn, đó là việc anh rất hay so sánh kinh tế hai bên gia đình, và nhiều lần nhấn mạnh về tiền bạc. Nhưng với Hải Anh, đó là những thiếu sót nhỏ và cô tin rằng theo thời gian cô sẽ “cải tạo” được tính cách của Toàn.

Đám cưới diễn ra nhanh chóng sau khi Hải Anh nhận được công việc mới ở một ngân hàng. Toàn cũng có 2 năm gắn bó tại một công ty chuyên về kinh doanh thiết bị máy tính. Hai vợ chồng mới cưới, cũng để tiện công việc nên hai bên gia đình cùng thống nhất sẽ để đôi vợ chồng trẻ ở tại nhà ngoại, một tháng về thăm nhà nội ở Hải Dương một lần. 

Thời gian đầu, mọi việc diễn ra tốt đẹp, mẹ Hải Anh phấn khởi thấy rõ khi kén được chàng rể chịu khó, lễ phép. Hải Anh cũng vui vẻ khi bầu không khí trong nhà phấn chấn hơn xưa rất nhiều. Hải Anh còn cảm động khi thấy Toàn tỏ ra thông cảm với công việc của vợ, không nề hà vào bếp giúp mẹ vợ làm cơm tối vào những hôm vợ phải làm thêm giờ về muộn.

Hải Anh chỉ nhận ra được sự thay đổi trong thái độ của chồng khi lần đầu tiên hai người xử lý vấn đề liên quan đến kinh tế. Toàn là người an phận, không muốn bon chen vất vả nên bằng lòng với mức lương thấp chỉ bằng một nửa của vợ tại công ty máy tính.

Lương hàng tháng của Toàn khoảng 5 triệu đồng, Toàn đưa về cho Hải Anh 2 triệu, sau khi giữ lại cho mình 3 triệu để ăn sáng, xăng xe, điện thoại. Thực sự, nếu không có sự trợ giúp của nhà ngoại, hai vợ chồng cũng khó có thể sống đầy đủ khi thuê nhà ở riêng. Vợ chồng son mà chi dùng đôi khi còn thiếu, nhất là những tháng Hải Anh quá tay shopping, nữa là sau này có con cái.

Toàn biết thừa hai vợ chồng hàng tháng vẫn phải nhờ vả vào nhà ngoại, nhưng lại không muốn bản thân mình thiếu thốn. Đầu tiên, Toàn ngỏ ý muốn đổi xe mới với lý do: “Cả công ty đều biết anh lấy vợ là con gái một, nhà điều kiện, để anh đi mãi chiếc xe cọc cạch từ hồi sinh viên đến giờ coi sao được!”. Hải Anh thoáng chút phật ý vì sự khoe mẽ của chồng nhưng nghĩ rằng dù sao chiếc xe cũng đã cũ, hỏng phải dắt đi sửa nhiều lần nên cũng vui vẻ bàn với chồng về việc mua xe mới. 

Sau một hồi bàn đi tính lại, Hải Anh quyết dồn tiền lương mua cho chồng một chiếc xe wave mới, chẳng ngờ vừa nói ra đã bị Toàn gạt phắt. Ý Toàn muốn mua một chiếc xe ga đi lại cho nhàn hạ và sang trọng một chút, hợp với “vai vế” của Toàn lúc này. Còn tiền, Toàn nói thẳng: “Anh không có tiền đâu, cái này em tự cân đối với mẹ (ý toàn là mẹ vợ). Nhà em khá giả, lại có một mình em, không cho con gái với con rể thì tiền bố mẹ để làm gì đâu”.

Việc đổi xe chưa giải quyết xong, lại thấy Toàn thông báo dưới nhà nội đang cần tiền sửa nhà, chuẩn bị cho cậu em chồng cưới vợ. Ngày hôm trước, Toàn báo với vợ thu xếp ít tiền gửi về Hải Dương góp cho ông bà thì hôm sau đích thân mẹ chồng gọi điện, ỉ ôi kể khổ với con dâu. 

Hải Anh cũng trình bày hoàn cảnh rằng hai vợ chồng đến giờ vẫn chưa để ra được nhiều tiền, Toàn lại vừa muốn đổi xe mới nên nếu có đóng góp thì cũng chỉ giúp đỡ được ông bà một chút ít gọi là thêm thắt tiền công thợ thôi. 

Nghe đến thế, mẹ chồng bất ngờ chuyển giọng: “Mẹ nghe thằng Toàn kể là con làm ngân hàng kiếm cũng khá khẩm, mẹ nghĩ là có vài chục triệu có gì khó khăn quá đâu nhỉ? Hay là con tiếc bố mẹ”. Đến tối về, Toàn cũng cằn nhằn về việc mẹ gọi điện than thở con dâu ki bo với nhà chồng. Toàn chốt lại bằng câu: “Em làm thế nào thì làm, chứ mẹ đã nói thế rồi, có khó khăn mới phải nhờ đến con cái!”.

Hải Anh sững sờ khi nghe thấy lời Toàn nói như vậy, vì quả thực tiền bạc nhà cô không đến mức quá thiếu thốn, nhưng để có một lúc cả một số tiền lớn, lo cả hai việc đằng nhà chồng như thế thì quả là quá sức với cô. Nhất là khi Hải Anh không hề muốn nhờ vả bố mẹ đẻ. 

Cô thở dài, nghĩ đến lời chị đồng nghiệp nói với cô lúc chiều trước khi tan sở: “Cẩn thận, không khéo lại rơi đúng vào nhà chồng chuyên nghề 'đào mỏ' em ạ!”.