Chết vì sợ đến viện lây Covid-19 - Ảnh 1.

Cẩn thận với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (ảnh minh hoạ)

Thông tin với phóng viên Infonet, PGS. TS. BS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội cho biết, nam bệnh nhân 85 tuổi  ở Thanh Xuân, có tiền sử bệnh tâm phế mạn, dùng thuốc thường xuyên.

Lần này khó thở 10 ngày nay nhưng sợ dịch Covid-19 nên bệnh nhân không đến viện ngay mà ở nhà điều trị.

Cách đây 2 ngày, những cơn khó thở nhiều lên, không chịu được nữa người nhà mới gọi 115 đưa cụ ông vào viện.

Khi đến Khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Bệnh viện ĐH Y, bệnh nhân đã tím tái, thở ngáp, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn và đưa vào viện.

“Lúc vào viện bệnh nhân vẫn ngừng tuần hoàn, sau cấp cứu 15 phút tuần hoàn tái lập. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực nhưng sáng nay cụ ông đã không thể qua khỏi”, PGS. TS. BS Hoàng Bùi Hải thông tin.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngừng tuần hoàn ngoại viện/ Đợt cấp tâm phế mạn. Sau đó tiếp tục hồi sức, các tạng suy dần, bệnh nhân tử vong sau đó.

Trao đổi thêm về ca bệnh này, PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV ĐH Y cho biết, bệnh viện đã làm mọi cách nhưng không thành công. Thật buồn vì bệnh hoàn toàn có thể giải quyết được nếu đến viện sớm hơn.

Trước diễn biến dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, có hai thái cực xảy ra: nhiều người sợ không dám đến viện nhưng ngược lại có rất nhiều người chỉ sốt, đau họng cũng … lao đến viện.

“Rất nhiều người vì quá lo sợ bị nhiễm Covid-19 mà đến viện chỉ vì triệu chứng sốt, đau họng thông thường ... Nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân khác và lan vào bệnh viện sẽ bị tăng lên. Nguồn lực chống dịch vốn đã hạn hẹp sẽ càng trở nên khó khăn”, PGS. TS  Nguyễn Lân Hiếu nói.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng hầu hết người người nhiễm SARS- CoV- 2 sẽ có triệu chứng bệnh từ nhẹ đến trung bình và nặng.

Hầu hết người bệnh (khoảng hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.

Các triệu chứng ít gặp hơn gồm: đau nhức, đau họng, tiêu chảy, viêm kết mạc, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác… Khoảng gần 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 7- 8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện...Trong đó khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, ...), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.

Tử vong xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Ở người lớn, các yếu tố tiên lượng tăng nguy cơ tử vong là tuổi cao, điểm suy đa tạng SOFA cao khi nhập viện và nồng độ D-dimer > 1 mg/L.

Các chuyên gia khuyến cáo, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 giữa người và người là khi cả hai không đeo khẩu trang và tiếp xúc gần, thông qua giọt bắn ho, hắt hơi, nói chuyện.

Việc đi đến nơi đông người, tụ tập khi không có việc cần thiết đều được khuyến cáo là hạn chế trong thời gian dịch bệnh này, nhưng không có nghĩa là bệnh nhân không nên đến bệnh viện để khám bệnh.

Theo đó, khi có việc cần thiết phải đi ra ngoài đường, đến nơi đông người, cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch hoặc nước rửa tay sát trùng, tuân theo sự chỉ dẫn của nhân viên y tế, hạn chế giao lưu nói chuyện với bệnh nhân không quen biết khác thì khi mọi người đi khám bệnh sẽ được an toàn.

Hơn nữa, trong mỗi bệnh viện được phân công cách ly và điều trị Covid-19 đều có bộ phận chuyên trách khám và chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh này. Do đó, khi có bệnh hoặc khi bạn mắc bệnh mạn tính, cần phải khám định kỳ thì hãy bình tĩnh và đi khám bệnh bình thường. Hãy phòng bệnh an toàn, nhưng đừng lo sợ quá mà từ chối điều trị bệnh lý khác có khi nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau tim mạch và ung thư. Mỗi năm toàn cầu có hơn 300 triệu người được phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Ở Việt Nam, theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc COPD là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.

Điều đáng nói, đây là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến người bệnh suy sụp về tinh thần vì phải điều trị suốt đời.

Chết vì sợ đến viện lây Covid-19 - Ảnh 2.