Chỉ cao 1,53m nhưng nặng tới 100kg, cô gái trẻ đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm - Ảnh 1.

Phẫu thuật điều trị béo phì cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân cho biết: Từ nhỏ cô đã mũm mĩm hơn các bạn cùng trang lứa, đến tuổi dậy thì cô càng không thể kiểm soát được cân nặng của mình. Thân hình béo phì khiến sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe gặp nhiều khó khăn.

Bệnh nhân đã tìm tới nhiều biện pháp giảm cân như luyện tập, ăn kiêng nhưng không hiệu quả. Với chỉ số BMI 43, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị béo phì độ 3.

Theo TS.BS Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu Tiêu hóa, bệnh nhân này là một trong gần 300 trường hợp béo phì tìm đến bệnh viện khi không thể kiểm soát được cân nặng, nhiều trường hợp rơi vào trạng thái tự ti, trầm cảm vì thừa cân, béo phì. Bệnh nhân đến bệnh viện khi béo phì đã ở độ 3, tiểu đường cao (định lượng glucose 9,68 mmol/L), kèm theo bệnh lý đái tháo đường, kinh nguyệt rối loạn.

Rối loạn kinh nguyệt, vô sinh là hai trong số hàng chục nguy cơ sức khoẻ mà béo phì gây ra và là "rào cản" rất lớn đối với người bệnh béo phì, đặc biệt là những người trẻ, chưa lập gia đình. Với sự tư vấn của các bác sĩ, bệnh nhân đã lựa chọn phương pháp tạo hình dạ dày ống đứng để giảm hấp thu thức ăn vào cơ thể.

Phẫu thuật điều trị béo phì đang được xem là phương pháp khá bền vững. Tại Việt Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở đầu tiên thực hiện, đến nay đã phẫu thuật được gần 300 ca, ca nhỏ tuổi nhất là cô gái 16 tuổi, lớn nhất là 63 tuổi.

Theo phân loại với người châu Á, một người có thể trọng bình thường (không phải người mang thai) khi BMI ở mức từ 18,5 đến 23. Nếu có BMI trong khoảng 23 đến dưới 25 được xem là thừa cân, tiền béo phì; BMI từ 25 đến 30 được xem là béo phì độ 1; từ 30-35 là béo phì độ 2 và trên 35 là béo phì độ 3. Bệnh nhân áp dụng phương pháp tạo hình dạ dày ống đứng thường có chỉ số BMI trên 30, có một số bệnh lý đi kèm như huyết áp cao, đau khớp, vô sinh, đái tháo đường, rối loạn kinh nguyệt…