Việc tháp nước Hàng Đậu lần đầu tiên mở cửa tham quan vào ngày 17/11 vừa qua đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. Mặc dù ban tổ chức đã chia thành 3 ca sáng - chiều - tối, từ 8h30 sáng đến 21h tối, nhưng không lúc nào không có người xếp hàng dài chờ tới lượt vào.
Trong số khách ghé tới, có những bạn trẻ đến chụp ảnh, những gia đình đưa con đi như hoạt động vui chơi... và cả những ông, bà đã ngoài 70 tuổi. Họ đều đến, mang theo sự tò mò về một công trình đã nằm im lìm giữa khu phố trung tâm suốt gần 130 năm qua.
Ca tham quan buổi chiều kéo dài từ 13h đến 17h, nhiều người vẫn tập trung ngay từ sớm với mong muốn không phải chờ đợi quá lâu. Hai bên vỉa hè của vườn hoa Hàng Đậu, ban tổ chức đều bố trí khu vực trông xe cho khách tham quan.
Tại đây, tình nguyện viên chia khách tham quan thành 2 hàng. Một hàng là những ai đã đăng ký trước trên website, một hàng dành cho khách chưa đăng ký. Tuy nhiên, không phải không đăng ký thì sẽ đợi quá lâu bởi trong quá trình sắp xếp, người hướng dẫn luôn lấy ưu tiên cho hàng đã đăng ký cùng với một số lượng ở hàng 2. Người hướng dẫn cũng giải thích rõ rằng, bởi không gian khá hẹp nên để đảm bảo, mỗi lượt tham quan sẽ có 15 - 20 khách.
Tình nguyện viên nối tiếp nhau hướng dẫn du khách. Trước khi vào tham quan, mọi người được nghe sơ qua về lịch sử hình thành cũng như thông tin của triển lãm trưng bày bên trong. Vào tới cửa, có người dẫn đoàn từ lúc bắt đầu tới lúc bước ra khỏi công trình.
5 phút không đủ để căn góc chụp ảnh?
Bước vào bên trong tháp nước Hàng Đậu, một không gian như tách biệt hẳn với sự ồn ào ở nơi ngã sáu bên ngoài. Trong 5 - 10 phút ở bên trong, du khách sẽ đi trên một chiếc cầu gỗ theo hướng vòng tròn. Trong các khoang được trưng bày đĩa tái chế với màu sắc khác nhau, đung đưa theo âm thanh của nước. Nếu im lặng lắng nghe, sẽ cảm nhận được trong lành, mát mẻ.
Nhưng bởi không gian không quá rộng, nếu đi một mạch thì chừng 5 phút là quay lại điểm xuất phát. Cho nên, nếu muốn có được những bức hình nghệ thuật ở đây thì phải tạo dáng và bấm máy thật nhanh.
"Mình đã xem clip review trên TikTok, các bạn nói rằng được 15 - 20 phút tham quan nhưng cả bạn mình và mình đi 2 buổi gần đây đều chỉ được 5 phút, có lẽ vì lượng người quá đông nên phải rút ngắn thời gian. Thông thường, với những triển lãm nghệ thuật thì phải chụp ảnh mấy tiếng mới đã, ở đây mình đi ngang qua thấy góc đẹp chỉ kịp giơ máy lên chụp lại rồi đi ngay, chưa kịp bước vào. Hơn nữa, đứng lại thì người đi sau mình phải dừng và chờ đợi, cũng ngại nữa", Phương Dung cho hay.
... Nhưng vừa đủ để cảm nhận
Bác Huỳnh Trí Minh (79 tuổi, Đống Đa), vừa đi cùng đoàn vào thăm, vừa kể cho mọi người nghe về sự tò mò của bản thân từ hồi còn nhỏ đối với tháp nước Hàng Đậu này: "Trước kia mọi người hay gọi là bốt Hàng Đậu, chính tôi cũng nghĩ như vậy, cho rằng nó như cái lô cốt hay trạm gác của người Pháp. Với tôi, chờ 30 phút không là gì khi tôi đã phải chờ hàng chục năm mới được tới tận nơi, tận mắt thấy đường ống nước còn nguyên vẹn sau bao nhiêu năm, sờ lên từng mảng đá. Tôi tự hỏi tại sao tận thế kỷ trước, người ta đã xây được một công trình đồ sộ đến như vậy".
"Triển lãm nghệ thuật, mang những chiếc đĩa sắc màu từ vật liệu tái chế giúp cho mọi người bước vào có cảm giác dễ chịu hơn, ánh sáng đẹp hơn, chứ tôi đồ rằng nếu chỉ có nước thì trong đây đúng là hơi tối", bác Minh nói thêm.
Vợ chồng chị Minh Hà đưa theo người con trai 6 tuổi vào tham quan, đi trên chiếc cầu nhỏ, cậu bé không ngừng nói: "Đẹp quá bố mẹ nhỉ, cái này là gì vậy ạ, con có được lội nước ra xem không?" Tuy nhiên, vợ chồng anh chị không thể dừng lại quá lâu để cho con nhìn mà phải đợi đến khi ra ngoài mới mở hình và giải thích cho con. "Chính mình cũng chưa thể hiểu hết về tháp nước Hàng Đậu này. Song, trước khi bước vào đây mình đã đọc thông tin ở bảng giới thiệu và triển lãm ảnh tháp nước Hàng Đậu, về nhà chắc là phải tìm hiểu thêm để giải thích cho con. Hy vọng sẽ có một hôm khác cả nhà được ở trong lâu hơn và nếu được thì sẽ có thuyết minh để du khách dễ nắm bắt hơn. Với một di tích kiến trúc mang tính biểu tượng như thế này, kể cả bán vé thì mình cũng sẵn sàng mua để tới tham quan", chồng chị Hà nói.
Những thông tin ở phần triển lãm bên phía vườn hoa Hàng Đậu giúp khách tham quan tìm hiểu rõ hơn về tháp nước Hàng Đậu.
Mọi người đã viết gì trong cuốn lưu bút
Bước ra đến cửa, sự ồn ào của cuộc sống bên ngoài trở lại, song, nhiều người vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng. Mọi người xếp hàng để lại những cảm xúc trong cuốn lưu bút. Lật xem một vài trang, có thể thấy, ai cũng ghi lại tên của mình, đánh dấu kỷ niệm trăm năm mới có một lần ở Hà Nội. Bên cạnh đó, cũng có không ít người bày tỏ mong muốn sẽ được thăm công trình đồ sộ này thêm một chút thời gian nữa, như hiện tại là quá gấp gáp.
"Chúng tôi đã check in ở tháp Hàng Đậu. Đẹp lắm nhưng mà hơi gấp gáp".
"Tháp nước Hàng Đậu là công trình kiến trúc, là một trong những biểu tượng của thành phố Hà Nội. Tôi mong nơi này sẽ mở cửa thường xuyên, trở thành di tích tham quan thu hút khách du lịch".
5 phút rõ ràng rất ít, nhưng có lẽ vừa đủ để "đánh thức" mọi người, bước đầu chú ý hơn về những di tích ở xung quanh chúng ta, vốn đã bị bỏ quên cả trăm năm. Và hiệu ứng từ Tuần lễ Thiết kế sáng tạo mới là mở đầu, hy vọng rằng thời gian tới đây, tháp nước Hàng Đậu cũng như những địa chỉ lịch sử của Hà Nội sẽ tiếp tục trở thành địa điểm thu hút đông đảo người dân và khách du lịch.