Phượng và Đạt vừa mới bước vào cuộc sống hôn nhân được ít tháng. Mặc dù nhà cửa chật chội nhưng hai vợ chồng vẫn ở chung với bố mẹ vì điều kiện chưa cho phép ra ở riêng. Lấy nhau được 4 tháng thì Phượng có bầu. Khổ nỗi, sức khỏe của Phượng chẳng được như người ta, thế là đành phải nghỉ việc ở nhà, tất cả cũng là vì nghĩ cho con.
Đạt thì thương vợ nên không có vấn đề gì, thấy vợ như thế anh càng lo lắng, quan tâm hơn. Thỉnh thoảng Đạt vẫn mua thứ này thứ kia dấm dúi đem cho vợ ăn tẩm bổ, dù tiền nong cũng chẳng có nhiều. Thế nhưng trong mắt của mọi người trong nhà chồng thì Phượng đúng là một đứa ăn bám không hơn không kém.
Mẹ chồng lúc nào cũng bảo, con trai bà vất vả nên lấy phải Phượng, tự nhiên mua thêm gánh nặng vào người. Bà thương con trai đi làm vất vả, chẳng được nghỉ ngơi còn con dâu cứ ở nhà chơi không, hưởng thụ, không biết xấu hổ. Cô em chồng Phượng cũng hùa vào trách móc, soi mói chị dâu đủ kiểu khiến Phượng nhiều khi tủi thân phát khóc. Mọi người còn nói ý, đẩy Phượng về nhà ngoại mà ở, cho bố mẹ chăm sóc. Nhưng nhà Phượng ở quê, cũng chẳng khá giả gì, bố mẹ còn phải làm ruộng chắt chiu từng đồng. Hơn nữa, họ lại rất cổ hủ, lạc hậu, sợ bị tiếng sao con gái lấy chồng lại cứ về ở nhà ngoại suốt.
Mang tiếng ở nhà nghỉ ngơi nhưng Phượng nào có được nghỉ lúc nào. Cả ngày cô lại phải làm hết việc nhà cửa, cơm nước, quần áo, bác sĩ bảo phải kiêng nhưng đã không đi làm, lại còn nằm một chỗ thì không biết nhà chồng còn thái độ thế nào nữa nên Phượng đành cố gắng. Đến tối về, hễ Đạt có giúp vợ việc gì thì ngay lập tức mẹ anh ngăn cản, cản không được thì bà lại ngồi than thở, thương cậu con trai của mình.
Từ ngày bầu bí, Phượng cũng chẳng được ăn uống ngon lành, bổ dưỡng như người ta. Nghĩ thương con lắm nên tháng này chồng lĩnh lương, cô xin phép lấy một khoản để mua sữa bầu uống, có cửa hàng người ta cũng đang giảm giá. Đạt đồng ý ngay, anh có tiếc gì vợ. Nghe Phượng nói thế anh càng thương, càng thấy có lỗi với vợ con nhiều hơn. Ngay chiều hôm đó, Đạt chở Phượng đi mua sữa, còn tạt vào cửa hàng mua một chiếc váy nữa.
(Ảnh minh họa)
Hai vợ chồng mua bán xong vui vẻ về nhà, ngay lập tức hộp sữa cùng chiếc váy trên tay Phượng đã lọt vào tầm ngắm của mẹ chồng và cô em chồng.
Hai người lại bắt đầu chỉ trích Phượng, mẹ chồng thì bóng gió nói ý, còn cô em chồng thì nói thẳng như tát nước vào mặt chị luôn: "Chị ăn chơi nhỉ, mua sữa xịn thế, lại còn cả váy nữa cơ à. Đã không đi làm, ở nhà ăn bám chồng mà còn biết đòi hỏi ghê".
Phượng chẳng nói gì, từ lâu cô đã "miễn dịch" với những lời lẽ cay độc của mọi người rồi còn Đạt lườm em gái, nhắc nhở cô em hỗn láo của mình đừng ăn nói lung tung.
Thế nhưng cô ta đâu có sợ, lại tiếp tục xỉa xói: "Mẹ tôi già như này, xương khớp đau tứ tung, nhiều khi ốm nằm một chỗ, chả thấy anh chị biếu được hộp sữa nào. Còn chị thì tiêu hoang gớm. Ăn uống có phải khổ cực gì đâu mà còn phải dặm thêm sữa nữa. Mà nhé, cái này uống vào chỉ béo mẹ thôi, chẳng vào con được gì đâu".
Thực sự Đạt biết mẹ và em gái quá đáng với vợ mình từ lâu rồi nhưng vẫn cố nhẫn nhịn cho êm cửa êm nhà. Dù gì Đạt cũng ở giữa rất khó xử, nhưng hôm nay thì anh không nhịn thêm được nữa vì mọi thứ đã đi quá giới hạn rồi.
Cô em gái dứt lời, Đạt giật túi sữa trên tay Phượng, mở hộp đổ hết vào thùng rác trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Xong xuôi, Đạt bức xúc nói: "Hộp sữa vừa rồi là sữa cận date nên được giảm giá, Phượng thấy rẻ nên mua nhưng cả nhà đã gieo tiếng ác cho Phượng rằng cô ấy ăn bám, tiêu hoang này kia thì thôi để mai mua hẳn hộp sữa xịn mà uống, đằng nào chẳng mang tiếng rồi".
Thấy Đạt nổi nóng như vậy, cả mẹ anh và cô em gái đều tái mặt vì trước nay anh vốn sống hòa nhã với mọi người. Cả hai ngượng ngùng, sợ sệt đưa mắt nhìn nhau rồi không nói thêm được câu gì.
Lên phòng, Đạt mới khóc nức nở vì uất ức, anh xin lỗi vợ vì lâu nay đã để cô phải chịu nhiều cay đắng. Đạt hứa từ nay sẽ không để Phượng thiệt thòi nữa. Có lẽ Đạt sẽ tính đến chuyện ra ở riêng, dẫu có nhiều khó khăn trước mắt nhưng cứ thế này, sinh con xong chắc Phượng bị trầm cảm mất.