Khoảng 2 tuần trước, album ảnh thí sinh dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam trên trang Facebook nọ đã có dịp khuấy động "làng Phây". Thứ người ta quan tâm không phải là 1,9 ngàn lượt chia sẻ trong vài ngày, cũng chẳng phải tiêu chuẩn cao của một cuộc thi nhan sắc tầm cỡ. Dân mạng hồ hởi đến thế là bởi họ không giấu nổi sự khoái chí khi lướt xuống đọc các "top comment":

Chị em bày nhau: Bớt chê bai, ngừng so đo - Cho lòng thanh thản khỏi lo nghĩ nhiều! - Ảnh 1.

Lạ một nỗi, 100% những lời bình phẩm kém hay bên trên đều là cách phái đẹp đang tự nói về nhau!

Phụ nữ đã tốn không biết bao nhiêu công sức, thời gian, giấy mực đấu tranh để được xã hội tôn trọng và cư xử công bằng. Ấy thế mà bên trong cuộc chiến, chị em mình chứ chẳng phải ai khác vẫn tự làm khổ nhau bằng trăm lời xúc xiểm. Nói như ngôn ngữ của giới trẻ bây giờ: "Không yêu xin đừng nói lời cay đắng". Bởi phát ngôn đúng lúc có thể chứa sức mạnh hàn gắn phi thường, còn lời nói kém duyên cũng tựa lưỡi dao với khả năng sát thương vô cùng tận.

Vậy đâu là "chất gây nghiện" phía sau hàng loạt lời chê bai cửa miệng?

Khi chẳng hài lòng với những điều mình có, bởi thiếu tự tin về chính bản thân mình, nhiều chị em chọn cách hạ thấp người khác bằng lời ra tiếng vào xấu xí. Cơ chế hoạt động của tâm lý này tương tự trò chơi bập bênh: mỗi lần hạ đối phương xuống, bạn thấy mình được nâng bổng lên sung sướng.

Hả hê thật đấy chứ!

Tôi vẫn tưởng tượng trong vài cuộc hội thoại vô thưởng vô phạt, ẩn sau lời mỉa mai các cô dành cho nhau, mỗi người đã âm thầm đánh một dấu "tick" vào "Bộ tiêu chí Người phụ nữ tốt" do mình soạn thảo. Chị hàng xóm không biết nấu cỗ chuẩn như mình – 1 tick. Con cái nhà bên chỉ học trường làng khi con mình vào trường chuyên – 2 tick. Chị kia đẻ xong trông xập xệ hơn mình rồi – 3 tick. Chồng bên ấy ở nhà nội trợ chứ không đi làm kiếm tiền – 4 tick. Nhà đó con dâu cãi mẹ chồng "chem chẻm" chứ không ngoan như mình – 5 tick.

Chị em bày nhau: Bớt chê bai, ngừng so đo - Cho lòng thanh thản khỏi lo nghĩ nhiều! - Ảnh 2.

Cứ thế, khi chẳng còn gì đặc sắc để khoe, e rằng "hữu xạ" chẳng đủ "tự nhiên hương", ta bèn rướn mình lên bằng những phép so sánh thiệt hơn lẫn chê bai khập khiễng. (Ảnh: Benjo Arwas)

Về cơ bản con người luôn có hai cách để nuôi dưỡng lòng tự tin và bồi đắp giá trị bản thân. Một là tự soi chiếu vào bên trong mình rồi nỗ lực bứt lên để tôi-của-hôm-nay hoàn thiện hơn tôi-của-hôm-qua một chút. Hai là ta đẩy người khác xuống bậc dưới để tự thấy mình – dù chẳng hề thay đổi – nghiễm nhiên ở vị trí cao hơn. Cách một là việc nên làm, nhưng cách hai lại là thứ dễ làm. Cách một cho ta sự thanh thản từ trong tâm, cách hai đẩy ta vào cuộc đua bất tận nhằm thỏa mãn lòng ích kỷ. Cách một là nền móng để phụ nữ hình thành góc nhìn khách quan về mình, còn cách hai chỉ có thể nhất thời vỗ về lòng ảo tưởng.

Không chỉ vậy, "ma lực" của những lời chỉ trích còn nằm ở chỗ nó giúp ta nhanh chóng hòa nhập vào số đông. Hiểu đơn giản, hai người phụ nữ tìm đến nhau và nói về cuộc sống của người thứ 3 để thỏa mãn nhu cầu được chia sẻ, thể hiện quan điểm, và quan trọng nhất là được "nhập hội". Tiếng nói của đám đông dù sai vẫn rất dễ để hóa thành chân lý.

Bạn cứ thử lục lại mấy cuộc "buôn dưa lê" kinh điển của các bà, các cô ở quán nước đầu ngõ mà xem. Dăm ba câu chuyện làm quà, rắc thêm một ít chê bôi, bỏ vào một tẹo săm soi, nhớ đừng quên vài lời xỉa xói. Từ châm chọc ngoại hình của cô A đến chê trách học vấn của cô B, rồi hoài nghi gia sản của cô C thế mới đủ bộ! Như những chuyên gia thứ thiệt, phụ nữ "định giá" nhau thật nhanh chỉ sau mấy câu đặt điều, bàn tán vừa đủ cạn một ấm nước chè.

Chị em bày nhau: Bớt chê bai, ngừng so đo - Cho lòng thanh thản khỏi lo nghĩ nhiều! - Ảnh 3.

Khao khát được "nhập hội", được là thành viên của một nhóm như liều thuốc tăng lực thúc ta hùa theo nói những lời không hay, không phải. Thật dễ dàng để khắt khe với người khác nhưng luôn khó khăn để nghiêm khắc với bản thân mình. Hạt mầm của lòng tốt cần rất nhiều thời gian để lớn thành cây, còn bụi phấn của điều dở chỉ cần một cơn gió để tỏa đi khắp chốn.

Buồn một nỗi, lời chê bai còn dắt dây thêm hai người "họ hàng" khác mang tên "suy diễn" và "quy chụp".

Cô hàng xôi chê chị hàng bún: "Dạo này béo quá". Nhưng trong đầu đã vẽ xong kịch bản: "Chết, thế thì giữ chồng kiểu gì? Không giảm cân nó lại tót theo đứa khác ngon nghẻ hơn!"

Bác bán phở bảo cô gái trẻ: "Sách vở có gì hay mà mày cứ cắm đầu vào học!". Nhưng trong lòng đã thòng thêm suy nghĩ:

Cô này mọt sách, lười yêu

Chỏng chơ gái ế biết liều lấy ai?

Khoảng cách từ suy nghĩ vu vơ của người này đến vết xước trong lòng người kia chỉ bằng đúng một lời nói. Lời chê bai từ miệng người này chỉ nhẹ tênh nơi đầu môi nhưng đến­­ tai người kia đã nặng như đá tảng. Câu xỏ xiên với người này chỉ là lối bông đùa song với người kia đã đủ thành nỗi mặc cảm nặng nề.

Hạ người khác xuống đâu làm bạn cao hơn. Khiến ai đó buồn chẳng giúp bạn vui vẻ. Dò xét, đặt điều về cuộc sống của mọi người cũng không thể giúp bạn thêm hạnh phúc. Đơn giản bởi chừng nào ta còn nghĩ xấu về người khác, chừng ấy lòng ta còn thường trực nỗi sợ thiên hạ cũng nghĩ xấu về mình. Trên thực tế, lối sống so đo và thói quen chỉ trích người khác chính là đồng minh của cảm xúc bất mãn và tiêu cực đó thôi!

Chị em bày nhau: Bớt chê bai, ngừng so đo - Cho lòng thanh thản khỏi lo nghĩ nhiều! - Ảnh 4.

Không ai sinh ra trên đời đã hoàn hảo. Con người luôn là khối rubik nhiều mặt với phải, trái, đúng, sai, tốt, xấu không ngừng thay đổi và chuyển hóa lẫn nhau. Thiết nghĩ, chẳng phải phụ nữ chúng ta yêu thương và muốn được yêu thương chính là để bù đắp vào những điều không hoàn hảo ấy hay sao? Khi chị em ngưng kìm hãm nhau, chúng ta có thêm cơ hội để cùng phát triển. Thay vì đẩy người nào xuống, hãy nhường chỗ để tất cả được bước lên.

Không phải vô cớ mà người Nhật rất thích trưng bày bộ ba chú khỉ ngồi bịt mắt, bịt tai, bịt miệng trong phòng, trên bàn làm việc. Trong tiếng Nhật có câu "Mi-zaru, kika-zaru, iwa-zaru" nghĩa là "Không thấy, không nghe, không nói". Vì từ "zaru" đọc lên giống "saru" (con khỉ), nên ba chú khỉ kia chính biểu trưng cho triết lý này.

Hình ảnh đó không cổ súy cho lối sống "thân ai nấy lo", chỉ mong yên phận, mặc kệ sự đời. Nó chỉ nhẹ nhàng như một lời nhắc nhở: Đừng nhìn điều không đáng, đừng nghe điều không đúng, đừng nói điều không hay!

Chị em bày nhau: Bớt chê bai, ngừng so đo - Cho lòng thanh thản khỏi lo nghĩ nhiều! - Ảnh 5.

Thiết nghĩ ta cũng nên học hỏi cách sống ấy. Bớt buông lời chỉ trích, thêm một chút cảm thông. Bớt quy chụp vội vàng, thêm lắng nghe, thấu hiểu. Trước khi trách người, hãy tự soi mình. Những lời góp ý tế nhị khác với lối nói hạ bệ vô tâm. Tư duy phản biện để tìm ra giải pháp khác hoàn toàn với bêu riếu đơn thuần thiếu tính xây dựng. Và hiển nhiên, quẳng bớt cát bụi sân si trong lòng nghĩa là ta đồng thời gieo mầm cho lòng tốt cùng những điều tích cực.